Tác phẩm tham dự Giải Báo chí Búa liềm vàng lần thứ IX-2024: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế (kỳ 3)

07:53, 07/08/2024

Kỳ I: Nghệ thuật truyền thống - Nguồn nội lực phong phú để phát triển công nghiệp văn hóa

Kỳ II: Khai thác tiềm năng kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa

(Tiếp theo và hết)

Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) không chỉ đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm văn hóa tinh thần mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể, mà còn phải tạo ra sự đột phá về tư duy, nhận thức trong công tác quản lý văn hóa, phát huy “sức mạnh mềm” - văn hóa của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hội thi bơi chải trong Lễ hội Chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Hội thi bơi chải trong Lễ hội Chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

 

 

Kỳ III: Phát triển CNVH góp phần phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa, con người Nam Định 

 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật để phát triển văn hóa và CNVH, gồm: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (Nghị quyết số 03-NQ/TW), ngày 16/7/1998 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW), ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng... Với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các ngành, các địa phương trong tỉnh, thời gian qua, các ngành CNVH có tiềm năng và dư địa phát triển đã dần trở thành các ngành kinh tế dịch vụ quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh; sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nam Định đã có những chuyển biến tích cực.

Nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng cao. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT của tỉnh phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Các di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy; các loại hình nghệ thuật truyền thống được duy trì, song hành phát triển cùng các loại hình nghệ thuật hiện đại. Nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có giá trị đã phát huy tác dụng trong đời sống xã hội. Nhiều câu lạc bộ văn hóa dân gian, văn nghệ quần chúng được thành lập và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở cơ sở. Các ngành CNVH có nền tảng và tiềm năng được đầu tư phát triển mạnh, kết hợp với công nghệ hiện đại tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng say phấn đấu, thi đua cống hiến, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững. Công tác xã hội hoá các hoạt động văn hóa đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của văn hóa ngang tầm với kinh tế trong quá trình phát triển. Các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được đẩy mạnh. Năm 2023, toàn tỉnh có 2.052/2.160 thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” (đạt tỷ lệ 95%); 581.482 gia đình (đạt tỷ lệ 93,64%) được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Thi dệt vải trên sông - Nét đẹp văn hóa dân gian trong lễ hội Thái bình xướng ca, xã Thành Lợi (Vụ Bản).
Thi dệt vải trên sông - Nét đẹp văn hóa dân gian trong lễ hội Thái bình xướng ca, xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Trong quá trình triển khai thực hiện sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người, tỉnh đã từng bước rà soát đánh giá để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong từng giai đoạn, tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa các sở, ban, ngành liên quan đảm bảo việc triển khai đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm thúc đẩy phát triển các ngành CNVH. Nhiều cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp văn hoá, gia đình, thể thao và du lịch của tỉnh được ban hành và thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước. Tỉnh tăng cường phân cấp trong hệ thống hành chính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ. Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW bảo đảm đúng yêu cầu nội dung, chất lượng và tiến độ; trong đó tập trung chỉ rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm, bài học kinh nghiệm, nguyên nhân, hạn chế cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; từ đó, đề xuất những biện pháp khắc phục, tháo gỡ; kịp thời ghi nhận, biểu dương những cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả để nhân rộng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương, đơn vị. Công tác xây dựng, phát triển, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa luôn được chú trọng từ tỉnh đến cơ sở trên mọi lĩnh vực. Hàng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, xây dựng đề án, đầu tư kinh phí đào tạo, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách văn hóa, thể thao. Đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa trên lĩnh vực văn hóa. Thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, học vấn, trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, an ninh quốc phòng... nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phát triển CNVH, khai thác giá trị, tiềm năng kinh tế gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng ta qua nhiều kỳ đại hội. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành CNVH, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”. Như vậy, phát triển các ngành CNVH được xem như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, là “chìa khóa” để khai phá, phát huy các giá trị tiềm năng của bản sắc văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “soi đường cho quốc dân đi” trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com