Những người "truyền lửa" công nghệ số

08:56, 22/01/2025

Trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, công dân số không chỉ là nhân tố then chốt thúc đẩy xã hội số mà còn quyết định thành công của hành trình chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tổ trưởng Cao Văn Mạnh (người đứng thứ 2 từ trái qua) cùng tổ công nghệ số cộng đồng xóm Hồng Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy) hướng dẫn người dân sử dụng kỹ năng số.
Tổ trưởng Cao Văn Mạnh (người đứng thứ 2 từ trái qua) cùng tổ công nghệ số cộng đồng xóm Hồng Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy) hướng dẫn người dân sử dụng kỹ năng số.

Nhà sáng tạo nội dung số triển vọng

Anh Nguyễn Văn Lưu, người con của xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) đã chinh phục trái tim của hàng triệu khán giả với kênh Tiktok “Lão Nông Vlog” đạt hơn 5,2 triệu người thích và trên 540 nghìn người theo dõi. Năm 2024 anh được Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) bình chọn là Nhà sáng tạo nội dung số triển vọng. Đây là thành quả của sự nỗ lực và đam mê công nghệ số, biến công nghệ số thành phương tiện truyền tải văn hóa ẩm thực nói riêng và nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng nông thôn Bắc Bộ nói chung. Hành trình sáng tạo nội dung số của anh Lưu bắt đầu từ tình yêu đối với ẩm thực quê hương.

Là một đầu bếp chuyên nghiệp từng làm việc tại nhiều nhà hàng nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh đã tận dụng nền tảng xã hội để chia sẻ những video chân thực về món ăn hay khung cảnh cuộc sống thanh bình nơi gia đình anh sinh sống. Thật bất ngờ, những video chân thực từ hình ảnh đến kịch bản, không sử dụng máy quay chuyên nghiệp và kỹ xảo công nghệ lại được rất nhiều người xem, yêu thích, chia sẻ, bình luận động viên và lọt vào đề xuất của các mạng xã hội. Đây là lý do khiến anh đầu tư thêm thời gian học kỹ thuật làm kênh chuyên nghiệp đăng tải video về ẩm thực quê hương với phối cảnh là không gian đậm nét làng quê thanh bình cùng những món ăn dân dã như: Thịt kho ngày mùa, tép đồng rang lá chanh, cá nục khô rang khế, ngao nấu canh cải, gà ốp đất nướng, cơm nắm cá khô… Tháng 11/2023, anh Lưu bắt đầu cho ra đời những video đầu tiên với nhân vật chính là bố anh, ông Nguyễn Văn Phong, vừa thực hành vừa thuyết trình cách làm các món ăn được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có tại quê nhà. Toàn bộ các video được anh Lưu quay bằng điện thoại di động kết hợp chỉnh sửa, lồng nhạc bằng các phần mềm chuyên dùng để sản xuất, xử lý video.

Sau hơn 1 năm thành lập kênh, 2 bố con anh đã sản xuất được hơn 100 video. Các video được đăng tải song song trên 2 nền tảng mạng xã hội: Tiktok và Facebook “Lão Nông Vlog”. Trong đó đáng chú ý nhất là video “Ốc nấu chuối”, đăng tải trên kênh “Lão Nông Vlog” vào ngày 16/5/2024 không chỉ đạt lượt xem ấn tượng mà còn giành Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam năm 2024 nhờ cách truyền tải văn hóa ẩm thực, lồng ghép với giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước. Rất nhiều nền tảng uy tín đã xin đăng tải lại các video của “Lão Nông Vlog” như bữa cơm ngày mùa, món bún riêu cua… Không dừng lại ở đó, anh Lưu còn thường xuyên mở lớp đào tạo trực tiếp và trực tuyến kỹ năng sản xuất video cho các thanh niên có nguyện vọng xây dựng kênh truyền thông, làm quảng cáo; đồng thời hợp tác cùng Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo Nam Định đầu tư xây dựng video quảng bá cho các sản phẩm OCOP của tỉnh trên nền tảng số.

Người lan tỏa công nghệ số cho cộng đồng

Tại sự kiện Diễn đàn số quốc gia do Chính phủ tổ chức nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024, Nam Định vinh dự đóng góp 2 gương mặt “người mang công nghệ số đến với cộng đồng”. Đó là các anh Cao Văn Mạnh, tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) xóm Hồng Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy) và anh Phùng Chiến, thị trấn Giao Thủy (Giao Thủy). Để tăng tốc chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, công dân số, tại các địa bàn nông thôn trong tỉnh, một mô hình đã được triển khai đồng bộ trên diện rộng là tổ CNSCĐ với mục tiêu nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” giúp người dân tiếp cận, học tập và sử dụng công nghệ số dễ dàng, nhanh chóng. Với tinh thần trách nhiệm được giao, anh Mạnh và anh Chiến đã không quản sớm tối, kiên trì hỗ trợ người dân trên địa bàn có nhu cầu tiếp cận công nghệ số. Tổ CNSCĐ phân công các thành viên cao tuổi, có uy tín trong cộng đồng chịu trách nhiệm đi động viên, vận động người dân tham gia tập huấn kỹ năng sử dụng các ứng dụng số. Các thành viên trẻ tuổi thì đảm nhiệm cài đặt hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số phục vụ đời sống sinh hoạt do chính quyền và các doanh nghiệp cung ứng. Không chỉ giúp người dân làm quen với dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt mà tổ còn trang bị kỹ năng phòng ngừa nguy cơ tội phạm công nghệ cao, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tự bảo vệ mình trên không gian mạng, như bị lừa đảo trực tuyến hay bị đánh cắp dữ liệu...

Kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của các hạt nhân tổ CNSCĐ đó là sự thay đổi đáng kể: Tỷ lệ người dân có tài khoản dịch vụ công trực tuyến, tài khoản ngân hàng tại các địa phương đều đạt cao; 100% cán bộ hưu trí nhận lương hưu, người nhận trợ cấp xã hội hàng tháng qua tài khoản; nhiều hộ dân tổ chức giới thiệu sản phẩm, thiết lập kênh bán hàng trên môi trường mạng. Đây là minh chứng cho hiệu quả cải thiện đời sống người dân, đặc biệt tại vùng nông thôn của chuyển đổi số. Trong buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân tham dự Diễn đàn, các anh đã nêu những câu hỏi và đề xuất với người đứng đầu Chính phủ về giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ CNSCĐ cũng như những ý tưởng thúc đẩy chuyển đổi số ở nông thôn nhanh, mạnh và thiết thực hơn nữa.

Sự nhiệt tình, tâm huyết của những người truyền lửa mang công nghệ số đến với cộng đồng đã nhanh chóng được lan tỏa, biến thành hiệu ứng tốt thông qua việc người dân đã chủ động tương tác với chính quyền, doanh nghiệp trên môi trường số; sử dụng nền tảng số để phục vụ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất. Hơn thế nữa người dân đã biết khai thác công nghệ số trong việc quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước hay những sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi gia đình, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần. Hiệu quả chuyển đổi số, việc người dân sử dụng các nền tảng số để cập nhật thông tin xã hội đặc biệt thể hiện nổi bật trong cơn bão Yagi hồi tháng 9/2024 và đợt lũ lụt sau bão. Tại nhiều xã vùng ven sông của thành phố Nam Định và các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy; thông tin về mực nước dâng, các điểm đê, kè xuất hiện sự cố thẩm lậu, rò rỉ do nước lũ lên được cập nhật thường xuyên, giúp huy động nhân lực, vật lực nhanh chóng đến hiện trường cùng lực lượng trực tại chỗ khắc phục sự cố kịp thời. Các nhóm thiện nguyện xã hội, tập thể, cá nhân nhà hảo tâm trong cộng đồng cũng nhờ những thông tin cập nhật trên các trang mạng xã hội về các hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ kịp thời của người dân vùng lũ để tổ chức hoạt động cứu trợ phù hợp... giúp người dân vùng thiên tai khắc phục khó khăn, vượt qua nghịch cảnh, ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Từ những “hạt nhân” công dân số tiêu biểu của Nam Định với đam mê sáng tạo nội dung số đã góp phần đắc lực dẫn dắt cộng đồng tiếp cận công nghệ, lan toả văn hóa bản địa và thúc đẩy kinh tế số phát triển, hướng đến cuộc sống ngày tiện nghi, hạnh phúc hơn. Đó là minh chứng sống động cho thành công của chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com