Startup Thụy Sĩ phát triển máy bay chở khách siêu vượt âm

07:49, 04/04/2023

Công ty Destinus nhận tài trợ từ Bộ Khoa học Tây Ban Nha để phát triển loại máy bay hydro nhanh gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh.

Startup Thụy Sĩ Destinus thông báo, họ đang tham gia một chương trình do Bộ Khoa học Tây Ban Nha triển khai nhằm phát triển các chuyến bay siêu thanh sử dụng nhiên liệu hydro, Interesting Engineering hôm 29/3 đưa tin. Ngoài Destinus, các trường đại học Tây Ban Nha cũng như các công ty và trung tâm công nghệ cũng tham gia dự án này.

Mô phỏng máy bay tốc độ cao của Destinus. (Ảnh: Destinus).
Mô phỏng máy bay tốc độ cao của Destinus. (Ảnh: Destinus).

Dự án máy bay hydro siêu thanh nhận được khoản tài trợ ban đầu của chính phủ Tây Ban Nha là 12 triệu euro. Khoản tài trợ này sẽ dùng cho việc xây dựng cơ sở thử nghiệm động cơ hydro gần Madrid. Việc xây dựng do Destinus hợp tác với công ty động cơ ITP Aero của Tây Ban Nha thực hiện. Ngoài ra, khoản tài trợ thứ hai trị giá 15 triệu euro sẽ chi trả cho nghiên cứu về động cơ đẩy chạy bằng hydro lỏng.

Destinus đã thử nghiệm vài nguyên mẫu máy bay trong hai năm qua. Nguyên mẫu đầu tiên là máy bay cận âm (dưới tốc độ âm thanh) điều khiển từ xa có kích thước nhỏ mang tên Jungfrau, bay thử nghiệm vào tháng 11/2021. Nguyên mẫu thứ hai mang tên Eiger - máy bay không người lái kích thước lớn hơn - bay thử vào tháng 10/2022.

Mục tiêu của Destinus là chế tạo máy bay đạt tốc độ siêu vượt âm - nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5) hoặc hơn. Tốc độ này cao hơn nhiều so với máy bay siêu thanh Concorde đã ngừng hoạt động vào năm 2003. Concorde từng bay với tốc độ Mach 2.04 - gấp hơn hai lần tốc độ âm thanh. Tốc độ âm thanh là khoảng 1.200 km/h.

Destinus dự kiến công nghệ của mình sẽ giúp chuyến bay từ Frankfurt (Đức) đến Sydney (Australia) chỉ kéo dài 4 giờ 15 phút thay vì 20 tiếng như hiện nay, trong khi chuyến bay từ Frankfurt đến Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ mất 2 giờ 45 phút - ngắn hơn 8 tiếng so với hành trình hiện tại.

Năng lượng hydro là đề tài của nhiều dự án nghiên cứu và phát triển do đặc tính "xanh", với các sản phẩm phụ khi đốt cháy hydro chủ yếu chỉ gồm nhiệt và nước. Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT ở Melbourne đã tạo ra những chất xúc tác in 3D có thể cung cấp năng lượng cho chuyến bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh, đồng thời làm mát hệ thống, bảo vệ hệ thống khỏi lượng nhiệt cực lớn sinh ra khi máy bay bay với tốc độ này.

Theo khoahoc.tv



BestPrice khuyến mãi Đặt vé máy bay đi Pleiku

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com