Thời gian qua, cùng với các doanh nghiệp, công ty tư nhân, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH và CN), các tổ chức KH và CN công lập đã bắt kịp xu hướng và hoạt động tích cực chuyển giao công nghệ. Qua đó, bước đầu đã có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các sản phẩm của Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) được bày bán tại hội chợ triển lãm Techfest 2023. |
Thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, tỉnh đã ban hành kế hoạch và chương trình hành động thực hiện các nghị quyết. Trong đó, đã kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại về cơ cấu bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, tăng cường cơ sở vật chất cho các tổ chức KH và CN; đặc biệt là hợp nhất 3 Trung tâm là: Thông tin và Thống kê KH và CN; Ứng dụng tiến bộ KH và CN; Kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng thành Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN (Sở KH và CN). Đến nay, toàn tỉnh có 16 tổ chức KH và CN công lập và ngoài công lập hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, y dược… được Sở KH và CN cấp giấy chứng nhận hoạt động KH và CN. Trong đó, có 7 tổ chức KH và CN công lập là: Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN; Trung tâm Giống thủy, đặc sản Nam Định; Trung tâm Giống gia súc, gia cầm Nam Định; Vườn Quốc gia Xuân Thủy; Trung tâm Tư vấn xây dựng Nam Định - Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định; Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định; Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ yếu thuộc các sở, ngành trong tỉnh, mục đích hoạt động chính là tham mưu, hỗ trợ, triển khai các hoạt động của ngành, đơn vị chủ quản. Đồng thời, tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, dịch vụ về KH và CN nhằm gia tăng nguồn lực, nâng cao trình độ của tổ chức.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các tổ chức KH và CN công lập trên địa bàn với các hoạt động chủ yếu là sửa chữa trụ sở làm việc; đầu tư các trang thiết bị cần thiết phục vụ yêu cầu về chuyên môn, điều kiện làm việc của các đơn vị. Điển hình là các dự án: “Nâng cao năng lực tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Nam Định giai đoạn II”, “Xây dựng sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định”, “Cải tạo, sửa chữa tòa nhà 9 tầng thuộc Sở KH và CN tỉnh Nam Định”… Về cơ bản, các tổ chức KH và CN công lập có diện tích khu vực làm việc, sản xuất đáp ứng được yêu cầu cho các hoạt động KH và CN; đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt tiêu chuẩn phục vụ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Một số tổ chức có sự đầu tư mạnh cho trang thiết bị là Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN với 51,7 tỷ đồng; Trung tâm Giống gia súc, gia cầm với 5,2 tỷ đồng; Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định 5 tỷ đồng… Bên cạnh đó, các đơn vị đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bố trí nhân lực trong từng vị trí việc làm cụ thể nhằm đáp ứng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và dịch vụ KH và CN của đơn vị. Thời gian qua, Trung tâm Giống gia súc, gia cầm đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu lai tạo ra giống lợn mới có năng suất, chất lượng cao như: con lai giữa giống Landrace và Yorkshire của Đan Mạch, giữa giống Duroc của Đài Loan với Yorkshire tạo đàn lợn hậu bị bố mẹ chất lượng cao, đẻ sai, con thương phẩm đẹp, lớn nhanh… Đồng thời, tiếp tục các hoạt động sản xuất giống gia súc, gia cầm bố mẹ; sản xuất tinh lợn; bảo quản tinh bò; chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện dự án “Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn trong xây dựng nông thôn kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”; giải pháp “ Ứng dụng chế phẩm sinh học Glucan tỏi trong chăn nuôi lợn nhằm mục đích phòng, chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh Nam Định” và áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong chăn nuôi. Nhiều giải pháp, sáng kiến đã được nhân rộng và được các cấp, các ngành đánh giá đảm bảo tính hiệu quả và mang tính bền vững; trong đó nuôi lợn trên đệm lót sinh học mang lại hiệu quả cao, an toàn dịch bệnh, chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Hiện nay, phần lớn các tổ chức KH và CN đều tham gia các hoạt động KH và CN cấp tỉnh, cấp cơ sở với nhiều đề tài, dự án. Điển hình là Trung tâm Giống thủy đặc sản với các đề tài “Giải pháp tăng cường chủ động sử dụng sinh vật phù du làm thức ăn trong quá trình ương nuôi cá chép V1 từ giai đoạn cá bột lên cá hương”, “Sử dụng hệ thống đèn tia cực tím (UV) và hệ thống lọc âm trong xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm thâm canh tại huyện Giao Thủy”, “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng hóa chất”, “Mô hình nuôi tôm không sử dụng hóa chất”. Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thực hiện các đề tài “Nghiên cứu đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác quản lý đê điều đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2030”, “Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ quản lý phát triển bền vững quỹ đất bãi bồi ven biển tỉnh Nam Định”… Qua đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết trong thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình phát triển các tổ chức KH và CN công lập của tỉnh ta hiện nay vẫn còn gặp phải những tồn tại, hạn chế. Mặc dù đã được tăng cường năng lực, nâng cấp cơ sở vật chất song nguồn nhân lực chất lượng cao tại các tổ chức KH và CN công lập vẫn còn thiếu. Cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chưa được đồng bộ và đạt hiệu quả cao như mong đợi. Nguồn kinh phí hoạt động KH và CN của các đơn vị còn thiếu, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Công tác hợp tác quốc tế hoạt động KH và CN gặp nhiều khó khăn. Thị trường KH và CN chưa phát triển, chưa tạo được động lực cho các tổ chức KH và CN chủ động tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH và CN cấp tỉnh. Hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh mới chỉ diễn ra theo một chiều là nhận chuyển giao công nghệ, chưa có công nghệ chuyển giao…
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cấp các tổ chức KH và CN và đổi mới sáng tạo gồm các tổ chức KH và CN, trường đại học, cao đẳng bằng việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ công tác chuyên môn; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động và kết nối với các tổ chức KHCN và đổi mới sáng tạo của Trung ương, Hà Nội và các địa phương trong vùng. Thúc đẩy hình thành và phát triển các tổ chức trung gian, dịch vụ của thị trường KH và CN. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức KH và CN, doanh nghiệp ngoài tỉnh và quốc tế thành lập các văn phòng, chi nhánh về tổ chức KH và CN và đổi mới sáng tạo đóng trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin