Thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ ở địa phương

08:42, 18/03/2024

Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH và CN) đối với phát triển, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN theo hướng tập trung hơn, trọng tâm trên tất cả các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình ứng dụng máy cấy - mạ khay tại xã Xuân Thượng (Xuân Trường).
Mô hình ứng dụng máy cấy - mạ khay tại xã Xuân Thượng (Xuân Trường).

Trong năm 2023, huyện Mỹ Lộc tiếp tục phát huy hiệu quả và mở rộng mô hình nuôi cá trắm đen tại xã Mỹ Hà; hình thành và phát triển 4 vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Tiến, Mỹ Trung với các loại cá có giá trị kinh tế cao… đưa giá trị sản xuất thủy sản của huyện đạt 200-400 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, huyện còn triển khai tới các xã, thị trấn mô hình khai thác sử dụng, ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón… mang lại nhiều lợi ích kinh tế đồng thời cải thiện môi trường. Khuyến khích, chuyển giao ứng dụng các công nghệ, máy móc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phục vụ cho phát triển sản xuất trong lĩnh vực may công nghiệp tại xã Mỹ Thắng, công nghệ sản xuất dép nhựa tại xã Mỹ Hưng và thị trấn Mỹ Lộc… nhằm đổi mới, cải tiến mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, đảm bảo sản xuât, kinh doanh phát triển, góp phần tạo nguồn thu ổn định cho nhân dân địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã phối hợp với Sở KH và CN chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Giao Thủy đã hỗ trợ thực hiện các mô hình “Ứng dụng công nghệ tự động hoá vào mô hình nuôi gà trắng công nghiệp tại xã Bình Hoà”, “Sản xuất thử nghiệm, áp dụng chuyển giao công nghệ cho các sản phẩm: ghẹ xanh, hàu Thái Bình Dương trên địa bàn huyện Giao Thuỷ”. Huyện Nghĩa Hưng hỗ trợ 2 dự án ứng dụng KH và CN “Ứng dụng bả mồi diệt ốc bươu vàng từ phụ phẩm nông nghiệp vào mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững” và “Ứng dụng các biện pháp quản lý tổng hợp lúa cỏ trong mô hình lúa Hạt ngọc 9 vụ mùa 2023”; huyện Hải Hậu triển khai mô hình “Nuôi rạm thương phẩm”. Các mô hình ứng dụng KH và CN vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân bước đầu tạo đà phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành những vùng nguyên liệu thực phẩm quy mô lớn, góp phần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương.

Đặc biệt, hoạt động KH và CN đã hỗ trợ đắc lực cho các địa phương trong thực hiện và thúc đẩy Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thông qua việc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng bộ tiêu chuẩn, bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm; hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 431 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 234 cơ sở sản xuất ở 10 huyện, thành phố (trong đó có 60 doanh nghiệp, 54 hợp tác xã và 120 hộ kinh doanh). Một trong những định hướng quan trọng trong giai đoạn mới là xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản - truyền thống của địa phương (nông sản, sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp) gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, tên địa danh nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các đặc sản, góp phần phát triển quy mô sản xuất, thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa địa phương. Xác định được mục tiêu đó, một số địa phương đã đề xuất các nhiệm vụ KH và CN cấp tỉnh hỗ trợ để phát triển các sản phẩm chủ lực, truyền thống. Năm 2023 có 3 sản phẩm đang được hỗ trợ xây dựng gồm: “Tơ lụa Cổ Chất” (Trực Ninh), “Nếp Bắc Nghĩa Bình” (Nghĩa Hưng), “Phở Xưa Nam Định” (thành phố Nam Định). Một số sản phẩm đã được bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được tiếp tục quan tâm và phát triển như: Mật ong sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thuỷ; Nước mắm Giao Châu (Giao Thủy); Cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường); Cá bống bớp Nghĩa Hưng; Đồ gỗ La Xuyên; Rượu nếp Yên Phú (Ý Yên); Bánh nhãn Hải Hậu, Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu (Hải Hậu); Hội Sinh vật cảnh Vị Khê (Nam Trực)…

Bên cạnh đó, thời gian qua các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và cải cách hành chính của chính quyền các cấp giúp giảm thiểu quy trình xử lý, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Một số huyện đã triển khai thực hiện dự án ứng dụng Công nghệ thông tin trong việc triển khai chính phủ điện tử. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 271 cơ quan đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015, trong đó có 100% UBND cấp xã áp dụng. Hàng năm, các huyện, thành phố định kỳ thực hiện xây dựng Kế hoạch và tổ chức đánh giá nội bộ HTQLCL; hướng dẫn công tác duy trì và cải tiến hệ HTQLCL cho các xã, phường, thị trấn; tập huấn kiến thức về HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015 cho công chức là thư ký ban ISO các xã, thị trấn; kiểm tra đánh giá việc duy trì vận hành áp dụng và cải tiến HTQLCL... Theo báo cáo kết quả đánh giá áp dụng HTQLCL năm 2023 của Sở KH và CN, 10/10 huyện, thành phố duy trì áp dụng HTQLCL theo quy định ở mức khá, có 5/10 huyện, thành phố bao phủ 100% các thủ tục hành chính.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động KH và CN, thời gian tới, các huyện, thành phố căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch của địa phương, đề xuất thực hiện các nhiệm vụ KH và CN để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như: phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển nông nghiệp, thuỷ sản; xử lý chất thải và vệ sinh môi trường; xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu… Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, triển khai tập huấn cập nhật, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức. Phối hợp với Sở KH và CN lựa chọn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân áp dụng mô hình kỹ thuật tiên tiến, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP, sản phẩm tổ chức tập thể gắn với chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ của địa phương. Tiếp tục xây dựng kế hoạch duy trì, cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015. Tích cực phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com