Kỳ I: Khi chức sắc tôn giáo là đại biểu dân cử: Hòa hợp tôn giáo với chính quyền
Kỳ II: “Quyết tâm, quyết liệt, quyết làm” trong sắp xếp đơn vị hành chính
(Tiếp theo và hết)
Kỳ III: Khơi dậy sức mạnh
đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo
Với đường hướng hành đạo: “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, “Kính Chúa - yêu nước”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, đồng bào các tôn giáo tỉnh Nam Định luôn thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, thực hiện tốt phương châm hành đạo của các tôn giáo; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới (NTM), các hoạt động từ thiện, nhân đạo và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Đây là “Chìa khóa” để Nam Định với xuất phát điểm không cao song trong các giai đoạn xây dựng NTM tỉnh đều thuộc top “Quán quân”, dẫn đầu toàn quốc trong phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Góp phần hiện thực hóa khát vọng “tam nông” thịnh vượng, giàu có, văn minh trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tháng 11/2023, Tổng Bí thư Tô Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc thăm bà con thôn Đông Dương, xã Xuân Hòa (Xuân Trường) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Tăng cường vận động,
đoàn kết tôn giáo
Đồng chí Bùi Xuân Triệu, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vụ Bản cho biết: MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo và nhân dân chung sức xây dựng NTM, với nội dung: “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”. Tăng cường xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện lương - giáo đoàn kết; động viên giáo dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Nêu cao tinh thần cảnh giác, chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, lợi dụng tôn giáo, âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.
Cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri giáo dân huyện Vụ Bản đã tích cực tham gia bỏ phiếu, làm tròn nghĩa vụ công dân, đạt tỷ lệ 99,9%, tạo ra “Ngày hội toàn dân tham gia xây dựng chính quyền”. Đồng bào Công giáo các xứ, họ trên địa bàn huyện Vụ Bản tham gia đóng góp ủng hộ 65,3 tỷ đồng; hiến và góp 22.300m2 đất làm thủy lợi và đường giao thông; ủng hộ 3.500 ngày công lao động làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn xóm, lắp đặt hệ thống điện thắp sáng; đóng góp trên 1.000 ngày công tham gia trồng và chăm sóc tuyến đường hoa, vườn hoa.
Tại Nam Định, các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận đều xây dựng đường hướng hành đạo riêng, phù hợp với đạo lý của mình, như: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh Tin lành.
Hòa thượng Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định, đại biểu HĐND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2021-2026 nêu: Là thành viên trong khối Đại đoàn kết toàn dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, cùng tăng, ni, phật tử luôn luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội, thực hiện đúng phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Nhiều vị tăng, ni có uy tín lớn đã được quần chúng nhân dân tín nhiệm bầu vào HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (1 vị tham gia HĐND cấp tỉnh; 10 vị tham gia HĐND cấp huyện; 26 vị tham gia HĐND xã, thị trấn). Giáo hội Phật giáo tỉnh đã thực hiện tốt chương trình Phật sự, động viên phật tử thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đến nay, có 95% chùa đạt “An toàn về ANTT”, 571 chùa đạt tiêu chí “Chùa tinh tiến”. Giai đoạn 2010-2020, các tăng, ni đã kêu gọi tín đồ, phật tử hiến tặng trên 10 nghìn m2 đất, gần 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng một số trạm y tế, trường mầm non, nhà văn hóa thôn, xóm.
Đồng chí Phạm Duy Hưng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương về tôn giáo cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng đông đồng bào có đạo. Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh, các huyện, thành phố xây dựng chương trình tập huấn nghiệp vụ tôn giáo cho cán bộ, đảng viên, cốt cán phong trào làm công tác tôn giáo... làm chuyển biến rõ nét về ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và đa số cán bộ, đảng viên đối với công tác tôn giáo.
Đồng chí Nguyễn Văn Khuê, Trưởng Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) thông tin: Thời gian qua, Sở Nội vụ đã có văn bản tiếp nhận thông báo việc phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử đối với 102 chức sắc các tôn giáo; chấp thuận bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc đối với 202 trường hợp, thuyên chuyển địa bàn hoạt động tôn giáo của 245 lượt chức sắc, chức việc các tôn giáo. Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã có chủ trương chấp thuận cho xây dựng 56 công trình tôn giáo. Phần lớn các cơ sở tôn giáo chấp hành đúng và đầy đủ quy định pháp luật, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về xây dựng công trình tôn giáo.
Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình đảm bảo ANTT trong các tôn giáo được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các địa bàn có đông người dân theo đạo đã quan tâm đến công tác chỉ đạo, điều hành, huy động các ngành, đoàn thể và nhân dân cùng tham gia. Các phong trào đã và đang phát huy hiệu quả cao như: “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”; “An toàn - đoàn kết - văn hóa”, “Tự quản về ANTT”, “Xứ, họ đạo, gia đình Công giáo gương mẫu”, “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Giáo xứ, họ đạo không có ma túy”, “Tâm sáng hướng thiện”, “Chùa tinh tiến”, “Chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu”.
