Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu, mở ra nhiều cơ hội để phát triển trong thời kỳ mới, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã phối hợp các ngành, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS trên tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành: cải cách hành chính; thư viện; bảo tàng; bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; thể dục thể thao (TDTT); điện ảnh; du lịch, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.
Sở VH, TT và DL đã ban hành Kế hoạch số 168/KH-SVHTTDL, ngày 28-2-2022 về thực hiện “CĐS ngành VH, TT và DL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp gồm 5 nhóm: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tính năng động, tiên phong của các cấp, các ngành trong thực hiện CĐS; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CĐS; nâng cấp, phát triển hạ tầng, nền tảng CĐS; phát triển chính quyền số, xã hội số.
Người dân tra cứu máy đọc sách thông minh trong Ngày Sách và Văn hóa đọc tỉnh Nam Định 2023. |
Nam Định là vùng đất có kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng; tiêu biểu là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; các Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Phủ Dầy, lễ hội Đền Trần, lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, nghề sơn mài Cát Đằng, nghi lễ Chầu văn... Toàn tỉnh có 1.348 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 328 di tích cấp tỉnh và 931 di tích trong danh mục kiểm kê đã được UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 25-2-2022 của UBND tỉnh về triển khai “Chương trình số hóa di sản văn hóa tỉnh giai đoạn 2021-2030”, Sở VH, TT và DL đang triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng CNTT xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh” nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về di sản trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản Nam Định. Việc xây dựng trang web du lịch ảo, tham quan các điểm di tích nổi tiếng đã thu hút sự chú ý của khách du lịch và các nhà đầu tư đến với Nam Định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt khác, trang web cũng là địa chỉ cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của các tầng lớp nhân dân. Các hình ảnh về di tích lịch sử - văn hóa được số hóa, các thông tin về di tích, di sản được cập nhật để phục vụ hiệu quả cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích, di sản tại Nam Định. Đây là hướng đi đúng trong thực hiện CĐS lĩnh vực xúc tiến, quảng bá du lịch. Phần mềm quản lý các điểm di tích lịch sử - văn hóa đi vào hoạt động sẽ giúp việc quản lý các di tích kịp thời, thuận tiện, chính xác, trực quan hơn về mặt khoa học. Các sản phẩm thu được từ kết quả dự án sẽ được sử dụng thuận tiện, phổ biến trên các thiết bị công nghệ máy tính, di động; trình chiếu tại các sự kiện văn hóa, xúc tiến, quảng bá du lịch; xuất bản thành các ấn phẩm CD, VCD, DVD phát hành rộng rãi; lưu trữ tại các cơ quan quản lý của ngành cũng như địa phương nơi có di tích, di sản văn hóa. Hiện nay, các sản phẩm của Dự án đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm trên Cổng Thông tin điện tử Sở VH, TT và DL (sovhttdl.namdinh.gov.vn) và sẽ chính thức ra mắt công chúng thời gian tới.
Đẩy mạnh số hóa CSDL, Bảo tàng tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; đầu tư trang thiết bị hiện đại; ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động như: quản lý, kiểm kê, phân loại, bảo quản, trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật, hướng tới xây dựng bảo tàng điện tử, mang lại những trải nghiệm mới cho khách tham quan. Bảo tàng tỉnh đã trang bị máy tra cứu thông tin hiện vật 3D kết nối với phân hệ phần mềm không gian ảo; trên 4.800 hiện vật được số hóa bằng phần mềm chuyên dụng; 500 hiện vật trưng bày và 700 ảnh không gian trong và ngoài bảo tàng được số hóa theo công nghệ 3D. Trang thông tin điện tử Bảo tàng tỉnh Nam Định (baotangtinhnamdinh.vn) còn tích hợp ứng dụng tham quan bảo tàng ảo 3D, cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội như: Facebook, twitter, zalo, instagram… nhằm lan tỏa, phổ biến rộng rãi thông tin, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ đối với lịch sử, văn hóa dân tộc.
Thực hiện Kế hoạch số 29/KH-UBND, ngày 28-2-2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện “Chương trình CĐS ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, Thư viện tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu người sử dụng trong thời đại 4.0. Thư viện tỉnh tập trung khai thác, phát huy hiệu quả Trang thông tin điện tử thuviennamdinh.vn qua việc thường xuyên giới thiệu sách, báo, tạp chí; cập nhật các hoạt động của thư viện giúp người đọc nắm bắt kịp thời thông tin về nguồn tài liệu mới bổ sung; tra cứu thông tin CSDL của Thư viện trên hệ thống máy tính nối mạng internet. Thư viện tỉnh tăng cường phục vụ lưu động bằng xe thư viện lưu động đa phương tiện có trang bị máy tính, máy chiếu hiện đại; tích cực tham gia các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách online; phối hợp với các đơn vị tổ chức triển lãm, trưng bày sách, báo trên nền tảng công nghệ số. Hàng năm, Thư viện tỉnh cử cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện huyện, thành phố, tủ sách cơ sở về ứng dụng CNTT trong công tác thư viện, cài đặt phần mềm thư viện, xử lý nghiệp vụ sách, báo, tổ chức kho sách cho một số trường học.
Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp như: Đoàn Chèo, Đoàn Cải lương, Đoàn Kịch nói (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh không ngừng đổi mới, đa dạng phương thức hoạt động, năng động CĐS, ứng dụng CNTT trong các hoạt động biểu diễn, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng đến công chúng. Thực hiện mô hình “Sân khấu online”, các đơn vị đã mang đến cho khán giả trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật mới, nhanh chóng, phổ biến rộng khắp với việc sản xuất các chương trình thu, phát trên sóng truyền hình và các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, zalo, youtube... Các đội chiếu phim lưu động với hệ thống máy chiếu phim ứng dụng công nghệ số đã có mặt ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh để phục vụ người dân với các bộ phim về đề tài lịch sử, cách mạng, văn hóa, di sản…
Trong phát triển du lịch, Sở VH, TT và DL đã đăng tải những hình ảnh về nét đẹp văn hóa, con người, điểm đến du lịch Nam Định trên các nền tảng mạng xã hội. Trang facebook “Du lịch Nam Định” được nhiều người quan tâm, theo dõi; cuốn “Cẩm nang Du lịch Nam Định” và “Bản đồ Du lịch Nam Định” được đăng tải đầy đủ công khai trên Cổng thông tin điện tử Sở VH, TT và DL, Trang facebook “Du lịch Nam Định” giúp du khách thuận tiện tra cứu, tham khảo thông tin về Nam Định. CĐS và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa được ngành VH, TT và DL xác định là một trong những nhóm chính sách cần tập trung hoàn thiện để tạo sự phát triển đột phá cho văn hóa trong thời kỳ mới. Vấn đề này đang được xúc tiến triển khai với những biện pháp cụ thể, có sự phối hợp từ các ngành, các cấp liên quan. Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác số hóa dữ liệu lĩnh vực VH, TT và DL, tiến tới CĐS hiệu quả, ngành VH, TT và DL tiếp tục số hóa di tích, di sản, tư liệu, hiện vật bảo tàng, triển lãm, cơ sở dữ liệu thư viện...; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về nhiệm vụ CĐS; tăng cường các hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá trực tuyến đến công chúng, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ, tránh chồng chéo khi ứng dụng CNTT, thực hiện CĐS trong lĩnh vực văn hóa; chủ động phối hợp các ngành, đơn vị chức năng tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng các ứng dụng chuyên ngành trên thiết bị di động thông minh; số hoá và đẩy mạnh việc tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch hấp dẫn trên không gian ảo…, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin