Quảng trường Ba Đình tôn nghiêm và thiêng liêng

21:57, 31/08/2023

Nếu nói Hà Nội là trái tim cả nước thì Quảng trường Ba Đình được coi là trái tim của Thủ đô. Quảng trường Ba Đình là một quần thể di tích lịch sử vô cùng quan trọng ở thời đại Hồ Chí Minh. Quảng trường vốn là khu vực cửa tây của Thành cổ Hà Nội. Từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, quảng trường được mang tên Ba Đình. Những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước đã từng diễn ra ở đây, làm cho Quảng trường Ba Đình trở thành một địa danh nổi tiếng trong lòng những người dân đất Việt và bạn bè khắp năm châu.

Tác phẩm tranh bằng bột màu “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn” của tác giả Nguyễn Dương.
Tác phẩm tranh bằng bột màu “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn” của tác giả Nguyễn Dương.

Ngày 2-9-1945, nửa triệu đồng bào Hà Nội và nông dân các làng ngoại thành đã kéo về Ba Đình để dự lễ Quốc khánh. Một biển người, một rừng cờ, già trẻ, gái trai, các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, các nhân sĩ… Ai cũng muốn có mặt trong ngày hội lớn của đất nước, để lần đầu tiên được công khai nói lên những tiếng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc và hơn nữa để được nhìn thấy Cụ Hồ - vị lãnh tụ nổi tiếng, lần đầu tiên xuất hiện trước đông đảo quần chúng.

Trong những ngày lịch sử trọng đại ấy của đất nước ta, một sĩ quan tình báo Mỹ, ông L.A.Patti đã có mặt tại Hà Nội. Trong cuốn sách “Why Việt Nam?” (Tại sao Việt Nam?) dày ngót 1.000 trang, ông đã dành cả 2 chương mô tả quang cảnh Hà Nội những ngày lịch sử ấy và đặc biệt là buổi lễ ở Ba Đình khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. L.A.Patti viết: “Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội từng đoàn người đã kéo về Quảng trường Ba Đình… Mặt trời đã lên cao. Nhưng đôi lúc, những cơn gió nhẹ làm phấp phới cả cái biển cờ đỏ trên quảng trường. Trước lễ đài, trên cột cờ cao là lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh phấp phới bay.

Bất chợt có tiếng còi và các hiệu lệnh quân sự phát ra. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng chăm chú theo dõi và quần chúng im lặng. Mọi người hết sức tò mò, quan tâm đến vị lãnh đạo mới của Chính phủ. Họ đều muốn biết “Ông Hồ Chí Minh bí ẩn” này là ai? Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt ca-vát và để đầu trần, trừ một người nhỏ nhắn mặc áo ka-ki màu sẫm, đó là ông Hồ Chí Minh.

Tiếng loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu “Ông Hồ là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc”. Quần chúng hát vang và trong mấy phút liền hô vang “Độc lập”. Ông Hồ mỉm cười, nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, mà ngày nay đã trở thành nổi tiếng...”.

Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).
Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).

Quảng trường Ba Đình cũng là nơi đã từng diễn ra những cuộc mít tinh lớn, những cuộc diễu hành, diễu binh, những ngày hội của nhân dân ta kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước. Cũng chính nơi đây, ngày 9-9-1969, lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và Nhà nước ta cử hành trọng thể. Mười vạn đồng bào Thủ đô và các địa phương, cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế đã tới dự lễ, vĩnh biệt vị lãnh tụ vĩ đại, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới.

Trước nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và kiều bào ta ở nước ngoài, ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị đã họp bàn và quyết định: “Chúng ta phải thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài di hài Bác Hồ và xây Lăng Người…”. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tại trung tâm Quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1973 và khánh thành vào ngày 29-8-1975. Khi công trình đi vào xây dựng, nhân dân cả nước đã cùng góp ý kiến, góp nhân tài vật lực từ tấm lòng kính yêu đối với Bác: cát vàng Kim Bôi (Hoà Bình), cát trắng Thanh Xuyên (Thái Nguyên), đá ngọc đỏ Cao Bằng, đá cẩm thạch Hà Tây (cũ)… Khi đó, miền Nam dù chưa được giải phóng nhưng cũng đã tạo mọi điều kiện để góp những sản vật quý, như: gỗ Tây Nguyên, vàng Bồng Miêu… 

Và kể từ ngày 19-5-2001, nghi lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình, ngay trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện và duy trì đều đặn hàng ngày vào lúc 6 giờ sáng. Đây là nghi lễ quốc gia gắn kết biểu tượng Tổ quốc với lãnh tụ, do Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện. Lễ chào cờ trên Quảng trường Ba Đình nghiêm trang và thiêng liêng, gây xúc động lòng người và góp phần bồi đắp niềm tin đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; đồng thời giáo dục niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước cho nhân dân ta…   

Quảng trường Ba Đình là quần thể di tích lịch sử hết sức tôn nghiêm và thiêng liêng trong trái tim mọi người Việt Nam. Được đến thăm quảng trường Ba Đình là nguyện vọng tha thiết của mỗi người dân Việt Nam và cả những du khách nước ngoài. Khi đứng giữa quảng trường lộng gió, ngắm lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng mỗi chúng ta lại trào dâng niềm xúc động, niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc./. 

Tháng 8-2023
Trần Văn Lợi
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com