Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” (Chỉ thị số 46-CT/TW) đã nhận định: “Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc”. Chính vì vậy, phòng ngừa, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại là vấn đề được các cấp, các ngành quan tâm trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của học sinh trong chương trình Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2024. |
Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại theo tinh thần Chỉ thị 46-CT/TW, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện; trong đó, tập trung xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nếp sống văn minh trong cộng đồng; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nam Định đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch trong tình hình mới. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh, sinh viên về phòng, chống các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, xâm nhập vào trường học, tác động đến thế hệ trẻ.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh hiện có 21 đơn vị đầu mối trực thuộc (9 huyện, thành đoàn và 12 đoàn trực thuộc); hơn 400 tổ chức đoàn cấp cơ sở và hơn 4.600 chi đoàn với tổng số gần 79 nghìn đoàn viên. Toàn tỉnh có gần 550 nghìn thanh niên trong độ tuổi từ 16-30, chiếm hơn 21% dân số toàn tỉnh và 24,91% lực lượng lao động trên địa bàn; trong đó, thanh niên nông thôn chiếm hơn 50%, thanh niên đô thị chiếm khoảng 18%; thanh niên lực lượng vũ trang chiếm gần 0,5%, thanh niên là học sinh, sinh viên chiếm hơn 30%. Trong những năm qua, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, đề án của Đảng về lĩnh vực văn hóa, giáo dục đạo đức cho thanh niên; đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên được triển khai như: giáo dục thông qua các phong trào hành động cách mạng được xác định là phương thức trọng tâm trong công tác giáo dục của Đoàn; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội trong công tác tuyên truyền; chú trọng tuyên truyền trên hệ thống báo chí, xuất bản phẩm nhằm lan tỏa những hành động, nghĩa cử, giá trị tốt đẹp, gương điển hình trong xã hội... Các cơ sở đoàn thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt, nói chuyện, tọa đàm, sinh hoạt chính trị nhằm nâng cao nhận thức, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố “sức đề kháng” của thế hệ trẻ trước sự tấn công của các sản phẩm văn hóa độc hại.
Bên cạnh đó, để phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa cho thanh, thiếu nhi, hàng năm các cơ sở Đoàn phối hợp với các nhà trường cùng Công an các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các sản phẩm văn hóa độc hại, nhất là các sản phẩm du nhập từ nước ngoài xâm nhập vào môi trường giáo dục; nắm bắt, chấn chỉnh kịp thời học sinh có biểu hiện bị ảnh hưởng bởi các loại văn hóa phẩm độc hại; quản lý chặt chẽ nội dung, hình thức tổ chức các trò chơi, hoạt động ngoại khóa của học sinh; nghiêm cấm học sinh tham gia các trò chơi có nội dung, hình thức bạo lực, phản cảm, không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, chuẩn mực đạo đức xã hội. Các nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi gắn với phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; triển khai sâu rộng các phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo”, các cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên”, “Đọc sách vì tương lai”; sáng tác tranh, ảnh, video, viết cảm nhận, vẽ tranh hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”…, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường an toàn, lành mạnh. Ngành Giáo dục tỉnh, Đoàn Thanh niên các cấp đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên bằng nhiều biện pháp, kiên quyết bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ, nhất là trong thời kỳ công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông xã hội phát triển; tăng cường giáo dục kỹ năng sống vào các môn học cụ thể, gắn công tác giáo dục bài trừ văn hóa phẩm độc hại với tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt hè, trại thu, các hoạt động về nguồn, tham quan du lịch tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Từ năm 2020, các sở, ngành: Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký giao ước thi đua thực hiện kế hoạch liên tịch về phối hợp phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng; thực hiện các biện pháp, kiên quyết bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ, nhất là trong thời kỳ công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông xã hội phát triển. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đa dạng với phương châm hướng về cơ sở. Trong đó có các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, các hoạt động điện ảnh phục vụ nhu cầu của nhân dân; phối hợp tổ chức phát động sáng tác, quảng bá, biểu diễn các tác phẩm văn học - nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm, băng đĩa, karaoke, quảng cáo, hoạt động biểu diễn nghệ thuật; kịp thời xử phạt các trường hợp lưu hành, truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm đĩa ca nhạc, phim không tem nhãn, có nội dung độc hại và văn hóa phẩm ngoài luồng. Các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực: dịch vụ văn hoá, truyền thông, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các hoạt động sáng tác, in ấn, xuất bản, phát hành sách để kịp thời phát hiện các ấn phẩm, tác phẩm có nội dung không lành mạnh, tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống, tư tưởng xã hội.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trước những hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, trước các quan điểm sai trái và văn hóa phẩm độc hại, nâng cao nhận thức về ảnh hướng lâu dài của sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ, nhất là kỹ năng tiếp cận các loại văn hóa phẩm, sử dụng internet, mạng xã hội. Tăng cường quản lý Nhà nước về các hoạt động văn hóa, thông tin, nâng cao chất lượng thẩm định, cấp phép hoạt động văn hóa, thông tin, xuất bản. Chú trọng xây dựng môi trường sống tốt đẹp, sinh hoạt văn hóa lành mạnh, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người dân, hướng tới các giá trị “chân, thiện, mỹ”, định hướng người dân tiếp nhận có chọn lọc những tinh hoa, giá trị văn hóa hiện đại, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng phong phú và đa dạng của các tầng lớp nhân dân trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin