Sau khi đánh thành Hà Nội lần 2 ngày 25/4/1882, quân Pháp tiếp tục thôn tính các thành khác ở Bắc Kỳ và mục tiêu quan trọng tiếp theo của chúng là thành Nam Định. Thành được xây dựng từ năm 1804 khá kiên cố, rộng 48 hec-ta, bao quanh bởi hào rộng, do nằm ở vị trí địa trí thuận lợi nên có nhiệm vụ trấn giữ bảo vệ một khu vực rộng lớn của đồng bằng Bắc Kỳ. Năm 1833, tường thành được xây nâng cao bằng gạch, hào được đào rộng tới 24m và sâu 2,5m.
Nam Định trong báo cáo tình báo trước vụ tấn công của quân Pháp[2]
Ngày 11/03/1883[3], Eugène Louis Gadaud - chỉ huy pháo thuyền Fanfare - trình lên Henri Rivière bản báo cáo về những thám thính thành Nam Định chuẩn bị cho việc công thành. Ngày 10/3, tàu Fanfare đến cách thành Nam Định chừng 2 dặm, tại vị trí neo đậu của chiến thuyền La Hache. Bản báo cáo nêu rõ chi tiết phát hiện những đống sỏi, đá chất cao đều đặn cách nhau khá gần trên bờ sông. Pháo thuyền Fanfare tuần thám tới những vị trí chỉ cách thành Nam Định chừng 1 dặm - nơi chúng có thể quan sát các tháp canh và phát hiện hai thuyền của triều đình được trang bị đại bác neo gần đấy. Những báo cáo tuần thám nêu khá chi tiết về con đường nằm trong bờ sông cách chừng 100m, dẫn đến cổng thành đông nam, dọc bên đường là những cửa hàng sầm uất và có nhiều quân triều đình đi lại.
Chân dung Henri Rivière, Nguồn: Sưu tầm |
Theo lệnh của Gadaud, nhà truyền giáo Trophong cùng thông ngôn rời tàu lên bờ thám thính. Thông tin thu thập được cho thấy, đá sỏi trên bờ sông mới được chất đống cao trước đó 3 ngày và đến ngày 10/3 đạt chừng 100 m3, ngoài ra còn có hàng cọc gỗ đầu bọc sắt vốn là cột xà của các chùa, nhà được dùng để cắm ngay sau đê. Cũng theo báo cáo của nhà truyền giáo, các thuyền được Tổng đốc Nam Định thuê chở gạo về kinh thành, sau đó về đây để sửa chữa, nhưng theo suy luận của Gadaud, có thể chúng cũng được dùng để vận chuyển, tập kết các cột xà dùng làm cọc gỗ. Ngoài ra, tên chỉ huy tàu cũng cho biết đích thân hắn đã xuống kiểm tra cọc gỗ và được thông ngôn dịch nghĩa những từ ghi trên các cọc gỗ đề cập đến những toán lính triều đình đã thiết lập các đống gạch đá: lính thuộc 3 đội quân đóng chiếm mạn phải của thành và của 8 đội thủy quân.
Sau khi bàn với Sinard - chỉ huy tàu La Hache sẽ tiếp tục ở lại theo dõi các bãi đá, gạch, tên chỉ huy tàu Fanfare cho thuyển quay về vị trí cũ và cử trung úy hải quân Duval ngược sông lên mạn bắc của đảo tiếp tục thám thính công tác chuẩn bị của quân triều đình trấn giữ thành Nam Định. Một giờ sau đó, Tổng đốc Nam Định cử lính sang đề nghị tên chỉ huy cho biết lý do quân Pháp đến đây. Tên chỉ huy tàu Gadaud yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với một quan lại triều đình. Nửa giờ sau, một viên quan chỉ huy thủy quân mang một giỏ trứng đến gặp tên chỉ huy tàu Fanfare, nhưng tên này yêu cầu mang theo đồ giống như cuộc gặp hồi tháng giêng năm 1883. Viên quan trở lại với thịt bò, trứng và trà, đề nghị dẫn tên chỉ huy Pháp lên đất liền. Theo như trao đổi giữa hai bên, trong thành Nam Định có khoảng 5000 quân, chỉ để dùng giữ trật tự vì đây là một vùng đất đông dân sầm uất, ngoài ra còn có khoảng 100 lính nhà Thanh được thuê với mức phí 15 đồng/tháng. Tuy nhiên, tên chỉ huy này báo cáo, trong thành chỉ có Tổng đốc cùng 300 lính An Nam, còn đại đốc cùng 5000 quân đóng ở bên ngoài, sứ giả triều đình hiện nghỉ tại làng ở mạn bắc cách thành chừng nửa giờ. Nhà truyền giáo Trophong đã phác họa lối vào của sông Nam Định [sông Đào]. Cũng theo tên chỉ huy tàu Fanfare, phần kéo dài của con đê xuất phát từ cổng thành đông nam dẫn ra sông là vị trí lý tưởng cho pháo binh khi công thành vì nó cách thành 800-900m (đúng tầm của pháo binh), đồng thời mặt tiền của thành chạy song song với sông, khoảng đất giữa bờ sông và thành là vùng đầm lầy, ruộng lúa, dân cư chủ yếu sống dọc bờ sông trong những ngôi nhà tranh xập xệ dễ dàng phá hủy. Cần vượt đê để có thể áp sát thành - vốn được bảo vệ bằng hào rộng chừng 8m, sâu 4m nhưng không nhiều nước bằng hào bảo vệ thành Hà Nội, nhiều chỗ mực nước chỉ chừng 2m. Tường thành cao 4m, còn có những vết tích cho thấy nhiều lỗ châu mai và đại bác mới được triển khai, tổng cộng 24 khẩu. Tháp canh cũng mới được sửa chữa gia cố, cao chừng 28m, giống như mô tả của viên đại úy công binh Dupommier năm 1876. Thành được bảo vệ bằng những con đê với hàng tre đan dày kin kít, giống như thành Sơn Tây, tạo thành tường thành thứ hai và quân Pháp chỉ có thể thâm nhập qua những cổng thành có lính canh.
Thành Nam Định thất thủ ngày 26 và 27/3/1883
Thư của chỉ huy pháo thuyền Fanfare gửi Henri Rivière, Nguồn: TTLTQGI |
Trước tinh thần chống Pháp dâng cao tại Nam Định[4] cùng những thất bại trước đó, ngày 23/3/1883, Henri Rivière quyết định đích thân chỉ huy công thành Nam Định, đồng thời ra lệnh chuẩn bị tấn công thành Sơn Tây tiếp đó. Ngày 24/3, giao tiểu đoàn trưởng Berthe de Viellers chỉ huy thành Hà Nội, tên này khởi hành đi Nam Định cùng với đội gồm chiến thuyền La Hache, Yatagan và Carabine, các tàu thương mại Tonkin, Kiang Nam và Wampoa chở đại đội số 21 và 22, trung đội số 23 thuộc Tiểu đoàn bộ binh hải quân số 3, đại đội số 27 và 30 thuộc Trung đoàn bộ binh hải quân số 4 trên tàu Pluvier cùng 4 ghe. Trên đường di chuyển, chúng vất vả đối phó với những đập ngăn, công sự do quân triều đình và người dân dựng. Ngày 25/3, đội tàu Pháp đến biển Nam Định và không gặp nhiều khó khăn cho tới gần thành phố. Ngày 26/3, khi đến trước thành Nam Định, Henri Rivière gửi tối hậu thư cho Tổng đốc trấn thành nhưng không được phúc đáp. Tên này xua quân trinh thám thành ngày 26/3 và do trời mưa nên quân Pháp quyết định sẽ tấn công vào hôm sau.
Rạng sáng ngày 27/3, quân Pháp chuyển sang các thuyền nhỏ để ngược dòng tiến về thành phố. Tàu Pluvier được lệnh khai hỏa vào Trường thi - nơi an trú của của sứ thần triều đình, đạn pháo nhanh chóng phá hủy hai tiền đồn. Quân Pháp tràn vào các phố, đến tận khu bán nguyệt của cổng thành đông bắc. Chúng trèo lên các mái nhà cao nhất, bắn yểm trợ và dọn đường cho các toán quân khác, giao tranh bắt đầu nổ ra với quân triều đình, các cửa chặn lối đi bị xuyên thủng. Quân triều đình ném pháo khiến khói mù mịt khắp thành. Tên trung tá bộ binh thuộc địa Carreau hối quân tiến đánh và bị thương ở chân do đạn từ thành bắn ra, nhưng sau khi tiếp tục bị thương nặng lần thứ hai, buộc phải giao quyền chỉ huy cho tên tiểu đoàn trưởng Badens, các toán quân Pháp chiếm được các vị trí thuận lợi để chờ thời cơ xông lên. Các đơn vị đổ bộ dưới sự chỉ huy của Rivière dùng thang tre áp sát thành. Riêng chiến thuyền Fanfare bị hư hại khá nặng do hai lần trúng đạn đại bác của quân triều đình. Sau 1 giờ nã đạn dữ dội, chiến thuyền Pluvier được lệnh ngừng bắn để bộ binh và công binh Pháp tràn lên tấn công. Tên đại tá công binh Dupommier cùng một tên lính tay cầm giẻ bông nitrat tẩm đẫm nitơ (fulmicoton) xông về khu bán nguyệt nhưng buộc phải lùi lại trước đạn bắn chống trả cản đường của quân triều đình đang nấp sau ụ đất. Sau đó, dưới sự yểm trợ của một đại đội bộ binh hải quân, tên này đã vượt qua ụ đất và cầu bán nguyệt lao vào phá cửa thành, quân Pháp chiếm được khu bán nguyệt, trong khi lính thủy đánh bộ dùng thang tre tràn vào thành.
Thành Nam Định trong cuộc tấn công ngày 27/3/1883, Nguồn: Thư viện Đại học Côte d'Azur |
Mặc dù đã chống trả vô cùng quyết liệt và anh dũng, nhưng quân dân Nam Định đã không giữ được thành. Quân Pháp chiếm thành, chúng thu được 98 khẩu đại bác với cỡ nòng khác nhau cùng đạn dược, trong đó có hai khẩu đại bác Ruelle và Nevers cỡ nòng lớn được Pháp tặng cho triều đình nhà Nguyễn theo Hòa ước Giáp Tuất 1874. Trong cuộc công thành Nam Định, do bị thương quá nặng khi trúng đạn, tên trung tá Carreau đã tử vong sau đó[5].
Cũng trong báo cáo đề cùng ngày tổng kết cuộc công chiếm thành Nam Định[6] gửi Thống đốc Nam Kỳ, Henri Rivière đề cập đến những chuẩn bị cần thiết để công thành Ninh Bình, Hải Dương và Hưng Yên - tuy không quá quan trọng nhưng các thành này sẽ là những miếng ghép dần lấp đầy những khoảng trống trong bức tranh xâm chiếm hoàn toàn đồng bằng châu thổ sông Hồng[7].
Kỳ II. Những hạ tầng ban đầu thiết lập chiếm đóng quân sự của Pháp ở Nam Định
--------------------------------------------------------
Theo archives.org.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin