Kỳ I: Linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
(Tiếp theo và hết)
Bằng nhiều hoạt động và giải pháp thiết thực, thời gian qua, các phong trào thi đua, các cuộc vận động trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã được đẩy mạnh, qua đó, ý thức tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong toàn ngành ngày càng được cải thiện, nâng cao, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Cô giáo Trần Thị Lan Dung, Trường THPT Nguyễn Khuyến và nhóm học sinh đoạt giải tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI/2024 tổ chức tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh Do cơ sở cung cấp) |
Kỳ II: Hiệu quả từ đẩy mạnh
phong trào thi đua
Để cụ thể hóa các phong trào thi đua, cuộc vận động trọng tâm của ngành, ngành GD và ĐT đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khơi dậy lòng yêu nghề, tinh thần tự học, tự nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, sự sáng tạo trong đội ngũ; chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn danh dự nhà giáo, giữ gìn đoàn kết, có tinh thần phục vụ nhân dân, giúp đỡ đồng nghiệp. Tại các cơ sở giáo dục (CSGD), các phong trào, các cuộc vận động được cụ thể hóa cho phù hợp với từng năm học và điều kiện của các nhà trường. Trong đó, nổi bật là cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Thông qua đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động tu dưỡng đạo đức, tinh thần tự học và sáng tạo. Nhiều cán bộ, giáo viên không chỉ là những tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách mà còn luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề; nỗ lực vươn lên, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp quản lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Tiêu biểu như các thầy, cô giáo: Trần Thị Thanh Xuân, Hoàng Văn Cương, Vũ Văn Hợp, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhiều năm liên tục có học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, khu vực và quốc tế; cô Trần Thị Lan Dung, Trường THPT Nguyễn Khuyến có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp tỉnh, đạt thành tích cao trong hướng dẫn học sinh thi sáng kiến Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”... và rất nhiều thầy, cô khác.
Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, mỗi tập thể, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn tỉnh đã có những cách riêng trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo sự chuyển biến rõ nét trong từng lĩnh vực công tác. Đổi mới căn bản phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc được giao. Giáo viên các CSGD mầm non mặc dù đời sống, thu nhập còn gặp nhiều khó khăn nhưng không nề hà, vẫn tận tình chăm sóc nuôi dạy, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, rèn luyện các thói quen tốt, kỹ năng sống tích cực. Các thầy, cô giáo ở các trường phổ thông đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh nhằm phát triển năng lực, phẩm chất của người học, bám lớp, bám trường, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo dục hòa nhập cộng đồng cho học sinh khuyết tật và giáo dục nhân cách cho học sinh. Những thầy giáo, cô giáo ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trăn trở lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với các đối tượng học viên, luôn động viên, khuyến khích các em học tập, rèn luyện cả về đạo đức, lối sống, kiến thức phổ thông và kỹ năng nghề nghiệp để các em tự tin bước ra cuộc sống.
Đặc biệt, để đổi mới dạy học, cán bộ, giáo viên các nhà trường đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, dạy, học, kiểm tra, đánh giá. Đến nay, 100% các Phòng GD và ĐT, các CSGD trên địa bàn tỉnh thực hiện quản lý hành chính, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, 100% cán bộ quản lý các CSGD thành thạo ứng dụng CNTT vào công việc; đa số giáo viên biết khai thác, ứng dụng CNTT trong soạn giảng, giảng dạy và nghiên cứu, trao đổi chuyên môn trên môi trường mạng và khai thác có hiệu quả kho bài giảng E-Learning trên mạng, dạy học và quản lý qua trang mạng “Trường học kết nối”. Với sự chủ động, sáng tạo, không ngừng học tập nâng cao trình độ, đội ngũ nhà giáo còn tích cực nghiên cứu khoa học, vận dụng tri thức và công nghệ mới vào quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy.
Trong phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, để xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, giáo viên gương mẫu, tận tụy, chuẩn mực, chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, thân thiện, hàng năm, Sở GD và ĐT chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện phong trào thi đua. Phong trào được triển khai sâu rộng trong các đơn vị và các đoàn thể trong ngành với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, có tiêu chí rõ ràng, cụ thể phù hợp các quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của từng đơn vị. Theo đó, đối với tập thể “Thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp”, “Trường học hạnh phúc”. 100% các đơn vị xây dựng Quy tắc ứng xử trong trường học, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị về văn hóa công sở; tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, bám sát các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trường học để thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, đội ngũ nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, trưởng thành, đạt nhiều thành tựu trong công tác cũng như trong gia đình. Đội ngũ nữ nhà giáo ở các CSGD luôn là những nhân tố tích cực trong việc thực hiện phong trào, gương mẫu đi đầu trong công việc, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên về mọi mặt; phát huy truyền thống tốt đẹp “Công - dung - ngôn - hạnh” của phụ nữ Việt Nam. Các nữ cán bộ, giáo viên toàn ngành không ngừng học tập, bồi dưỡng kiến thức về mọi mặt để xây dựng gia đình nhà giáo văn hoá với các chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”, xây dựng hình ảnh người phụ nữ mới theo 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, tiêu biểu như: Nhà giáo Ưu tú Trần Thị Thanh Xuân, Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Nhà giáo Ưu tú Vũ Thị Quỳnh Anh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Hưng Đạo; nhà giáo Trần Thị Lan Dung, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến; nhà giáo Lê Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến; Nhà giáo Ưu tú Mai Thị Lừng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Lan...
Việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước đã động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành GD và ĐT khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên nâng cao trình độ chuyên môn, thi đua “Dạy tốt - Học tốt”. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành. Trong các kỳ thi, cuộc thi dành cho học sinh tiếp tục đạt kết quả tốt: có hàng nghìn các em học sinh tiêu biểu mỗi năm được Sở GD và ĐT tuyên dương và tặng Giấy khen. Từ năm 2014 đến nay, đã có trên 700 học sinh đoạt giải quốc gia, 20 học sinh đoạt giải khu vực và quốc tế (4 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng; 1 Bằng khen). Kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét công nhận tốt nghiệp THPT luôn giữ ổn định và trong tốp dẫn đầu toàn quốc; điểm bình quân thi tốt nghiệp THPT của tỉnh từ năm 2016 đến nay đều đứng thứ nhất hoặc thứ 2 toàn quốc. Ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục khẳng định vị trí trong tốp đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục với 30 năm liên tục giữ vững danh hiệu “Đơn vị xuất sắc, tiêu biểu” toàn quốc.
Đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT cho biết: Phong trào thi đua đã góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa sự nghiệp GD và ĐT của tỉnh không ngừng phát triển. Qua thực tiễn phong trào cho thấy, để thực hiện hiệu quả, các phong trào thi đua, các cuộc vận động phải được đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức, đoàn thể trong toàn ngành. Nội dung các phong trào thi đua, các cuộc vận động phải bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, của đơn vị, trường học và phù hợp từng giai đoạn cụ thể. Phải thực hiện thường xuyên, liên tục và tạo được động lực cho mỗi cá nhân, mỗi tập thể và mỗi đơn vị, trường học. Bên cạnh đó cần tích hợp nội dung các cuộc vận động, các phong trào thi đua để bổ trợ và đạt hiệu quả cao nhất. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong mỗi đơn vị, trường học. Làm tốt công tác phát hiện, tuyên dương, bồi dưỡng, nhân rộng và phát động phong trào học tập và noi theo nhằm tạo ra hiệu quả trong mỗi đơn vị, trường học, cá nhân; chú trọng các giải pháp mang tính sáng tạo. Đặc biệt, các phong trào thi đua, các cuộc vận động cần gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về GD và ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; trong đó, hình thức, nội dung phải phong phú, thiết thực, hướng tới xây dựng nhà trường theo phương châm 4 tốt: “Môi trường giáo dục tốt; quản lý tốt; dạy tốt; học tốt”; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện ở tất cả các bậc học góp phần tích cực vào mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương, đất nước.
Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin