Ba năm liên tiếp, các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh đều đạt và vượt so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ số xếp hạng CĐS (DTI Index); chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022 của tỉnh tiếp tục đứng trong “top” 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Kinh tế số tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp nối những thành công đó, năm 2024 UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng tốc CĐS, phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành CĐS toàn diện theo mục tiêu Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh đề ra.
Người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán số khi mua sắm tại cửa hàng nông sản sạch Khu đô thị Dệt may (thành phố Nam Định). |
Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng chính quyền số trên cơ sở phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số của tỉnh. Thúc đẩy kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số; CĐS trong mọi hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thúc đẩy chuyển đổi xã hội số, tập trung vào nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và CĐS cho người dân, hình thành công dân số, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình CĐS.
Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả CĐS. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS; phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS; ưu tiên nguồn lực từ ngân sách, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, tư nhân, các nguồn lực hợp pháp khác cho CĐS. Đồng thời, tỉnh xác định đầu tư hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số của tỉnh với 11 nhiệm vụ trọng tâm làm cơ sở để 3 trụ cột (chính quyền số, xã hội số, kinh tế số) phát triển.
Trên cơ sở đó tỉnh tập trung nâng cấp, mở rộng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh; chuyển đổi mạng internet của tỉnh sang giao thức internet thế hệ mới (Ipv6); xây mới, nâng cấp, hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, Trung tâm giám sát an toàn thông tin và nền tảng hệ sinh thái phục vụ CĐS của tỉnh. Cập nhật dữ liệu của tỉnh lên các nền tảng dữ liệu số quốc gia phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Tập trung tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để xây dựng, hoàn thiện, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Dành nguồn lực phát triển hạ tầng, nền tảng số và các dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ dùng chung, trang thiết bị công nghệ thông tin. Đầu tư các thiết bị, phần mềm, hệ thống giám sát bảo đảm an toàn thông tin; các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý Nhà nước. Ứng dụng các giải pháp công nghệ số vào quá trình chỉ đạo, điều hành, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thuận tiện, minh bạch và tin cậy. Nâng cao hiệu quả CĐS ở các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh là y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics. Khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội, cung cấp dịch vụ số ở các lĩnh vực dân sinh thiết yếu; xây dựng hình ảnh, văn hóa, con người Nam Định trên không gian mạng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thúc đẩy CĐS tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tăng cường áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nâng cấp mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, ưu tiên triển khai tại các khu công nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện, địa điểm du lịch.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã đưa ra bộ giải pháp cơ bản để các cấp, ngành, địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện, lộ trình khắc phục, cải thiện những chỉ số thành phần còn yếu, chưa đạt; quyết tâm cùng tỉnh duy trì, nâng hạng CĐS để giữ vững vị trí trong “top” 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho người dân, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ số. Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác các hệ thống các nền tảng và cơ sở dữ liệu phục vụ việc phát triển hệ sinh thái chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chủ động nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ số vào cuộc sống. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với cơ chế thu hút, đãi ngộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị. Tạo lập niềm tin cho người dân vào tiến trình CĐS, hoạt động trên môi trường số thông qua việc hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong CĐS và bảo đảm an toàn thông tin mạng, quảng bá, tạo thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ số của các doanh nghiệp số trong tỉnh.
Bằng việc thực hiện mục tiêu cụ thể, các giải pháp thiết thực, đồng bộ kể trên chắc chắn sẽ giúp các sở, ngành, địa phương tăng tốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ CĐS của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin