Quyết liệt thực hiện các biện pháp để tháo gỡ "thẻ vàng" IUU

08:28, 11/11/2022

Sau gần 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU nhằm khắc phục các bất cập, nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” cho hải sản trở lại thị trường lớn này, cùng với các địa phương có biển trên cả nước, Nam Định đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục.

Các lực lượng chức năng của tỉnh tặng cờ Tổ quốc động viên ngư dân khai thác thủy sản hợp pháp và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Các lực lượng chức năng của tỉnh tặng cờ Tổ quốc động viên ngư dân khai thác thủy sản hợp pháp và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Những kết quả tích cực

Để thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC, UBND tỉnh đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định số 67 và chống khai thác IUU tỉnh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Các sở, ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản. Sở NN và PTNT đã cấp 587 giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá của tỉnh. Căn cứ hiện trạng tàu cá và định hướng phát triển nghề khai thác thủy sản tỉnh Nam Định, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản trên biển, trong đó vùng ven bờ 1.167 giấy phép, vùng lộng 383 giấy phép. Từ ngày 1-1 đến 15-9-2022 đã đăng kiểm cho 402/913 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên thuộc diện phải đăng kiểm; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 481/540 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Tính đến ngày 24-10-2022, số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) là 502/540 chiếc tàu, đạt 92,96%. Số tàu chưa lắp thiết bị GSHT là những tàu ngừng hoạt động đang nằm bờ nên đã tháo thiết bị GSHT hoặc tàu đã bán sang tỉnh khác nhưng chủ tàu chưa khai báo để xóa đăng ký, tàu mới đăng ký.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, Sở NN và PTNT đã ban hành và tổ chức ký kết quy chế phối hợp quản lý, khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá với Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Trực Ninh. Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) ban hành quy trình xử lý dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá, hàng tháng lập bảng phân công lịch thường trực hệ thống giám sát tàu cá 24/24h; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ hàng hóa, thủy sản qua Cảng cá Ninh Cơ. Ban quản lý Cảng cá Ninh Cơ kiểm soát đối với tất cả các tàu cá rời và cập Cảng cá Ninh Cơ, giám sát sản lượng và thu sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định và bố trí lực lượng thực hiện công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác khi chủ tàu có nhu cầu…

Tuy nhiên theo đánh giá của BĐBP tỉnh, những tháng đầu năm 2022, tình hình trên Biển Đông tiếp tục có diễn biến phức tạp. Trên vùng biển của tỉnh, khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và trên Biển Đông, tàu cá nước ngoài hoạt động lấn át ngư dân ta, xâm phạm vùng biển khai thác hải sản. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU của ngư dân chưa được cải thiện đáng kể. Vì lợi ích kinh tế, một bộ phận ngư dân đã vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép và chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trong bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp quyết liệt hơn để xử lý nhằm loại bỏ nguy cơ bị rút “thẻ vàng” đối với thủy sản vào thị trường châu Âu.

Tạo thói quen “đi khai, về trình”

Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) cho biết: Để nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác IUU, góp phần tháo gỡ thẻ vàng IUU của EC, thời gian qua Chi cục đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân lắp đặt thiết bị GSHT, thực hiện báo cáo, ghi sổ nhật ký khai thác… theo quy định. Ông Vũ Viết Kỷ, chủ tàu cá NĐ039 ở xóm 2, xã Hải Triều (Hải Hậu) chia sẻ: Trước đây, ngư dân ít quan tâm lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá thì nay gần như tất cả các tàu khai thác xa bờ đều đã lắp đặt thiết bị GSHT. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để tàu được ra vào cảng cá. Việc lắp thiết bị này theo quy định của cơ quan chức năng không chỉ bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật mà còn giúp theo dõi, phát tín hiệu cảnh báo mỗi khi tàu sắp vi phạm vùng biển của nước khác để chủ tàu biết và chấp hành; mặt khác còn giúp ngư dân xử lý các tình huống khi gặp tai nạn, sự cố trên biển vì ngay trên thiết bị có loa cảnh báo bão và nút bấm cấp cứu SOS.

Theo ông Phạm Văn Tình, thuyền trưởng tàu cá NĐ92288-TS, xã Hải Chính (Hải Hậu) từ khi được phổ biến những quy định về phòng, chống khai thác IUU, ông đã bắt đầu tạo cho mình thói quen ghi chép nhật ký đánh bắt, sản lượng để sẵn sàng đối chiếu và báo cáo lực lượng, cơ quan chức năng kiểm tra. Việc ghi chép này giúp ông nắm được tình hình khai thác, quá trình khai thác trên các ngư trường... thay vì cứ khai thác rồi đưa cá vào cảng bán, nhận tiền là xong như trước đây. Theo ông Tình, trước đây ngư dân chỉ nghĩ đơn giản ở đâu có nhiều cá thì đánh bắt nên ít chú ý, vi phạm ngư trường nước ngoài. Còn nay mỗi khi ra khơi ông đều đưa tàu vào Cảng cá Ninh Cơ để làm thủ tục khai báo đầy đủ, ghi chép nhật ký khai thác, bật thiết bị GSHT 24/24h, cũng như cam kết đánh bắt không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ông Tình chia sẻ: Giờ bà con đã hiểu làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, gây hại cho ngành thủy sản, chưa kể nếu ngư dân mình vi phạm vùng biển nước ngoài lập tức có thể bị bắt, bị tịch thu phương tiện; lực lượng chức năng trong nước cũng phạt nặng khi phát hiện tàu cá khai thác trái phép, không gắn thiết bị GSHT.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi khai thác thủy hải sản trên biển, góp phần tháo gỡ Thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi khai thác thủy hải sản trên biển, góp phần tháo gỡ "Thẻ vàng" của EC đối với ngành thủy sản.

Ngư dân đóng vai trò quyết định đối với việc có được gỡ “thẻ vàng” hay không…

Theo nhận định của Hội Nghề cá Việt Nam, quy định chống khai thác bất hợp pháp không còn là yêu cầu của riêng thị trường châu Âu, mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn khác. Chẳng hạn, từ ngày 1-12-2022, Nhật Bản sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU với bốn loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường nước này gồm: mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu mackerel và cá trích… Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi phải sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận. Vì vậy cần phải có sự phối hợp, kiểm soát IUU nhịp nhàng giữa ngư dân - cơ sở thu mua - doanh nghiệp và cơ quan chức năng, địa phương. 

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quyết định tới việc EC gỡ “thẻ vàng” IUU chính là ý thức chấp hành các quy định pháp luật khi khai thác trên biển và không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Nói cách khác, ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật Việt Nam, các thông lệ quốc tế và của các nước có biển trong quá trình khai thác hải sản trên biển là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc tháo gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân, các lực lượng chức năng phải thắt chặt công tác kiểm tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Hiện nay còn một số ít ngư dân vin vào lý do lớn tuổi, học phí các khóa học chức danh nghề cá cao nên không đi học để được cấp các chứng chỉ thuyền viên, thuyền trưởng, thợ máy theo quy định... Điều này cũng cản trở việc gỡ “thẻ vàng” IUU của EC. Theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 67-IUU tỉnh Trần Anh Dũng: Nếu tàu cá không có đầy đủ các thủ tục, điều kiện kỹ thuật, nhất là các chứng chỉ theo quy định thì kiên quyết cấm biển, không để ngư dân ra khơi sản xuất, góp phần sớm gỡ “Thẻ vàng”./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com