Nam Định những năm đầu của cuộc xâm lược Pháp. Kỳ II: Những hạ tầng ban đầu thiết lập chiếm đóng quân sự của Pháp ở Nam Định

10:54, 04/12/2023

Sau khi chiếm được thành Nam Định, quân Pháp tiếp tục chiến dịch xâm chiếm Bắc Kỳ với các trận đánh Cầu Giấy và Vọng, Phùng (ngày 18/6/1883), Bắc Ninh, Bắc Lệ (tháng 6/1883), Sơn Tây (tháng 12/1883). Với Hòa ước Harmand ký ngày 25/8/1883, triều đình nhà Nguyễn chính thức công nhận sự bảo hộ của Pháp ở Việt Nam.

Đôi nét về tổ chức quân sự của Pháp ở Bắc Kỳ

Ngày 16/12/1883, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa, Tổng thống Cộng hòa Pháp ban hành sắc lệnh phong chuẩn tướng Millot làm Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Bắc Kỳ. Ngày 12/05/1884, hai trung đoàn lính khố đỏ Bắc Kỳ số 1 và 2 được thành lập, ngày 28/7/1885, trung đoàn lính khố đỏ Bắc Kỳ số 3 được thành lập, trung đoàn lính khố đỏ Bắc Kỳ số 4 được thành lập từ ngày 15/4/1886[1].

Theo sắc lệnh ngày 17/10/1887 về tổ chức Liên hiệp Đông Dương, các đơn vị Pháp ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ tập trung chỉ huy về một vị trí. Ngày 02/12/1887, các đơn vị Pháp ở Bắc Kỳ vốn trực thuộc Bộ Chiến tranh sẽ chuyển sang trực thuộc Bộ Hải quân Pháp. Ngày 01/01/1888, tướng Munier về Pháp, thay ông ta là tướng Begin - chỉ huy trưởng lực lượng Pháp ở Đông Dương. Tháng 5/1888, các lữ đoàn Pháp được tổ chức như sau:

Lữ đoàn 1 (Sơn Tây) do tướng Chanu làm lữ đoàn trưởng;

Lữ đoàn 2 (Bắc Ninh) do tướng Borgnis Desbordes làm lữ đoàn trưởng;

Lữ đoàn 3 (Huế) do đại tá Pernot làm lữ đoàn trưởng;

Lữ đoàn 4 (Sài Gòn) do đại tá Voyron làm lữ đoàn trưởng.

Từ ngày 15/4/1888, do mở rộng chiếm đóng quân sự và bình định, quân Pháp có những thay đổi trong triển khai các binh đoàn. Lữ đoàn 1 sẽ bao quát vùng 1 gồm Lào Kay, thượng lưu sông Hồng, vùng 1bis: Sơn La, thượng lưu sông Đà, vùng 2: sông Hồng và hạ lưu sông Đà, vùng 4: sông Hồng, hự lưu sông Lô, Sơn Tây, vùng 5: Hà Nội, vùng 6: Nam Định, vùng 7: Thanh Hóa.

Lữ đoàn 2 sẽ bao quát vùng 3: thượng lưu sông Lô,Tuyên Quang, vùng 8: Hải Phòng, vùng 9: Hải Dương, vùng 10: Bắc Ninh, vùng 11: Phủ Lạng Thương, vùng 12: Lạng Sơn và vùng 12bis: Cao Bằng. Lữ đoàn 3 sẽ bao quát các vùng 13, 14 và 15 của Trung Kỳ. Lữ đoàn 4 sẽ bao quát các vùng của Nam Kỳ và Cao Miên (Campuchia ngày nay).

Trước những bất cập trong phân chia tổ chức theo vùng, ngày 06/8/1891, Toàn quyền Đông Dương de Lanessan ban hành nghị định về việc chuyển các vùng núi bao quanh đồng bằng châu thổ sông Hồng thành 4 đạo quan binh, quyền dân sự và quân sự tập trung trong tay chỉ huy đạo quan binh, hòng trấn áp hiệu quả các cuộc nổi dậy và đẩy nhanh việc bình định các vùng đất đã chiếm được, theo học thuyết "vết dầu loang" của tướng Joseph Gallieni. 

Những thiết lập quân sự ban đầu của Pháp ở Nam Định

Kết thúc công chiếm thành Nam Định, quân Pháp đóng ngay trong thành. Ngày 04/3/1890, chính quyền dân sự yêu cầu lấy lại những tòa nhà đang giao cho quân Pháp sử dụng.

Tướng Bichot nêu rõ trong nghị định của Hội đồng Quốc phòng Đông Dương ngày 29/12/1897 cho rằng cần phải triển khai chiếm đóng lâu dài Nam Định với trung tâm hành chính phục vụ 1 trung đoàn lính khổ đỏ Bắc Kỳ, bởi Nam Định sẽ đóng vai trò là một trong hai điểm tập trung quân đối phó với những tấn công từ bên ngoài (quân Thanh). Đến ngày 30/06/1898[2], Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer gửi thư cho Thống sứ Bắc kỳ đề cập đến việc tướng Bichot - Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương đề nghị lập quân đồn trú trong thành Nam Định và Ninh  Bình, đích thân sĩ quan tham mưu Salins của ông ta sẽ đảm nhiệm hồ sơ «Nam Định» nhằm thiết lập hạ tầng quân sự cho lính khố đỏ đóng tại Nam Định. Ngày 10/12/1900, Thống sứ Bắc Kỳ gửi thư cho Công sứ Pháp ở Nam Định thông báo quyết định mua 15 héc-ta đất ở ngoài thành Nam Định cũ[3] để xây doanh trại đóng trú cho lính khố đỏ[4].

Khu đất 15 héc-ta làm doanh trại cho lính khố đỏ và ảnh Nhượng địa Daurelle
Khu đất 15 héc-ta làm doanh trại cho lính khố đỏ và ảnh Nhượng địa Daurelle

Ngoài các khu xây dựng quân sự, trong báo cáo chung thường niên năm 1901 về các vấn đề liên quan đến lực lượng chiếm đóng và phòng thủ của Pháp ở Đông Dương[5], do tướng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương Alfred Dodds viết có đề cập đến việc lập các trường bắn, với khoảng cách bắn lên đến 600m. Các đạo quan binh có thể trưng dụng những diện tích không canh tác làm trường bắn. Từ tháng 8/1900, quân Pháp tiến hành nghiên cứu hòng cải thiện tình hình, một số trường bắn đã được mua trao đổi với chính quyền dân sự như trường bắn ở Hải Phòng hay Lạng Sơn.

Tính đến năm 1901, quân chiếm đóng đồn trú tại các khu vực như Sơn Tây, Bắc Ninh, Phả Lại, Huế đều có trường bắn, trong khi Hà Nội và Pnôm-Pênh đều không có trường bắn. Tướng Dodds nhấn mạnh, việc không có trường bắn rất bất lợi cho quân chiếm đóng Pháp, thêm vào đó, các trường bắn thường được đặt ngoài khu vực quân sự nên việc tập bắn, thao diễn của quân Pháp thường chỉ được tiến hành sau các vụ thu hoạch. Và để phục vụ cho quân đồn trú ở Nam Định, ngày 05/6/1901[6], Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định số 1947, theo đề nghị của tướng Dodds về việc thành lập ủy ban nghiên cứu dựng trường bắn gần thành Nam Định. Ngày 18/03/1902, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương quyết định mua mảnh đất rộng 102000 m2 (28 mẫu 3 sào 5 thước) ở vị trí gần ga Núi Gôi, với giá là 80 đồng/mẫu[7]. Theo các văn bản hành chính sau đó, trường bắn có chiều rộng 100, dài 1020 m, được lập ở làng Côi Sơn, tổng Vân Côi, huyện Vụ Bản. Trường bắn này sẽ phục vụ cho Trung đoàn lính khố đỏ Bắc Kỳ số 3 (3è Régiment de Tirailleurs Tonkinois).

Danh sách người dân làng Vân Côi nhượng đất và ảnh Sơ đồ trường bắn
Danh sách người dân làng Vân Côi nhượng đất và ảnh Sơ đồ trường bắn.

Ngày 30/12/1902, trung tá Dumont - Trung đoàn trưởng trung đoàn lính khố đỏ số 3 gửi thư cho Công sứ Pháp tại Nam Định nêu rõ những quy định của trường bắn Núi Gôi. Theo đó, cấm người dân trồng trọt, chăn thả gia súc, gia cầm trong khu vực trường bắn nếu không được phép đặc biệt. Trong tất cả các mùa, người dân chăn thả gia súc dọc đường sắt men theo trường bắn chi được qua đường tại các vị trí dân sự theo quy định, không làm hư hại mặt đường khu vực dẫn tới trường bắn. Cấm người dân vượt đường hào để vào trú ẩn, ngủ nghỉ hay lấy gỗ. Khi bắn tập diễn ra ở khu đa giác trước Núi Gôi, một xe tải màu đỏ sẽ đỗ chặn trước 30 phút  khu vực phía bên và còi báo kết thúc sẽ vang lên thông báo cho người dân làng Côi Sơn. Cũng 30 phút trước khi các đợt bắn tập bắn đầu, hai đội lính tuần sẽ triển khai trên con đường dọc gò đất, ngăn người dân đi lại trong khi các đợt bắn diễn ra. Người dân sẽ được thông báo cấm cho trâu, bò đi vào trường bắn trong thời gian bắn tập. Các thông báo đỏ bằng chữ Hán sẽ được chính quyền quân sự dán ở các góc trường bắn nhằm cảnh báo người dân.

Tuy nhiên, ngày 29/7/1903, các kỳ hào, kỳ mục làng Côi Sơn, tổng Vân Côi huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng gửi thỉnh nguyện lên Chỉ huy tối cao quân đội Pháp xin được trồng cấy trên các thửa ruộng mà quân Pháp không sử dụng và được chấp thuận từ tháng 5 đến 15/9 hàng năm[8]. Ngày 26/12/1905, đại tá Simonin -Trung đoàn trưởng trung đoàn lính khố đỏ Bắc kỳ gửi Công sứ Pháp ở Nam Định bức thư đề nghị nghiên cứu xây dựng một doanh trại trường bắn mới do doanh trại cũ của trường bắn bị bão phá hủy hoàn toàn, doanh trại mới được dựng trên mảnh đất được cho là không an toàn.

Những cơ sở hạ tầng quân sự ban đầu được nhanh chóng thiết lập sau khi chiếm được thành Nam Định cho thấy quân Pháp đánh giá đây là tỉnh có vai trò và vị trí chiến lược về quân sự - chính trị quan trọng trong kế hoạch bình định khu vực nam đồng bằng châu thổ sông Hồng như Phủ Lý, Thái Bình.

---------------------------------------------------

 

[1]. Theo « Lịch sử quân sự Đông Dương thuộc Pháp, từ khi bắt đầu cho đến ngày nay, tháng 7/1930», Nhà in Viễn Đông, 1930, tập 1, trang 121, 144, .

[2]. Hồ sơ sơ 13934, phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Quân chiếm đóng ở Nam Định gồm 80 sĩ quan, 1002 lính Âu, 3051 lính bản xứ, 145 ngựa vận tải.

[3]. Nhượng địa Gobert phần bôi xanh trên sơ đồ, hồ sơ 2966, phông Tòa sứ Nam Định, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

[4]. Trong khuôn khổ «hỗ trợ phòng thủ Bắc Kỳ»,Toàn quyền Đông Dương kêu gọi sự tương hỗ giữa các cơ quan dân sự và quân sự, nên năm 1921, chính quyền quân sự ở Nam Định đề nghị được mua thêm nhượng địa Daurelle - khu đất rộng 17 héc-ta ở huyện Mỹ Lộc, ngoài thành Nam Định, vốn đang thuộc quyền sử dụng của một nhà buôn tên là Daurelle trú tại Hà Nội để mở rộng doanh trại lính khố đỏ

[5]. Hồ sơ số 23, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp.

[6]. Hồ sơ số 2967, phông Tòa sứ Nam Định, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

[7]. 1 mẫu =  3600 m2.

[8]. Đến ngày 04/5/1914, tướng Succillon-Chỉ huy tối cao quân Pháp tại Đông Dương ra quyết định thu hồi giấy phép cho canh tác này.

Theo archives.org.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com