Tác phẩm tham dự Giải Báo chí Búa liềm vàng lần thứ IX năm 2024: Quyết liệt thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững

15:24, 31/10/2024

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên cải thiện đời sống, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng) bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Lưu Công Trưởng, có hoàn cảnh khó khăn, ở xóm 1, xã Giao Yến (Giao Thủy).
Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng) bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Lưu Công Trưởng, có hoàn cảnh khó khăn, ở xóm 1, xã Giao Yến (Giao Thủy).

 

Đưa chủ trương,
chính sách giảm nghèo vào cuộc sống

 

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết, 4 quyết định, 13 kế hoạch  và nhiều văn bản… lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 20/4/2022, về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu: Giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm hàng năm từ 0,05-0,1%; đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). UBND tỉnh ban hành Quyết định số 860/QĐ-UBND ngày 06/5/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Trưởng BCĐ là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh có liên quan. Các huyện, thành phố thành lập BCĐ các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện các Chương trình trên địa bàn. BCĐ các Chương trình MTQG các cấp xây dựng các kế hoạch thực hiện các chính sách, dự án, hoạt động của Chương trình lồng ghép vào các chương trình kinh tế - xã hội, các phong trào của địa phương; tuyên truyền về các chính sách, dự án giảm nghèo; tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, các dự án và hoạt động thuộc Chương trình trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, về mục tiêu cũng như các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Giới thiệu những cách làm hay, những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm, gương điển hình trong công tác giảm nghèo, vươn lên làm giàu của các cá nhân, gia đình trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố; cán bộ phụ trách đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn về chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn kỹ năng tuyên truyền về giảm nghèo bền vững trên hệ thống thông tin cơ sở; kỹ năng quản lý, vận hành Đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Qua đó đã tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững.

 

Hỗ trợ sản xuất,
đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo

 

Bà con ở xóm Sơn Hà, xã Giao Hà (Giao Thủy) đều cảm phục gia đình ông Bùi Văn Tứ về ý chí, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo diện hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng, gia đình ông Tứ đã đầu tư xây chuồng trại nuôi lợn nái, lợn thịt. Ông đã tích cực học hỏi kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn lợn. Chỉ sau 4 tháng, gia đình ông đã xuất bán được hơn 3 tấn lợn thịt. Lợi nhuận được ông tiếp tục đầu tư nuôi 50 con lợn thịt. Sau 2 năm (từ 2020-2021) gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, từ diện hộ nghèo thành hộ cận nghèo. Để mở rộng đầu tư, năm 2021 ông tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng đầu tư đào ao, nuôi thả cá nước ngọt. Được sự hướng dẫn của Hội Nông dân và các ban, ngành, đoàn thể, sự chịu khó học hỏi kinh nghiệm của bản thân, gia đình ông Bùi Văn Tứ đã chính thức thoát nghèo, trở thành điển hình tiên tiến vươn lên thoát nghèo. Cuối năm 2023, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen là hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

Những năm qua, huyện Giao Thủy tích cực triển khai các dự án trong khuôn khổ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; cải thiện dinh dưỡng; hỗ trợ việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Tiêu biểu như xã Giao Thiện thực hiện 4 mô hình: Nuôi lợn thịt thương phẩm (47 con); chăn nuôi vỗ béo trâu thịt (5 con); chăn nuôi vỗ béo bò thịt (6 con) và nuôi gà thương phẩm (450 con); Các xã Giao An, Giao Lạc, Bạch Long triển khai mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt; xã Giao Hải và Giao Thịnh thực hiện mô hình nuôi gà thịt. Hiện nay các đàn gia súc, gia cầm được các hộ gia đình chăn nuôi đúng cách, sinh trưởng tốt, tạo nguồn thu ổn định cho các hộ.

Khảm bạc tại làng nghề đúc đồng Vạn Điểm, thị trấn Lâm (Ý Yên).
Khảm bạc tại làng nghề đúc đồng Vạn Điểm, thị trấn Lâm (Ý Yên).

Thực hiện Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, toàn tỉnh có 57 dự án chăn nuôi trâu, bò thịt, lợn thịt và lợn Móng Cái sinh sản, gà thương phẩm, nuôi cá, trồng hoa cây cảnh, đan cói (tại các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Ý Yên...), với tổng số 873 hộ tham gia; tổng kinh phí thực hiện 12,289 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước trên 6,3 tỷ đồng. Triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh thực hiện 34 dự án, gồm 28 dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm và 4 dự án trồng khoai tây, cà chua an toàn; với tổng số 999 hộ tham gia; tổng kinh phí thực hiện 11,120 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước gần 6,3 tỷ đồng. Các dự án xây dựng đảm bảo phù hợp khả năng, điều kiện của các hộ tham gia, đáp ứng được yêu cầu của quy hoạch phát triển sản xuất từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ vật tư, nguyên liệu, con giống. Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh việc nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức sản xuất… cho hộ nghèo và cận nghèo gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, giúp họ thoát nghèo bền vững.

 

Nhiều kết quả nổi bật
trong công tác giảm nghèo

 

Nam Định là địa phương có dân số khá đông, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 58,5%. Để góp phần giảm nghèo bền vững, những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Các cơ sở đào tạo nghề, các địa phương đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó ưu tiên đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ có cơ hội việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống; tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, xây dựng mô hình trình diễn và hướng dẫn cách làm cho cán bộ, hội viên và nhân dân. Các địa phương triển khai và đã cơ bản hoàn thành việc thu thập thông tin người lao động, bàn giao cho Công an nhập tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động. Trên cơ sở đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động. Nhờ đó nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo đã có nghề, tìm được việc làm, thu nhập ổn định; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo.

Từ sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của Tỉnh ủy và sự quản lý, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Người nghèo trong tỉnh đã được tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu nên đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện; an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Ngân sách Nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng. Nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nếu cuối năm 2021, toàn tỉnh tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) là 6,78% thì đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều là 3,85%, vượt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh đề ra. Công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng NTM ở các địa phương.

Bài học kinh nghiệm được rút ra trong công tác giảm nghèo ở tỉnh ta thời gian qua đó là: huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành đối với công tác giảm nghèo. Thực tiễn cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể có sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt, thực sự bắt tay vào công cuộc giảm nghèo thì ở nơi đó công tác giảm nghèo có hiệu quả, chuyển biến rõ rệt, hạn chế tình trạng tái nghèo. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, phát động mạnh mẽ tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, động viên, tạo các điều kiện thuận lợi để người nghèo nỗ lực, chủ động vươn lên thoát nghèo. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo phải được thực hiện đồng bộ, gắn với thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và các chính sách xã hội. Phải nâng cao năng lực cho cán bộ giảm nghèo cấp cơ sở, đặc biệt là kỹ năng vận động quần chúng, huy động nguồn lực, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng đầu tiên để giảm nghèo bền vững chính là ý thức vươn lên của các hộ nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

 

Bên cạnh kết quả đạt được, viêc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương chưa đồng bộ và kịp thời; trong đó có những quy định, điều kiện hỗ trợ khó thực hiện trong thực tiễn gây lúng túng, khó khăn cho các cơ quan được giao chủ trì, quản lý, hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án thành phần. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Dự án 2: Đa dạng hoá sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo. Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu là những lao động không còn khả năng lao động, người cao tuổi, cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật nên không thể tham gia các dự án hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề.

Tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng cường công tác vận động thực hiện trách nhiệm xã hội, động viên các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người nghèo. Thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững./. 

Bài, ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com