Năm 1857, Vua Tự Đức ban tặng cho làng cổ Dịch Diệp (nay là thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) 4 chữ "Thiện tục khả phong" - nghĩa là làng Dịch Diệp có phong tục tốt đẹp.
Vua Tự Đức ban tặng 4 chữ "vàng": Thiện, tục, khả, phong
Dẫn chúng tôi đi tham quan Nhà văn hóa thôn Dịch Diệp, ông Trần Duy Hội - Trưởng thôn Dịch Diệp (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) cho hay, Nhà văn hóa thôn Dịch Diệp trước đây chính là đình làng, nơi tụ họp của bà con nhân dân địa phương.
Hiện nay trong Nhà văn hóa thôn còn lưu giữ bức hoành phi 4 chữ "Thiện tục khả phong" do Vua Tự Đức tặng làng năm 1857. Ý nghĩa là làng có nhiều phong tục tốt đẹp cần lưu truyền mãi mãi.
Vậy phong tục đó là gì? Theo ông Hội, bia đá cổ số 4 đang lưu giữ trong chùa làng Dịch Diệp có ghi: "Việc xã (xã Dịch Diệp, nay là làng Dịch Diệp - PV) có kho thóc đã có từ xa xưa, dùng để chẩn cấp cho người nghèo khó, như thế đâu phải là lợi ích nhỏ.
Nhưng ngày xưa đa phần là lấy từ tiền công, còn việc dùng tiền tư để làm việc ấy rất hiếm gặp. Nay có người trong xã Dịch Diệp, huyện Chân Ninh là Bá hộ Vũ Huy Quỳnh nghỉ việc quan về lo việc ruộng vườn, cầm kiệm thu vén việc gia đình, dạy con theo thi lễ. Con trai ông là Vũ Xuân Phổ đỗ Tú tài, cùng các con thứ, các học trò theo học nghiệp, con rể đều là những người đỗ đạt khoa bảng, mọi người đều biết đến tên tuổi.
Còn như việc đối xử với dân làng thì ông luôn hòa nhã, trọng nghĩa khinh tài. Nhằm trợ giúp cho những người đã li tán từ lâu quay trở về làng, ông đã cùng gia đình quyên góp tiền được 3.418 quan và 160 hộc lúa, lại cùng với dân xã góp sức dựng nên kho thóc của làng.
Một là để nộp thay việc binh, một là dùng chẩn cấp cho người thiếu thốn, mấy năm sau khấm khá dần lên, làng ta trở nên tốt đẹp; tuy nhiều năm liên tiếp bị gió mưa lũ lụt, nhưng không ai bị đói.
Sự việc truyền đến triều đình, nhà Vua ban chỉ thưởng cho ông hàm Cửu phẩm tước Bá hộ, lại ban cho cả xã biển đề 4 chữ "Thiện tục khả phong" để khuyến khích làm điều tốt. Còn đối với những việc thiện, thì có người hay làm, cũng có người chưa hay làm, nhưng khi Vũ Bá hộ mới dựng nên kho thóc ấy đâu có thể ngờ rằng ngày nay lại được ban khen như vậy? Đó là việc làm không tính toán.
Vũ Bá hộ dùng kho này sau nhiều năm cấp phát cho người túng thiếu, tiền và thóc còn lại chỉ có 2.500 quan tiền liên tục mua thóc gạo vào rồi bán ra, đợi khi có kết quả sau đó có trách nhiệm bù đắp vào chỗ thiếu hụt của kho ấy. Thực là người có lòng làm việc thiện thì tài nguyên không bao giờ cạn kiệt.
Dân xã muốn biểu dương lòng tốt của Vũ Bá hộ ghi lên bia đá, muốn nhờ ta viết, ta cũng muốn nối thêm việc làm tốt đẹp mà viết thêm vào đây".
Ông Trần Duy Hội cho hay, văn bia còn ghi rõ: Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, lĩnh chức Đốc học của bản tỉnh Phạm Nghĩa Trai là người soạn văn bia; còn Tú tài người bản xã là Bùi Đức Mậu viết chữ.