Thời gian qua, Phòng An ninh Nội địa (Công an tỉnh) đã phối hợp tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo ngăn chặn hàng chục vụ việc vi phạm pháp luật về hoạt động tôn giáo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các tôn giáo; kịp thời triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động lôi kéo người tham gia sinh hoạt các hội, nhóm trái pháp luật tại địa bàn như “Đức chúa trời mẹ”, “Pháp luân công”, “Chân không”… Phát hiện, đấu tranh, bóc gỡ, ngăn chặn kịp thời hoạt động tuyển lựa, phát triển lực lượng trong nội địa của các tổ chức phản động “Việt Tân”; “Hội AEDC”; “Triều đại Việt”; “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”… và các hội, nhóm “xã hội dân sự”.
Giáo dân Giáo xứ Phú Thứ, xã Tam Thanh (Vụ Bản) hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. |
Hiện thực hóa
“Khát vọng thịnh vượng”
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), ngày 14/11, Tổng Bí thư Tô Lâm (khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an) tới dự, chung vui với nhân dân thôn Đông Dương, xã Xuân Hòa (nay là xã Xuân Phúc, huyện Xuân Trường).
Bày tỏ vui mừng trước những kết quả mà cán bộ và nhân dân thôn Đông Dương (có 353 hộ gia đình, 960 nhân khẩu, 100% người dân theo đạo Công giáo) đã đạt được, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Những kết quả đạt được là minh chứng cụ thể, sinh động cho sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của nhân dân, của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của địa phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của đồng bào Công giáo Việt Nam nói chung, Giáo phận Bùi Chu nói riêng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đặc biệt là trong giữ gìn trật tự - tạo môi trường ổn định, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong thời gian qua. “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để các tôn giáo, trong đó có Công giáo hoạt động tuân thủ pháp luật, ngày càng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào theo đạo. Giáo phận Bùi Chu là một ví dụ sinh động điển hình cho phong trào sống tốt đời, đẹp đạo; đoàn kết lương - giáo cùng nhau bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tương trợ nhau phát triển kinh tế; góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp” - Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.
Đồng chí Tổng Bí thư đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị của tỉnh, huyện, xã tiếp tục khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương - giáo, nuôi dưỡng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy tinh thần thi đua sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; phát động sâu rộng hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đóng góp của các chức sắc, chức việc, tín đồ và đồng bào các tôn giáo góp phần thiết thực đưa Nam Định nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 và 2021-2030. Năm 2019, tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Năm 2024, Nam Định lại tiếp tục nằm trong top 5 tỉnh trên cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến tháng 11/2024, tỉnh Nam Định có 156 xã, thị trấn, chiếm 96,9% được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 45 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 6 thị trấn (bằng 40% tổng số thị trấn) đạt chuẩn đô thị văn minh.
Giáo xứ Quần Vinh, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng). |
Từ một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, Nam Định đã trở thành địa chỉ hấp dẫn các doanh nghiệp, tập đoàn chiến lược, có quy mô hoạt động toàn cầu tìm đến đầu tư, tạo ra động lực và cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ trong tương lai. Nhiều dự án đầu tư lớn, công nghệ cao, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội, như: Dự án sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta (Đài Loan, Trung Quốc), tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận, với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Dự án Nhà máy dệt nhuộm Top Textiles của Tập đoàn Toray (Nhật Bản) tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng), với tổng mức đầu tư hơn 203 triệu USD; Dự án của Tập đoàn JiaWei (Đài Loan, Trung Quốc) và các doanh nghiệp phụ trợ, với tổng mức đầu tư 100 triệu USD, tại KCN Mỹ Thuận…
Tăng trưởng kinh tế của Nam Định những năm gần đây luôn cao hơn mức trung bình cả nước. Năm 2023, tổng sản phẩm GRDP đạt 10,19% (đứng thứ 6 toàn quốc), cao nhất từ trước đến nay; thu ngân sách vượt 10 nghìn tỷ đồng (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra). Ước năm 2024 (so với năm 2020): tổng sản phẩm GRDP (giá hiện hành) gấp 1,5 lần; GRDP bình quân đầu người gấp 1,4 lần; thu ngân sách từ kinh tế gấp 2 lần.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng Nam Định phát triển nhanh và bền vững”.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo “đúng, trúng”, đưa những quan điểm, chủ trương tiến bộ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về “Phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước”; Nghị quyết số 43 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc" vào cuộc sống. |
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin