(Do đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU,
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày)
Kính thưa:
- Đồng chí Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy!
- Chủ tọa kỳ họp!
- Các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh!
- Các quý vị đại biểu, khách quý tham dự kỳ họp!
- Thưa toàn thể Nhân dân!
Được sự phân công của Chủ tọa kỳ họp, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi xin trình bày những nét chính của Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024
1. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Phát triển nông nghiệp, nông thôn; phòng chống thiên tai
Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt. Toàn tỉnh gieo trồng được 171.090ha cây hàng năm. Huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023, đây là huyện đầu tiên của tỉnh và là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 157/161 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 97,5%) và 41/146 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 28,1%). Toàn tỉnh có 529 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 04 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận 5 sao, 62 sản phẩm được công nhận 4 sao, 463 sản phẩm 3 sao.
Tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ sau bão. Ước tính tổng giá trị thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 1.142 tỷ đồng. Ngay sau bão, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả bão số 3 để nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
2. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường
Triển khai thực hiện các quy định của Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất; quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển; quản lý khoáng sản, nhất là công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường,...
3. Phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,5%; các sản phẩm chủ yếu đều có mức tăng trưởng khá so với năm 2023. Ngày 23/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Trung Thành. Tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đầu tư hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông; KCN Mỹ Thuận; KCN Bảo Minh mở rộng; các Cụm công nghiệp Yên Bằng, Thanh Côi, Giao Thiện, Hải Vân... để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Hoàn thành lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và triển khai các thủ tục tiếp theo đầu tư các KCN: Hải Long, huyện Giao Thủy; Nam Hồng, huyện Nam Trực; Xuân Kiên, huyện Xuân Trường; Minh Châu, huyện Nghĩa Hưng...; Khởi công đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Giao Thiện, huyện Giao Thủy và Cụm công nghiệp Tân Thịnh, huyện Nam Trực.
4. Công tác quy hoạch, xây dựng và tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Thực hiện tốt công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ.
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện thủ tục các dự án trọng điểm của tỉnh. Hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; cầu Bến Mới nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình; Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần,... Phối hợp tổ chức khánh thành đường dây 500kV mạch 3. Cơ bản hoàn thành thi công giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
+ Tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; Bệnh viện Đa khoa tinh,...
+ Đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
+ Triển khai thủ tục: Dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi tỉnh Nam Định thích ứng biến đổi khí hậu vay vốn ADB; Dự án đường cao tốc Phủ Lý - thành phố Nam Định; Phối hợp với tỉnh Thái Bình triển khai dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai thủ tục dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường.
5. Xây dựng, phát triển thành phố Nam Định
Hoàn thành sáp nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định, thành lập 3 phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Nam Định mới. Tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 18/6/2021 của Tỉnh ủy về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025. Công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện.
6. Thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
Tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Đến ngày 30/11/2024, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 74 dự án với tổng số vốn đăng ký 9.303 tỷ đồng và 343 triệu USD. Trong đó, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy cho Công ty Cổ phần Giấy GĐT với tổng mức đầu tư trên 100 triệu USD tại KCN Bảo Minh mở rộng, Dự án sản xuất thanh hợp kim nhôm xanh, vật liệu điện tử 3C cao cấp và phụ kiện nhôm ô tô Kim Kiều của Tập đoàn Nhôm Kim Kiều với tổng số vốn đăng ký 90 triệu USD tại KCN Mỹ Thuận; Dự án nhà máy may XIELONG Việt Nam với tổng mức đầu tư 40 triệu USD tại KCN Dệt may Rạng Đông;...
7. Tài chính, Đầu tư, Ngân hàng
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 14 nghìn tỷ đồng, bằng 116% dự toán năm và tăng 34% so với năm 2023. Chi ngân sách ước đạt 30.603 tỷ đồng, bằng 148% dự toán năm. Đảm bảo đầy đủ các khoản chi cho các đối tượng chính sách, an sinh xã hội và chi cho cán bộ, công chức, viên chức. Các Tổ công tác của UBND tỉnh đã tổ chức làm việc với các huyện, thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư tập trung và đôn đốc công tác thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt là nguồn thu từ sử dụng đất.
8. Lĩnh vực Văn hoá - Xã hội
- Tỉnh Nam Định tiếp tục đạt thành tích cao tại các kỳ thi. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho Nhân dân.
- Tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà đối tượng chính sách, người có công, thân nhân liệt sĩ, người nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 với tổng kinh phí trên 148 tỷ đồng.
- Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao. Các vận động viên của tỉnh tham gia thi đấu tại các giải thể thao quốc gia và quốc tế đạt thành tích cao với 230 huy chương (74 Huy chương Vàng, 62 Huy chương Bạc, 94 Huy chương Đồng). Câu lạc bộ bóng đá Thép xanh Nam Định giành chức vô địch V-League 2024 sau 39 năm và lần đầu tiên đạt Siêu cúp Bóng đá quốc gia.
9. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Sau khi sắp xếp, tỉnh Nam Định có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Nam Định và 8 huyện (sáp nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định); 175 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 51 đơn vị hành chính cấp xã) gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn. Các đơn vị hành chính được sắp xếp, sáp nhập đã đi vào hoạt động ổn định từ ngày 1/9/2024.
10. Công tác Nội vụ
- Tổ chức kỳ thi tuyển dụng công chức; Quyết định giao biên chế công chức quản lý hành chính Nhà nước, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, các tổ chức hội của tỉnh và giao chỉ tiêu hợp đồng lao động theo quy định.
Tổ chức triển khai kế hoạch phát động đợt thi đua chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XXI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng,...
11. Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số
Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, Đề án 06. Năm 2023, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh đứng thứ 23/61 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước. Chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố.
12. Quốc phòng, An ninh, Nội chính
Tổ chức lễ giao - nhận quân hoàn thành 100% chỉ tiêu đảm bảo an toàn, đúng luật. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Triển khai thực hiện tốt các phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng trên địa bàn tỉnh. Tập trung giải quyết các vướng mắc để giải phóng mặt bằng khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng để triển khai các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Kết quả đạt được
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong điều kiện có những khó khăn, thách thức như tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, thiên tai, bão lũ, nhất là cơn bão số 3. Song, dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; cùng sự nỗ lực các sở, ngành, đoàn thể và của toàn thể Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, có sự phát triển so với năm trước và đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực với 100% (14/14) chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nổi bật là:
(1) Tập trung cao độ, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chất lượng, hiệu quả kinh tế được nâng lên: Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,01% (đứng thứ 9 cả nước, thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng, đây là năm thứ 2 liên tiếp tốc độ tăng GRDP đạt 2 con số); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 18,0%; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước tăng 34% so với năm 2023; Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 11,2%; Dư nợ tín dụng ước tăng 15,6% so với đầu năm,... Cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống cơn bão số 3 và đợt mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng, hạn chế thấp nhất hậu quả, giảm đáng kể thiệt hại về cơ sở vật chất, không có thiệt hại về người.
(2) Công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo dân chủ, đúng quy định, vượt tiến độ theo kế hoạch. Nam Định là một trong ba tỉnh đầu tiên trong cả nước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với số lượng lớn. Các cấp, các ngành, các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng quy định, vượt tiến độ đề ra.
(3) Kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Công tác xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Đến nay, toàn tỉnh có 97,5% xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt kế hoạch đề ra) và 28,1% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
(4) Công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch trên địa bàn tỉnh được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024. Hội nghị đã tạo ấn tượng tốt đẹp với các nhà đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tập trung chỉ đạo lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và triển khai các thủ tục tiếp theo để đầu tư các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch.
(5) Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, các khu, cụm công nghiệp; đồng thời tập trung chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Công tác giải phóng mặt bằng được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự thống nhất và đảm bảo tiến độ triển khai công trình trọng điểm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng.
(6) Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực; tỉnh Nam Định tiếp tục có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu, đầu tư.
7) Cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và Đề án 06 tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Chất lượng Quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính của tỉnh Nam Định luôn thuộc tốp dẫn đầu toàn quốc.
(8) Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên, công tác phân cấp, ủy quyền được đẩy mạnh. Hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả theo đúng quy chế làm việc, quy định của pháp luật và chỉ đạo của cấp trên. Hoàn thành thi tuyển công chức và tuyển dụng công chức đảm bảo công bằng, công khai, đúng quy định của pháp luật. Công tác thi đua khen thưởng được thực hiện kịp thời, đúng quy định.
(9) Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả, an sinh xã hội được đảm bảo, thực hiện tốt các hoạt động tôn vinh, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngành Giáo dục và Đào tạo giữ vững thành tích 30 năm nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền diễn ra sôi nổi chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh; thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả tích cực. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho Nhân dân và phòng, chống dịch bệnh.
(10) An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân, đảm bảo công khai, công bằng, đúng luật. Công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội được tăng cường và đạt nhiều kết quả; trật tự an toàn giao thông được triển khai tích cực. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đúng quy định, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài được chỉ đạo giải quyết dứt điểm, góp phần ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
2. Một số khó khăn, hạn chế
(1). Ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã tác động lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân.
(2). Tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công một số dự án còn chậm chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra, như: Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển (Giải phóng mặt bằng đoạn qua huyện Xuân Trường); Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2 (Giải phóng mặt bằng đoạn qua xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng); các dự án khu dân cư tập trung...
