Phòng, chống diễn biến hòa bình: Chống sự suy thoái tư tưởng của thanh niên Việt Nam trong tình hình mới

08:11, 04/10/2024

Thời kỳ chiến tranh, dưới ngọn cờ lãnh đạo vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp nối truyền thống yêu nước, hào hùng của các bậc tiền bối dân tộc, lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam đã luôn nêu cao lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh để giành lại độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đến thời kỳ kiến thiết đất nước, thanh niên là lực lượng xung kích đi đầu, ra sức học tập, rèn luyện, lao động, nêu cao tinh thần tình nguyện xông pha vào “khâu khó, việc khó”, để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Lịch sử dân tộc đã ghi dấu những cái tên của người trẻ đã hoá thành bất tử, trở thành tượng đài cho biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam về tinh thần yêu nước, xả thân vì nghĩa lớn, mang đến nguồn sinh lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua muôn vàn chông gai thử thách.

Thế nhưng hiện nay lại có một bộ phận thanh niên thiếu tỉnh táo trong tiếp nhận, phân tích thông tin, chịu tác động từ mặt tiêu cực của mạng xã hội dẫn đến giảm sút niềm tin, tư tưởng tiêu cực, lối sống thực dụng, thậm chí bất mãn, lệch lạc về nhận thức. Tình trạng đó khiến họ bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, lôi kéo chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nhận diện sự suy thoái về tư tưởng, phản bác các luận điệu xuyên tạc, hành động gây thù hận dân tộc là điều mà tất cả chúng ta, đặc biệt là thế hệ thanh niên nên làm và phải làm.

Khối nam sĩ quan Cảnh sát nhân dân diễu binh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). (Ảnh Việt Thắng)
Khối nam sĩ quan Cảnh sát nhân dân diễu binh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). (Ảnh Việt Thắng)

Thanh niên Việt Nam “đi theo ngọn lửa từ trái tim mình”

Lịch sử giữ nước Việt Nam thời phong kiến từng ghi nhớ hình ảnh người anh hùng Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản vì nhỏ tuổi không được Vua Trần Nhân Tông cho dự Hội nghị Bình Than bàn việc chống quân Nguyên Mông nhưng không nản lòng, tự mình tập hợp thanh niên trai tráng lập đội quân giương cao lá cờ thêu 6 chữ vàng “Phá cường địch - báo hoàng ân”, đêm ngày tập luyện chờ cơ hội đền nợ nước. Lịch sử kháng chiến giữ nước hiện đại ghi dấu bao tên tuổi thiếu niên, thanh niên, như Lý Tự Trọng, Vừ A Dính, Võ Thị Sáu, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn,… “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”.

Đất nước đã có một thế hệ thanh niên anh hùng như thế! Họ sẵn sàng “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, mang theo ý chí và khát vọng hừng hực của tuổi trẻ, quyết đem xương máu của mình để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc,… Những lớp thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “vai trăm cân, chân nghìn dặm”, nguyện “là người, xin một lần khi nằm xuống, nhìn anh em đứng lên phất cao ngọn cờ” bởi khắc ghi trong lòng chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hiểu rõ sứ mệnh của tuổi trẻ: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không thể là con đường nào khác” đã trở thành lý tưởng sống, vũ khí chiến đấu, là kim chỉ nam hành động của thanh niên trong mọi thời kỳ cách mạng. Mạch nguồn sống của thanh niên chính là lý tưởng, hàng nghìn năm nay vẫn luôn luôn là như vậy!

Chiến tranh luôn đau thương? Đúng! Đó là điều không thể phủ nhận, hậu quả của nó đối với dân tộc Việt Nam không thể nào xoá nhoà. Ngày nay, vẫn còn hơn 200 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, xương máu các anh còn nằm lại, có thể đã tan vào đất, vào sóng biển ở các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Biển Đông; hơn 300 nghìn hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị… Ngay cả khi đất nước đã hòa bình hàng mấy chục năm, nhưng vẫn có những thanh niên ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc, khi đấu tranh với tội phạm nguy hiểm để bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, hay bảo vệ, cứu hộ nhân dân trong thiên tai, hỏa hoạn,… Những tấm gương thanh niên sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì đồng bào đã làm xúc động hàng triệu triệu trái tim người Việt, đã khơi dậy nhiệt huyết của cả cộng đồng xung phong, tự nguyện tham gia vào các hoạt động tình nguyện, dấn thân vì Tổ quốc, vì đồng bào! Sống và hành động vì lý tưởng, khát vọng của tuổi trẻ đã có sức mạnh cảm hóa, lan tỏa lớn lao!

 Lệch chuẩn nhận thức của một bộ phận thanh niên - không phải là chuyện nhỏ

Tuy nhiên, cũng phải công bằng mà nói rằng, ngay cả trong thời chiến, không phải là không có những thanh niên đi ngược với lý tưởng cách mạng, những kẻ cơ hội, thiếu bản lĩnh, tuy chỉ là thiểu số. Đó là những con người lúc thì ngả về “bên này”, khi thì ngả sang “bên kia”, cốt sao có lợi cho bản thân và khi cách mạng gặp khó khăn thì sẽ lộ ra bản chất cơ hội. Cả một thế hệ anh hùng nhưng vẫn xuất hiện những kẻ cơ hội, những kẻ phản bội lý tưởng chung. Đó là một thực tế xã hội! Ở thời chiến, khi mà toàn dân đồng lòng hợp lực để đánh giặc cứu nước mà còn có những con người như vậy thì ở thời bình, với vô số cám dỗ lợi lộc, hưởng thụ, không thể tránh khỏi việc một số người trẻ rời xa lý tưởng cách mạng, lệch lạc trong lối sống, suy nghĩ và hành động. Sự lệch lạc về các giá trị chuẩn mực của một bộ phận giới trẻ, lệch chuẩn thần tượng có thể dẫn đến những hành động cổ xúy cho lối sống hưởng thụ, gây sốc, kích động tư tưởng cực đoan hận thù, phân biệt vùng miền. Hay sự kiện mới đây của một số nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật có nhiều fan là các bạn trẻ đăng tải các clip có hình ảnh lá cờ của chế độ cũ đã bị đánh đổ lan truyền trên mạng xã hội, hay như những phát ngôn thể hiện sự lệch lạc về tư tưởng, nhận thức, công khai xuyên tạc, bất chấp pháp luật của một nữ vận động viên trẻ mới giải nghệ, đã từng là niềm tự hào của thể thao nước nhà?!...

Nếu đã lệch lạc về nhận thức thì sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa việc nên làm và việc không nên làm. Theo số liệu thống kê tháng 2 năm 2023, cả nước có hơn 191.400 người nghiện ma tuý, trong đó độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi chiếm đến 48%; còn độ tuổi dưới 35 thì con số này chiếm đến 76%. Tại báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 (số liệu tính từ 1/10/2022 đến 31/7/2023), hầu hết các loại tội phạm đều gia tăng, trong đó một số loại tội phạm gia tăng mạnh, như giết người tăng 20,11%, cướp tài sản tăng 53,74%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 57,24%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 92,31%…; trong đó độ tuổi gây án từ 16 đến 30 tuổi chiếm đến 63%; có những vụ án với tính chất phạm tội đặc biệt nghiêm trọng mà thủ phạm gây ra lại có tuổi đời còn rất trẻ. Phần lớn các vụ án khởi phát là do mâu thuẫn xã hội tức thời nhưng nguyên nhân sâu xa là do nhận thức lệch lạc về quyền và nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm, không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai?!

Từ những nhận thức sai lầm, lệch lạc dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, không thể bị kiểm soát, thật không khó để tìm thấy những luồng ý kiến quan điểm, bình luận sai lệch, gây hận thù dưới vỏ bọc là “tự do bày tỏ ý kiến” thậm chí hùa theo những cái sai, cái xấu của một bộ phận không nhỏ giới trẻ trên các trang mạng xã hội như facebook, tiktok… Hội chứng “nghiện phây, nghiền tóp tóp” (facebook, tiktok) đã biến một số người trẻ thành những kẻ “sống ảo”, mụ mị ngày đêm, thách thức nhau trên mạng làm những việc kỳ quặc để thoả mãn lối suy nghĩ ngông cuồng, tha hoá.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ngại khó, ngại khổ, thích lối sống hưởng thụ, không phân biệt được đúng sai, phải trái… của những thanh niên đó, còn những nguyên nhân khách quan là họ bị ảnh hưởng, tác động bởi các luận điệu xuyên tạc từ các trang mạng xã hội phản động, những thông tin xấu độc. Đặc biệt, hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, sự ra đời và lớn mạnh của các trang mạng xã hội, việc biểu đạt quan điểm, suy nghĩ cá nhân được diễn ra một cách công khai và khó kiểm soát là điều kiện thuận lợi để những luận điệu xuyên tạc, gây thù hận chia rẽ tác động mạnh vào lý tưởng của thanh niên Việt Nam - một lực lượng hậu bị cho Đảng. Cũng phải thấy các hoạt động, giải pháp của các tổ chức Đoàn, Đội, Hội thanh, thiếu niên có mặt chưa bắt kịp sự thay đổi của bối cảnh xã hội để có cách thu hút, hấp dẫn, tập hợp thanh, thiếu niên, dẫn đến hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời lý tưởng cách mạng”. Điều này thực sự nguy hiểm!

Chữa bệnh “Nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời lý tưởng cách mạng”

Ở bất cứ giai đoạn nào của đất nước, mọi nhiệm vụ với tuổi trẻ cũng là sự thử thách bản lĩnh, trí tuệ của thanh niên Việt Nam. Việc gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, hình thành nền tảng tư tưởng vững chắc cho tuổi trẻ, còn “chống” là hành động quyết liệt được thể hiện xuyên suốt thông qua các phong trào thanh niên đã góp phần gắn kết, định hướng thanh niên đi theo đúng mục tiêu, lý tưởng.

Theo số liệu của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hiện có hơn 1.200 câu lạc bộ lý luận trẻ được thành lập trên cả nước, hơn 2 triệu thanh niên được hỗ trợ, giới thiệu việc làm, mở rộng mặt trận Đoàn Thanh niên với 11 tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam ở các nước, tham mưu và ban hành Đề án Giáo dục lý tưởng cách mạng, lối sống cho thanh, thiếu nhi trên không gian mạng giai đoạn 2020-2030… Đó là những con số cho thấy quá trình “xây” và gắn kết thanh niên Việt Nam trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực nhằm quy tụ, tập hợp thanh niên, không để ai bị bỏ lại phía sau. Công tác thanh niên không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, mà đó phải thực sự gắn với mọi đối tượng thanh niên, tạo ra sức đề kháng, khả năng tự miễn dịch của thanh niên trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá quyết liệt, thâm hiểm của các thế lực thù địch.

Một trong những giải pháp quan trọng để chống “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời lý tưởng cách mạng” đó là tạo ra những phong trào thanh niên hiệu quả, mang bản sắc thanh niên và có sức lan toả lớn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới sáng tạo trong phương pháp thể hiện sẽ góp phần giáo dục, lôi cuốn, nắn chỉnh trong từng nhận thức và hành động của những người trẻ. Phát huy trí tuệ trẻ, ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng những video clip mục đích khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử và các giá trị cốt lõi của đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới đang rất nhạy cảm, tạo những trend tích cực về tuổi trẻ… cần được nhân rộng, lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội, trở thành “chất xúc tác” khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước mãnh liệt ở mọi thế hệ Việt Nam.

Từ màu áo xanh tòng quân ra chiến trường, hy sinh máu xương của thế hệ cha anh đến màu áo xanh tình nguyện hôm nay, thanh niên Việt Nam luôn thể hiện tinh thần sức trẻ tiên phong, không ngại khó, không ngại khổ, là trụ cột vững chắc của đất nước như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Ta là con cháu Cụ Hồ, Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được phép tụt hậu so với các nước khác”. Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đang được thụ hưởng nền độc lập, hoà bình mà biết bao các bậc tiền nhân đã phải đổ xương máu để giành và giữ được. Để khát vọng xây dựng và phát triển đất nước ta hùng cường và thịnh vượng trở thành hiện thực đòi hỏi các thế hệ thanh niên Việt Nam phải không ngừng phấn đấu đi đầu, xung kích học hỏi bồi đắp tri thức đồng thời luôn trau dồi đạo đức, lý tưởng, phòng ngừa bệnh “nhạt Đảng, phai Đoàn”. Chỉ có như vậy, thanh niên mới thực sự trở thành “rường cột” của nước nhà, thực sự là chủ nhân xứng đáng của đất nước.

Thiếu tá Trần Thị Thuỳ Ninh (Công an tỉnh) 
Đại uý Nguyễn Minh Đức (Công an huyện Xuân Trường)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com