Về miền quê “Mỹ tục khả phong”
.

Về miền quê “Mỹ tục khả phong”

10:25, 30/11/2023
 

Từ thời phong kiến, làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) - Quê hương Tổng Bí thư Trường Chinh đã sáng danh là làng khoa bảng “Đệ nhất đất Việt” về số người đỗ đạt cao trong các kỳ thi Hương, thi Hội. Quê hương “địa linh, nhân kiệt” này cũng là miền quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng; có nhiều người giữ chức vụ trọng yếu của Đảng, Nhà nước. Tiếp nối mạch chảy truyền thống đó, những người con của quê hương trên dải đất hình “Cá chép” hôm nay lại đang viết thêm nhiều “sự tích” về sự nghiệp khuyến tài, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Mặt trời đứng ngọn tre, thế nhưng tại Chùa Keo Hành Thiện vẫn không thưa vắng người đến tham quan Triển lãm “Hành Thiện - 200 năm danh xưng”. Hỏi chuyện một cậu học sinh lớp 6, trường THCS Đặng Xuân Khu về lịch sử mảnh đất, con người, danh nhân, di sản văn hóa ở Hành Thiện, em kể rành mạch, chi tiết. Ông Đặng Xuân Đống, chủ tế của lễ hội Chùa Keo năm 2023 tự hào giải thích với chúng tôi: Con trẻ ở đất này, từ nhỏ đã được giáo dục từ trong gia đình đến nhà trường, thông tỏ về truyền thống văn hiến của quê hương. “Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý”, đó chính là tư tưởng về khuyến học, khuyến tài tự bao đời nay nơi miền quê “trai học hành, gái canh cửi”.

 

Chùa Keo Hành Thiện, gồm: chùa Keo trong (Thần Quang tự) và chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự) có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật.

 

Hành Thiện xã chí” là tác phẩm của cụ Đặng Xuân Viện, là phụ thân của Tổng Bí thư Trường Chinh, được viết từ năm 1933 giới thiệu chi tiết về làng: nguồn gốc lịch sử, truyền thống, các phong tục tập quán,... Mở từng trang sách chỉ cho chúng tôi xem, anh Nguyễn Phi Dũng, xóm 5, tự hào giới thiệu về quê hương: “Làng tôi xưa vốn có tên gọi là “Hành Cung Trang”. Năm 1823, làng được Vua Minh Mạng cho đổi tên thành “Hành Thiện” với ý nghĩa đây là nơi luôn làm những điều lành, điều thiện. Làng còn được triều đình nhà Nguyễn ban tặng 4 chữ “Mỹ tục khả phong”, ngợi khen những phong tục tập quán văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng.

 

Trải cò cốc (bơi thuyền cò cốc) được tổ chức tại hồ nước rộng phía trước chùa trong tại lễ hội Chùa Keo Hành Thiện năm 2023.

 

 Trong lịch sử phát triển, truyền thống khoa bảng của Hành Thiện đã thành “thương hiệu”, đi vào câu ca dân gian như “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” hay “Đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện”. Tại các khoa thi trong các triều phong kiến, làng có tới 7 người đỗ trình độ tương đương đại học (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Người đỗ cao nhất là cụ Đặng Xuân Bảng (ông nội Tổng Bí thư Trường Chinh, đỗ Tam giáp Tiến sĩ năm 1856). Làng rất quan tâm khuyến khích việc học hành khoa cử. So với các vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ, Hành Thiện là làng có trường học công lập sớm nhất. Năm Khải Định thứ 10, Tổng đốc Đặng Đức Cường cùng các vị hương quản đã đem đấu cố 36 mẫu ruộng để lấy kinh phí xây dựng trường học cho các con em trong làng theo học, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo. Từ xa xưa, các dòng họ trong làng đều có hương ước quy định khuyến khích, khen thưởng những người đỗ đạt.

 

(1) Cô và trò Trường THCS Đặng Xuân Khu trong buổi học ngoại khóa giáo dục truyền thống quê hương.
(2) Nghi thức tế, dâng hương trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện năm 2023.
(3) Nhà Lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
(1) Cô và trò Trường THCS Đặng Xuân Khu trong buổi học ngoại khóa giáo dục truyền thống quê hương. (2) Nghi thức tế, dâng hương trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện năm 2023. (3) Nhà Lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 

Đặc biệt, nhân dân xây dựng đình làng không phải chỉ để thờ cúng các vị thần như nơi khác mà còn dùng làm nơi hội họp của cộng đồng và đọc “Mười điều ban huấn (răn dạy)" của Vua Tự Đức ban cho làng. Đó là: 1. Đôn nhân hậu (luôn ăn ở có luân thường đạo lý); 2. Chính tâm thuật (ăn ở ngay thẳng); 3. Thương tiết kiệm (chuộng đường tiết kiệm); 4. Hậu phong tục (duy trì tập tục tốt); 5. Huấn tử đệ (dạy con em cho nề nếp); 6. Vụ bản nghiệp (duy trì nghề nghiệp tốt); 7. Sùng chính học (chuộng học tập, điểm đạt ngay thật); 8. Giới dâm thác (tránh những điều dâm tục); 9. Thân pháp thư (giữ gìn lễ phép); 10. Quảng hành thiện (mở rộng điều lành). Hành Thiện là miền đất hiếu học, trọng văn, thượng võ, là nơi “cung cấp” nhiều nhân tài cho đất nước.

 

Sự “đặc biệt” trong phần hội tại lễ hội Chùa Keo Hành Thiện là bơi trải đứng được tổ chức vào ngày 12 và 15 tháng 9 âm lịch hàng năm.

 

Từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay, làng có hơn 210 giáo sư, tiến sĩ trong các lĩnh vực; trong đó, có nhiều người giữ chức vụ trọng yếu của Đảng, Nhà nước và là cán bộ đầu ngành các ngành khoa học. Mảnh đất này cũng đã “gieo và ươm mầm” những người cộng sản kiệt xuất của Đảng như các đồng chí: Đặng Xuân Khu (Trường Chinh); Nguyễn Thế Rục; Đặng Xuân Thiều…

 

Với bề dày truyền thống của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”, làng Hành Thiện hôm nay đang vững tiến trên con đường xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. 24 năm giữ vững danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh và phong trào khuyến học, khuyến tài “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, đó là niềm tự hào lớn của người Hành Thiện nói riêng, nhân dân xã Xuân Hồng nói chung khi được công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về giáo dục.

 

Các đội trải xuất phát tại kênh Đồng Nê, khi qua Cống Bùi đến sông Ninh Cơ.

 

Năm 2020, Chi hội khuyến học làng Hành Thiện được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Trao đổi về sự nghiệp "trồng người", đồng chí Nguyễn Đăng Hùng, Chi hội trưởng chi Hội khuyến học làng Hành Thiện cho biết: Hành Thiện với 1.900 hộ và 6.700 khẩu, thì có tới 99% đạt gia đình học tập, 90% dòng họ học tập. Quỹ khuyến học của làng hàng năm tổ chức tuyên dương, trao thưởng, cấp học bổng cho hàng trăm lượt học sinh, sinh viên, giáo viên với kinh phí hơn 100 triệu đồng Người Hành Thiện, chuyện gì có thể bất đồng quan điểm, chứ chuyện khuyến học, khuyến tài thì luôn cùng tiếng nói. "Một thỏi vàng không bằng nang chữ", người dân Hành Thiện tự bao đời nay đều cùng “quyết” theo một nghề: “nghề học”.

 

 

 

Hành Thiện xứng danh là vùng đất giàu trầm tích di sản văn hoá, có: Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà Lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh; Chùa Keo Hành Thiện được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1962 và đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm vào mùa thu, lễ hội Chùa Keo Hành Thiện với giá trị tinh hoa di sản văn hóa đặc sắc gắn liền với tín ngưỡng thờ Đức Thánh tổ Dương Không Lộ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

 

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện (tổ chức từ ngày 10 đến 15 tháng 9 âm lịch) với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo thể hiện sự tôn vinh công đức to lớn của Đức Thánh Tổ Dương Không Lộ đối với dân, với nước, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” mang đậm giá trị nhân văn, thể hiện bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam.

 

Các trải nỗ lực về đích.

 

“Trai xuống trải, gái quay tơ”! Sự đặc biệt trong các hoạt động phần hội tại lễ hội Chùa Keo Hành Thiện là bơi trải đứng được tổ chức vào ngày 12 và 15 tháng 9 âm lịch hàng năm với sự tham gia của 15 trải đại diện cho 15 xóm trong làng. Các trải đều được đóng bằng gỗ dổi; khuôn mẫu thống nhất, cấu trúc hình con thoi, dài 12m, chia 5 khoang đều nhau. Theo quy định, mỗi trải có 10 người là trai tráng trong xóm; không được thuê, mượn tay trải xóm khác. Trước khi phát lệnh, các đội phải bốc thăm vị trí xuất phát và làm lễ “lấy chân chèo”. Các đội trải xuất phát tại kênh Đồng Nê; đi qua cống Bùi đến sông Ninh Cơ. Cuộc đua diễn ra 3 vòng trên sông với tổng chiều dài khoảng hơn 40km, thời gian gần 5 giờ. Đội đua đầu tiên chạm vào cây Nêu cắm tại kênh làm mốc là giành chiến thắng. Kết thúc cuộc thi, các tay trải trong đội đều lưu giữ một sợi quai chèo hoặc cành cây Nêu với quan niệm đem lại may mắn, sức khoẻ trong cuộc sống. 

 

Sức sống mới trên nền truyền thống. Cũng từ chính sách “đầu tư vào nghề học”, cũng như thực hiện hiệu quả công tác xã hội hoá bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá - chính là nền tảng, gốc rễ để sáng tạo những giá trị văn hoá mới thời đại 4.0 của người dân nơi đây đã đưa cái tên Hành Thiện nổi tiếng khắp mọi miền đất nước./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
Ngày xuất bản: 30-11-2023

 

 



Xem thêm bình luận