(3). Cơ cấu số thu nội địa trừ tiền sử dụng đất còn thấp so với tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
(4). Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và Đề án 06 mặc dù đã được triển khai quyết liệt, song kết quả thực hiện tại một số nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu, như: triển khai Hệ thống thông tin, chỉ đạo, điều hành tập trung - IOC (Sở Thông tin và Truyền thông), số hóa dữ liệu hộ tịch (Sở Tư pháp),... Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 đạt thấp như: Sở Y tế (75,51%), Sở Tài nguyên và Môi trường (77,03%), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (79,56%), huyện Nghĩa Hưng (77,60%), huyện Hải Hậu (84,67%), huyện Xuân Trường (84,67%),...
(5). Chất lượng công tác tham mưu, xử lý công việc của một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu, còn lúng túng trong chỉ đạo điều hành, hạn chế trong việc chủ động tham mưu, đề xuất, xử lý công việc.
(6). Tình hình khiếu nại, tố cáo trên một số địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm và giải quyết vướng mắc trong thủ tục đầu tư các dự án ngoài ngân sách. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp cơ sở của một số địa phương chưa thấu đáo.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2025
I. DỰ KIẾN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YẾU NĂM 2025
a) Các chỉ tiêu kinh tế
(1) Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (giá so sánh) tăng từ 10,5% trở lên.
(2) Cơ cấu kinh tế (%):
- Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: ≤15,0
- Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ: ≥85,0
(3) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 15,0% trở lên.
(4) Giá trị xuất khẩu đạt từ 4.000 triệu USD trở lên.
(5) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 18,0% trở lên.
(6) Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 15.500 tỷ đồng.
b) Các chỉ tiêu xã hội
(1) Tạo việc làm cho khoảng 33,0 ngàn lượt người.
(2) Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 80% trở lên.
(3) Tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm từ 0,1-0,5%.
(4) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên.
(5) Công tác xây dựng NTM: Phấn đấu 100% xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; có thêm 6-7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Giao Thủy được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lĩnh vực Giáo dục.
c) Các chỉ tiêu về môi trường
(1) Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó được sử dụng nước sạch đạt từ 98% trở lên).
(2) Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt từ 95,3% trở lên.
(3) Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom: Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom ở đô thị đạt từ 96,2% trở lên; ở nông thôn đạt từ 91% trở lên.
II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với đổi mới và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế
- Tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 06 ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; xây dựng huyện Giao Thủy đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lĩnh vực Giáo dục và các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. Phấn đấu năm 2025 có thêm 40 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp. Khởi công đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Trung Thành, huyện Ý Yên; các cụm công nghiệp theo quy hoạch. Tập trung hoàn thành các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định chủ trương đầu tư xây dựng KCN Hồng Tiến, huyện Ý Yên; KCN Hải Long, huyện Giao Thủy; KCN Nam Hồng, huyện Nam Trực; KCN Xuân Kiên, huyện Xuân Trường; KCN Minh Châu, huyện Nghĩa Hưng. Hoàn thành thủ tục quyết định thành lập từ 3-5 cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật. Tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng,...
- Tổ chức phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của các huyện, thành phố. Chủ động, sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
2. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch trên địa bàn
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân KCN.
3. Đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục các dự án trọng điểm của tỉnh, đảm bảo tiến độ, chất lượng
4. Xây dựng, phát triển thành phố Nam Định
Tập trung tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Ưu tiên bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án, công trình trọng điểm có tính điểm nhấn về hạ tầng, kiến trúc cảnh quan của thành phố.
5. Tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách, điều hành ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, công khai, minh bạch
Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2025, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất. Điều hành chi ngân sách theo dự toán được duyệt và các quy định của Nhà nước.
Thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo hoàn thành kế hoạch vốn của năm 2025.
6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư
- Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 18/6/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09 ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án 06 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả,... Thực hiện các nhiệm vụ giải pháp nâng điểm số thứ hạng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh,...
7. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân
Tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025; phấn đấu tiếp tục duy trì tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục. Hoàn thành di chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đảm bảo các điều kiện hoạt động bình thường khi chuyển sang địa điểm mới phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho Nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc, tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Triển khai kịp thời hiệu quả các chính sách đối với người có công và đảm bảo an sinh xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể thao, các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin giải trí của Nhân dân.
8. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính
- Các cấp, các ngành tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết đại hội đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI nhiệm kỳ 2025-2030.
- Triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
9. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội
Duy trì nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Duy trì nghiêm chế độ quản lý, bảo vệ biên giới vùng biển, địa bàn.
Kính thưa kỳ họp, thưa toàn thể Nhân dân!
Trên đây tôi vừa trình bày Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Cuối cùng kính chúc các đồng chí, các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể nhân dân sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin