Tác phẩm tham dự giải báo chí Búa Liềm vàng lần thứ IX-2024: Đột phá hạ tầng giao thông - "Chìa khóa" phát triển (kỳ 2)

18:22, 28/10/2024

Kỳ I: "Quyết tâm, quyết liệt, quyết làm"

Kỳ II: Đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phá thế chia cắt về hạ tầng giao thông

 

Với tinh thần chỉ đạo “quyết tâm, quyết liệt, quyết làm”, hệ thống hạ tầng giao thông trong nhiệm kỳ này được tỉnh quan tâm bố trí cùng huy động các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương đầu tư xây dựng, hoàn thiện. Chỉ tính trong giai đoạn 2020-2024, trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai thực hiện và hoàn thành tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, công trình phức hợp Kênh - Âu tàu Nghĩa Hưng; khởi công các dự án: tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; Giai đoạn II tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường trục phía Nam thành phố Nam Định… Cùng với đó là 6 cây cầu lớn vượt các sông: Đào, Hồng, Sò… để phá thế chia cắt, kết nối thuận tiện hạ tầng giao thông của tỉnh với khu vực và cả nước.

Đổ bê tông hợp long cầu Đống Cao thuộc tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (giai đoạn II).
Đổ bê tông hợp long cầu Đống Cao thuộc tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (giai đoạn II).

Nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo đã nêu rõ giải pháp đột phá là: “Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội”; “Xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, với các trục giao thông trọng điểm quốc gia”... Vì thế, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng chuyển mình, vào cuộc quyết liệt để tham mưu cho tỉnh thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trọng tâm để phá thế chia cắt về hạ tầng giao thông, đảm bảo kết nối các địa phương trong tỉnh, kết nối với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cao tốc huyết mạch của quốc gia. Với nhiệm vụ đó, để góp phần thực hiện và hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU về nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư, ngành Giao thông Vận tải đã tham mưu cho tỉnh bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các dự án gồm: tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh; giai đoạn II tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. Cuối tháng 6/2024, tỉnh đã hoàn thiện thi công đưa vào khai thác tuyến đường bộ ven biển dài 65,58km tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng. Với quy mô đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, 2 làn xe cơ giới, mặt đường rộng 11m; tuyến đường bộ ven biển đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của 3 huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; kết nối giao thông với các tuyến Quốc lộ: 37B, 21, 21B; kết nối tuyến đường trục phát triển của tỉnh và tỉnh lộ 490C, đặc biệt sẽ kết nối thuận lợi giữa Nam Định với các tỉnh ven biển liền kề như Ninh Bình, Thái Bình, xa hơn là thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh; mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương ven biển của tỉnh.

Cùng với tuyến đường bộ ven biển, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm để phá thế chia cắt đã được tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng như tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn II). Đây là tuyến đường chiến lược dài khoảng 46km nối thẳng từ xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) liền kề với Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông vượt sông Đào bằng hạng mục cầu Đống Cao sang huyện Ý Yên và kết nối thuận tiện với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong tháng 9/2024, một hạng mục rất quan trọng của tuyến đường là cầu Đống Cao vượt sông Đào nối liền 2 huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng đã được hợp long; đồng thời nhà thầu đẩy nhanh tiến độ và đã hoàn thành toàn bộ phần nền đường, thoát nước, bó vỉa, thảm bê tông nhựa trong phạm vi nền đường mở rộng trên toàn bộ các đoạn tuyến. Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hoàn thành sẽ giúp nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Bắc - Nam, kết nối mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia; tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung, đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng, chống lụt bão. Khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ Khu công nghiệp Dệt may (tương lai là Khu Kinh tế Ninh Cơ) đến Hà Nội chỉ còn khoảng 2 giờ.

Thi công tuyến đường trục phía Nam thành phố Nam Định.
Thi công tuyến đường trục phía Nam thành phố Nam Định.

Bên cạnh đó, một dự án hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng của tỉnh cũng đang dần hoàn thành là tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển quy mô đường cấp I đồng bằng, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, bề rộng nền đường 39m, mặt đường 8 làn xe, thiết kế đồng bộ các công trình cầu, cống trên tuyến đảm bảo phù hợp với quy mô cấp đường. Phát biểu tại nhiều cuộc họp UBND tỉnh và kiểm tra thực tế tại công trường thi công, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị đã khẳng định: “Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển là tuyến đường trọng điểm của trọng điểm làm cơ sở để xây dựng, hiện đại hóa mạng lưới giao thông của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của vùng kinh tế biển Nam Định nói riêng, của tỉnh Nam Định và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung, đặc biệt là khu vực hai bên tuyến đường”. Với ý nghĩa đặc biệt đó, ngay sau khi được HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch bổ sung “tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, kết nối Lạc Quần - Yên Định, Lạc Quần - Ngô Đồng” vào Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ tỉnh Nam Định đến năm 2030 toàn tỉnh đã tập trung toàn lực để cuối năm 2022 khởi công dự án. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sau gần 2 năm triển khai thi công, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đang được nhà thầu và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Các dự án giao thông huyết mạch được đánh giá có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Nam Định, tăng tính kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh và với địa phương trong khu vực. Đồng thời, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào công nghiệp và phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh. Việc đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch cũng đã "bơm" hàng nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp trên các công trường. Không những vậy, với hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông chiến lược kết nối trong tỉnh cũng như với Thủ đô Hà Nội, cảng Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lân cận đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và kết nối giao thương; mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương. Tất cả những sự thay đổi, chuyển mình của tỉnh Nam Định trong thời gian qua đã tạo ra môi trường đầu tư vô cùng thuận lợi cho các nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư tại tỉnh Nam Định

Như vậy, sau khi tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển hoàn thành, đưa vào khai thác, nội tỉnh sẽ có thêm 2 tuyến đường huyết mạch, kết nối phía Bắc, trung tâm tỉnh với vùng kinh tế biển của tỉnh bên cạnh Quốc lộ 21 và đường tỉnh 490C. Cùng với đó là 6 cây cầu lớn vượt: sông Đào (cầu nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi; cầu Đống Cao); sông Đáy (cầu Bến Mới; cầu vượt sông Đáy), sông Hồng (cầu thuộc tuyến đường bộ ven biển nối huyện Giao Thủy và tỉnh Thái Bình); sông Sò (cầu vượt sông Sò nối huyện Giao Thủy và huyện Xuân Trường thuộc tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển)… để phá thế chia cắt, kết nối thuận tiện hạ tầng giao thông của tỉnh với khu vực và cả nước.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Thành Trung
 

-------------------

Kỳ III: Tạo lập "bệ phóng" vững chắc để Nam Định bứt phá



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com