Đổi mới nhưng vẫn mang đậm chất làng quê Bắc bộ
Làng Dịch Diệp được hình thành từ thế kỷ thứ XI dưới thời vua Lý Thái Tổ theo phong cách làng Việt cổ với 3 cổng làng. Đầu làng có cổng hướng Tây, giữa làng có cổng hướng Nam, cuối làng có cổng hướng Đông.
Tuy nhiên, đến nay làng Dịch Diệp chỉ giữ được cổng làng hướng Nam nối liền với cây cầu cuốn bắc qua sông do cụ Bá hộ Vũ Hữu Quỳnh cùng nhân dân xây dựng năm 1864. Cầu được xây bằng đá khối cực kỳ chắc chắn với chiều dài 30m, chiều rộng 3,5m.
Xưa kia, trục đường chính dẫn vào làng được người dân xếp bằng gạch nghiêng, theo kiểu xem kẽ, viên này gài chặt vào viên kia. Còn đường vào trong các ngõ, ngách được xếp bằng đá xanh ở giữa, rộng khoảng 50cm, trải dài từ đầu ngõ đến cuối ngõ.
Đi sâu vào trong làng, nếu không tinh ý có thể bị lạc, không biết lối ra. Bởi các ngõ, ngách ở trong làng Dịch Diệp được thiết kế theo kiểu ô bàn cờ, như lạc vào ma trận.
Điểm chung ở làng Dịch Diệp là các cổng vào nhà thường xây cuốn mái vòm parapol sâu từ 1 - 2m, nguyên liệu chủ yếu là gạch và mật mía.
Cánh cổng được làm bằng gỗ với kích thước to, rộng, kín mít như cửa nhà. Mái cổng lợp ngói, liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ hoa văn rất công phu. Tùy theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi nhà mà vòm cổng có quy mô, bề thế khác nhau, nhưng đều hài hòa.
Ngày nay, theo vòng xoáy của thời gian, làng Dịch Diệp tuy ngày càng đổi mới nhưng vẫn mang cốt cách, hồn Việt và đậm chất làng quê Bắc bộ.
Theo người dân nơi đây, làng Dịch Diệp vẫn còn lưu giữ và bảo tồn được 6 cổng nhà cổ; 1 cổng làng cổ; 2 nhà gỗ (1 nhà hơn 100 năm, 1 nhà hơn 200 năm lợp ngói mũi nam); 1 cây cầu cuốn bắc qua sông; 3 giếng nước ở cuối làng...
Đặc biệt, người dân vẫn duy trì được các buổi họp chợ vào sáng sớm; chợ họp từ lúc 6 - 9h sáng là tan.
Ngoài ra, làng Dịch Diệp vẫn duy trì được nghề "kiếm tiền" của cha ông để lại, đó chính là nghề dệt cửi. Mặc dù, thu nhập từ nghề dệt cửi không được cao, nhưng người dân nơi đây vẫn quyết tâm giữ lại nghề truyền thống có từ bao đời nay.
Nếu có dịp về làng Dịch Diệp tham quan, du khách sẽ được thả hồn giữa một làng quê thuần Việt chính hiệu với bầu không khí trong lành; được nghe tiếng thoi đưa lách cách phát ra từ máy dệt cửi và được trò chuyện với những người dân mến khách, dễ gần. Thật sự, ít có nơi đâu còn lưu giữ được hồn quê Bắc bộ như làng Dịch Diệp.
Thế nhưng theo thời gian, để kịp bắt nhịp với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), hầu hết đường trong làng Dịch Diệp đã được bê tông hóa, ít có đoạn nào còn giữ được nền đường bằng gạch cũ. Điện đường sáng cả đêm…
Hiện, làng Dịch Diệp đã được UBND xã Trực Chính công nhận thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thời gian qua Dịch Diệp đang tích cực triển khai xây dựng NTM thông minh.
Theo danviet.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin