Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị sản phẩm muối

20:43, 01/12/2022

Hiện nay, nghề muối của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) nâng cao giá trị hạt muối là một trong những giải pháp hữu hiệu để tiếp tục duy trì, phát triển nghề muối, tạo công ăn việc làm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng làm muối.

Diêm dân Bạch Long (Giao Thủy) thu hoạch muối. 
Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Diêm dân Bạch Long (Giao Thủy) thu hoạch muối.

Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN và PTNT), trong năm 2022 Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định đã liên kết với 11 hộ diêm dân xã Bạch Long (Giao Thủy) thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất muối sạch phục vụ xuất khẩu” với quy mô 1ha. Triển khai dự án, Công ty đã tổ chức tập huấn cho diêm dân quy trình sản xuất muối sạch chất lượng cao theo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu. Đồng thời hỗ trợ diêm dân cải tạo chỉnh trang đồng muối, áp dụng mô hình muối sạch phơi cát như: chuyển chạt lọc ra giữa ruộng; cải tạo sân phơi cát, ô kết tinh truyền thống, cồn ô kết tinh bằng bê tông chịu mặn M200; thống cái composite dung tích 500 lít; thống con bằng composite loại 100-150 lít; máy bơm nước 0,75kW… Đến nay, dự án hoàn thành, đã cải thiện chất lượng sản phẩm muối rõ rệt với những hạt muối trắng sạch, không lẫn tạp chất. Theo kế hoạch, dự tính sản lượng 1ha tăng 15-20% so với những năm trước nhưng do điều kiện thời tiết năm nay thất thường, nắng ít, mưa nhiều nên đến thời điểm hiện tại, sản lượng thực tế sản xuất chỉ tăng khoảng 10-15%. Ngoài tăng về sản lượng, diêm dân tham gia dự án còn được hưởng lợi như: áp dụng cơ giới hóa giảm công lao động, liên kết với doanh nghiệp phân phối tạo sự bền vững… và đặc biệt là áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP để xuất khẩu đã giúp tăng giá trị sản phẩm muối trên 20% so với muối sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Theo đánh giá của diêm dân, năm nay giá muối cao kỷ lục với mức bán bình quân 2.500-2.700 đồng/kg, có thời điểm lên đến 3.500-4.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với những năm trước đây chỉ vào khoảng 1.000-1.200 đồng/kg, thậm chí năm 2020 giá muối chạm đáy chỉ 700-800 đồng/kg. Nếu như trung bình 1 sào muối diêm dân thu hoạch được khoảng 50kg muối/ngày, mỗi ngày làm được 2,5 sào sẽ cho thu nhập bình quân trên 300 nghìn đồng/diêm dân/ngày. Sở dĩ giá muối tăng cao do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường nên diện tích sản xuất và sản lượng muối đều giảm. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại các tỉnh ở miền Bắc mà ở các tỉnh miền Nam khiến nguồn “cung” khan, không đáp ứng đủ nhu cầu thu mua chế biến muối của các doanh nghiệp. Những năm gần đây, ngành chế biến muối của tỉnh tiếp tục được củng cố và phát triển. Các doanh nghiệp chế biến muối tích cực đầu tư công nghệ mới, liên kết với các địa phương sản xuất muối nhập muối nguyên liệu để chế biến các sản phẩm muối chất lượng cao. Hiện toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp chế biến, năng lực chế biến đạt hơn 60 nghìn tấn với 10 dòng sản phẩm muối và sản phẩm từ muối, tăng 20% so với năm 2021. Nam Định trở thành một trong những tỉnh có sản lượng chế biến muối lớn của miền Bắc cung cấp cho ngành công nghiệp thực phẩm, tiêu dùng cho các tỉnh phía Bắc và đã có sản phẩm muối xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. 

Đi đầu trong chế biến sâu sản phẩm muối là Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến và cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm muối mới như: muối hạt sạch, muối biển nhạt Royal, bột canh nấm bào ngư, bột canh Royal, muối xuất khẩu Nhật Bản NADISALT… Công ty TNHH Muối và Thương mại Nam Hải, xã Bạch Long (Giao Thủy) thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất muối sạch” và đầu tư dây chuyền sấy muối sử dụng công nghệ inverter cấp nhiệt để sản xuất ra các loại muối tinh, muối i-ốt, muối thức ăn chăn nuôi, muối phục vụ nuôi trồng thủy sản… Đến nay, đã có 14 sản phẩm muối của 6 cơ sở được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó 5 sản phẩm đạt 4 sao và 9 sản phẩm đạt 3 sao; có 3 chuỗi liên kết muối được chứng nhận sản phẩm an toàn là: chuỗi liên kết sản xuất muối sạch, muối i-ốt, muối nhạt của Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định với các hộ diêm dân thuộc HTX sản xuất muối Đông Hải, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) tiêu thụ 5.000 tấn muối/năm; chuỗi sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm muối sạch, bột canh của Công ty TNHH Muối và Thương mại Nam Hải tại cánh đồng muối xã Bạch Long (Giao Thủy) tiêu thụ 7.000 tấn muối/năm; chuỗi liên kết sản xuất muối sạch Vạn Ninh của Công ty TNHH Muối Vạn Ninh tại cánh đồng xã Hải Đông (Hải Hậu) tiêu thụ 5.000 tấn muối/năm. Qua đó đã góp phần nâng cao giá trị hạt muối, góp phần giữ vững nghề truyền thống của miền quê vùng biển. Theo Sở NN và PTNT, năm 2022, diện tích đất muối được đưa vào sản xuất ước đạt 145ha; sản lượng muối thủ công ước đạt 23.145 tấn; sản lượng muối sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 50 nghìn tấn, sản lượng muối tiêu thụ ước đạt 60 nghìn tấn.

Tuy nhiên, việc áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, chế biến muối ở tỉnh ta vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Nhất là trong khâu sản xuất với chủ yếu diện tích nhỏ lẻ, manh mún. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và áp dụng tiến bộ KHKT trong ngành muối còn nhiều hạn chế. Các mô hình khuyến diêm còn ít về số lượng, thực hiện đơn lẻ, thiếu giải pháp đồng bộ, tính thuyết phục chưa cao. Đơn cử như mô hình muối sạch trải bạt không được nhân rộng. Ông Lại Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất cá muối Bạch Long, xã Bạch Long cho biết nhiều hộ diêm dân đã bỏ những diện tích này do sử dụng được 1 vài năm bạt bị rách, khó xử lý, đầu tư thì tốn kém, nếu ô kết tinh không bằng phẳng bạt sẽ bệt xuống làm ảnh hưởng tiến độ thu muối. Trong khi đó sản xuất muối sạch trải bạt mất nhiều thời gian, công sức hơn nhưng giá thành cao hơn không nhiều.

Để bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối cổ truyền, nâng cao đời sống cho diêm dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Thực hiện Đề án, từ năm 2023, Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành triển khai Dự án “Cải tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối” tại xã Bạch Long. Sau đó tiếp tục thực hiện các Dự án “Tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại đồng muối, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến muối”, “Phát triển liên kết trong sản xuất, chế biến muối giữa HTX với doanh nghiệp, xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch” tại 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, phấn đấu đến năm 2030 duy trì 326ha đất sản xuất muối, 30-40ha sản xuất muối sạch chất lượng cao./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com