Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc”… Bám sát nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Học việc Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, từ nhiều năm nay, Trường Chính trị Trường Chinh tỉnh Nam Định nói chung, Khoa Lý luận cơ sở nhà trường nói riêng đã thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị (LLCT). Tập thể sư phạm nhà trường xác định đây là khâu rất quan trọng; phương pháp giảng dạy LLCT có hiệu quả mới phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo của người học. Đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT không chỉ là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập LLCT trong các nhà trường mà còn góp phần phát triển con người toàn diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.
Toạ đàm khoa học về nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở Trường Chính trị Trường Chinh. |
Khi đánh giá về công tác giáo dục LLCT ở Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhận định: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên”. Đây là một nhận định khách quan, đánh giá xác đáng những kết quả đã đạt được trong công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT ở nước ta trong thời gian qua. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đại hội XIII cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, chính trị nói chung và giáo dục LLCT nói riêng. Đó là “việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập LLCT tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”. Những hạn chế trong công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT tất yếu dẫn đến hệ quả một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng, thậm chí mơ hồ, dao động, mất niềm tin vào con đường, mục tiêu phát triển đất nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự bùng nổ, gia tăng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự lan truyền với tốc độ cao của mạng xã hội, rất nhiều nguồn thông tin về các vấn đề chính trị mang tính “nhạy cảm” nhưng chưa được kiểm nghiệm tính đúng đắn, tính chuẩn xác của thông tin. Nhiều thông tin mang tính bịa đặt, vu khống, bôi nhọ thể chế chính trị, hạ bệ thần tượng, uy tín lãnh đạo của cá nhân lãnh đạo Đảng, Nhà nước được bằng những con đường, cách thức không chính thức lan truyền trên các mạng xã hội ảo. Những thông tin sai lệch đã tạo ra sự “lây lan” trong nhận thức của một bộ phận nhân dân, nhất là những người trẻ tuổi…
Những hạn chế của việc dạy và học LLCT mà Đảng ta chỉ ra cũng như từ tình hình thực tiễn hiện nay đòi hỏi cần phải đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy LLCT. Trước hết, việc giảng dạy LLCT phải tăng cường hướng vào rèn cho người học kỹ năng nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ hệ thống lý luận chính thống của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đó là hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn LLCT không hề đơn giản, bởi đây là những môn học đặc thù. Nội dung của các môn LLCT khó có thể trực quan, đơn giản hóa kiến thức bằng những công cụ thông thường: Các môn LLCT xuất phát từ tính trừu tượng khái quát cao khác với những kiến thức phổ thông, khác với khoa học định lượng… nên khó mô tả bằng những công cụ trực quan, quy chiếu đơn giản nó; tính khó kiểm chứng chân lý bằng thực nghiệm hoặc kiểm chứng trong một thời gian ngắn; tính giai cấp (tính chính trị, tính đảng) cao.
Hiện nay, công tác giảng dạy LLCT đã tiến hành đổi mới phương pháp giảng dạy trên tất cả các mặt, các khâu chuẩn bị nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu bổ trợ, hội thảo, sinh hoạt chuyên môn về các phương pháp dạy học hiện đại, khả năng thích ứng của học viên, những thuận lợi, khó khăn sẽ gặp phải khi áp dụng các phương pháp dạy học mới và giải pháp khắc phục, đến việc áp dụng vào giảng dạy thực tế trên lớp. Các cơ sở đào tạo đã thực hiện rà soát đội ngũ giáo viên, nội dung chương trình, phân công trách nhiệm tới từng cán bộ, giáo viên theo yêu cầu cải tiến phương pháp giảng dạy và nội dung chuyên môn. Đồng thời, tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ để trao đổi, thảo luận về các phương pháp giảng dạy, ưu điểm, nhược điểm của từng phương pháp, sự phù hợp của từng phương pháp đối với nội dung giảng dạy. Các học viện, nhà trường cũng đã tổ chức cho giảng viên đi thực tế, tham gia các hội thảo, các lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy của giáo viên.
Bên cạnh những thành tựu thì trong đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn những bất cập, hạn chế cả trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong tổ chức thực hiện. Về cơ bản, phương pháp giảng dạy vẫn còn đơn điệu, giải thích một chiều lý luận, chưa sát đối tượng và chưa phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Trong giảng dạy trên lớp hay học tập chính trị, phương pháp vẫn mang tính truyền thống là thuyết trình, độc thoại. Việc chuẩn bị bài giảng chưa cụ thể; trong giảng bài sử dụng phương pháp dạy học tích cực chưa nhiều, phương tiện còn hạn chế. Hiện tượng phổ biến là người học thụ động nghe, ghi chép chỉ để phục vụ thi, kiểm tra. Trong thảo luận môn học, học viên đơn thuần nhắc lại những nội dung ghi trong sách vở nên thường tẻ nhạt, thiếu không khí tranh luận. Một số bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhưng mới dừng lại ở thay thế hình thức đọc chép bằng nhìn chép… Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến học viên được học rất bài bản nhưng sự chuyển hóa thành niềm tin, thành bản lĩnh chính trị chưa mạnh mẽ.
Các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới do Trường Chính trị Trường Chinh tổ chức. |
Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, thường xuyên và lâu dài. Để góp phần vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay thì việc đổi mới công tác giảng dạy LLCT gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xem là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục LLCT theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác giảng dạy LLCT gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch, cần thực hiện tốt các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giảng dạy, học tập LLCT và yêu cầu đổi mới đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Về nhận thức, phải xác định rõ, công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT là một bộ phận trong công tác tư tưởng của Đảng. LLCT nhằm nâng cao nhận thức, giác ngộ lý tưởng cách mạng, thống nhất ý chí và hành động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng mỗi thời kỳ. Vì vậy, Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục LLCT theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương”. Đây là một yêu cầu khách quan, xác đáng đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng LLCT ở nước ta. Bởi vậy, việc nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam hiện nay có một vai trò hết sức quan trọng, cần phải được quan tâm và thực sự được chú trọng. Đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT là yêu cầu có tính bắt buộc để từng bước khắc phục những hạn chế trong giảng dạy LLCT ở nước ta thời gian qua. Do đó, để đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT có hiệu quả, trước hết cần nâng cao nhận thức cho các chủ thể về tầm quan trọng của vấn đề này. Các cơ sở đào tạo LLCT cần đặt vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi giảng viên, coi đây là tiêu chí để đánh giá năng lực, hiệu quả giảng dạy của mỗi giảng viên. Từ đó, các cơ sở đào tạo có kế hoạch để tập huấn, bồi dưỡng cho giảng viên các phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại để áp dụng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT.
Thứ hai, nâng cao phẩm chất, năng lực, uy tín của đội ngũ giảng viên, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là cập nhật kiến thức thường xuyên cho đội ngũ giảng viên giảng dạy LLCT. Công tác cập nhật kiến thức phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo mọi kiến thức truyền đạt đến học viên một cách khoa học nhất, đảm bảo tính kinh điển, tính kế thừa và tính thời đại. Việc cập nhật kiến thức mới luôn được chú trọng là những vấn đề của chủ nghĩa Mác - Lênin, về tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đối với công tác giảng dạy LLCT thì việc đưa tinh thần nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào bài giảng là một yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa trong việc tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong cán bộ, giảng viên và học viên, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội. Ngoài việc cập nhật kiến thức trong chương trình mới, cập nhật nghị quyết của Đảng thì việc lồng ghép nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng cũng có vai trò hết sức quan trọng của người giảng viên giảng dạy LLCT. Giảng viên cần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, chống lại các luận điệu sai trái, tư tưởng phản động của các thế lực thù địch thông qua các bài giảng của mình.
Thứ ba, sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, kết hợp và vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại. Ngoài kiến thức chuyên ngành của người giảng viên, một trong những vấn đề không kém phần quan trọng nhằm để truyền tải nội dung có hiệu quả chính là biết kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học và công cụ hỗ trợ. Hiện nay, việc sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực là xu hướng phổ biến, cần thiết, phương pháp này giúp học viên rèn luyện và phát huy năng lực tư duy sáng tạo. Theo đó, học viên mới có kỹ năng vận dụng được những vấn đề lý luận vào giải quyết những các vấn đề trong thực tiễn sinh động, phức tạp đang đặt ra. Sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực góp phần phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, ngoài việc sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực cần phải có sự lý giải, phân tích của người giảng viên để học viên nắm bắt vấn đề nhanh và phát huy hiệu quả bài học. Trong điều kiện thực tiễn ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng LLCT hiện nay, cơ sở vật chất bước đầu được đầu tư và trang bị theo hướng ngày càng hiện đại, giảng viên cần khai thác hiệu quả việc sử dụng cơ sở vật chất của Nhà trường đặc biệt hệ thống máy chiếu và Powerpoint, theo đó giảng viên có điều kiện minh họa những hình ảnh và số liệu thực tiễn nhằm giúp cho học viên nắm bắt thực tiễn nhanh hơn, chất lượng bài học hiệu quả hơn. Dựa trên từng chuyên đề của các học phần, giảng viên có thể sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực để truyền tải kiến thức như thuyết trình, phỏng vấn sâu, đặt câu hỏi, lấy ý kiến chuyên gia. Đặc biệt là tăng cường đối thoại, thảo luận nhóm, thực hành các bài tập tình huống, chú trọng xây dựng những tình huống liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trong từng bài giảng, từ đó gợi mở cho học viên thảo luận, chất vấn. Ngoài hệ thống giáo trình, giảng viên cung cấp cho người học những địa chỉ tin cậy có thể truy cập nguồn học liệu mở liên quan đến chủ đề giảng dạy, học tập và nghiên cứu; kết hợp hình ảnh, video; chú trọng cả yếu tố “xem” và “nghe” trong giảng dạy để thu hút người học, tạo không khí sinh động, hào hứng, giúp người học có thêm những kỹ năng khác ngoài kiến thức trên lớp. Xây dựng các phong trào thu hút sự tham gia của người học vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tổ chức tốt các phong trào thi đua, hội thi tìm hiểu sẽ giúp họ có điều kiện phát huy khả năng, trí tuệ của mình trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cụ thể như tổ chức hội thi học viên, sinh viên học giỏi LLCT, có thể đưa nội dung này thành nội dung thi bắt buộc để học viên tham gia nghiên cứu, tìm hiểu.
Thứ tư, tăng cường khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa tài liệu học tập LLCT. Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, số hóa tài liệu học tập LLCT là một trong những cách thức hữu hiệu để đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT. Số hóa giáo trình là việc chuyển đổi những trang sách truyền thống in trên giấy thành các file dữ liệu kĩ thuật số dễ dàng lưu giữ và chia sẻ mọi lúc mọi nơi trên môi trường kết nối internet. Giảng viên và học viên dễ dàng truy cập vào nguồn dữ liệu, vừa tiết kiệm chi phí in ấn, vừa đảm bảo tốc độ truy cập giúp cho người học chủ động trong tìm kiếm tri thức. Phát triển và ứng dụng các nền tảng học tập trực tuyến (E-learning), hệ thống quản lý học tập và ứng dụng để cung cấp tài liệu học tập, nguồn tài nguyên trực tuyến, tài nguyên nội bộ, phần mềm,... để phục vụ nhu cầu truy cập, tra cứu thông tin của người học. Tập trung vào các thiết bị kỹ thuật có khả năng kết nối vạn vật (IOT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud computing),... phục vụ tốt cho việc dạy và học các môn LLCT. Giảng viên cần ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống bài giảng điện tử được lưu giữ dưới dạng video trong đó bao gồm các thành tố: hình ảnh, audio, text và các liên kết. Bài giảng điện tử là yếu tố thay thế những giờ giảng trực tiếp trong đào tạo truyền thống. Với hình thức này giảng viên kết hợp với trình chiếu powerpoint để bài giảng thêm phong phú; đồng thời các video tham khảo cũng có thể được sử dụng đan xen trong quá trình giảng dạy.
Đổi mới phương pháp giảng dạy LLCT là yêu cầu có tính tất yếu khách quan của quá trình đào tạo, bồi dưỡng nói chung và giảng dạy LLCT nói riêng trong tình hình hiện nay, đòi hỏi sự thích ứng cao về trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp của mỗi giảng viên. Đổi mới phương pháp giảng dạy phải thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn theo hướng cung cấp các kiến thức cơ bản về LLCT, đồng thời phải giúp người học nhận diện được các thông tin xấu, độc, giúp họ tăng sức đề kháng trước các quan điểm sai trái, thù địch, có căn cứ khoa học, đủ trình độ lý luận để phản bác lại các quan điểm sai trái góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới./.
Ths. Hoàng Đức Hợp
(Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Trường Chinh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin