Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng, có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, là điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng. Trong những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp, công tác dân vận của chính quyền trên địa bàn thành phố Nam Định có nhiều đổi mới gắn với lợi ích của người dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Nam Định luôn quan tâm, thu hút các nguồn lực, làm tốt công tác dân vận khéo, xây dựng diện mạo đô thị thành phố ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Cán bộ Phường Thống Nhất hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Văn Trọng |
Xác định giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng… Làm tốt công tác GPMB có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, bất đồng, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân. Những năm qua, thành phố đã huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối liên hoàn các khu vực trong thành phố, kết nối thành phố với các địa phương trong tỉnh, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ, công tác dân vận được các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đặc biệt quan tâm, coi trọng. Tập trung tuyên truyền, vận động để tháo gỡ “nút thắt” GPMB. Trong đó, nhiều vụ việc khó liên quan đến GPMB phục vụ các dự án trên địa bàn đã không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, như: dự án Văn hóa Trần, khu đô thị mới Nguyễn Công Trứ, khu tái định cư Lương Thế Vinh…
Đồng chí Trần Huy Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định cho biết: “Thực tế tại các công trình, dự án cho thấy khi thực hiện GPMB thường nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường. Cùng với đó là ý thức của một bộ phận người dân trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường, GPMB làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Do đó công tác dân vận luôn được chú trọng và xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với việc GPMB các công trình trọng điểm. Để người dân hiểu, đồng thuận với các chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật, giải pháp đưa ra là phải siết chặt thực hiện các quy định của pháp luật, không để sai sót, chậm trễ làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Cùng với đó là phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, kiên trì, khéo léo tuyên truyền để dân hiểu, tin tưởng và ủng hộ chủ trương chung. Nhờ đó, đã tạo được hiệu ứng tích cực, khích lệ được tinh thần ủng hộ, nhất trí cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố”.
Trong 3 năm qua nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Quảng trường Hòa Bình; các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, phố (vỉa hè, thoát nước...) như: Hàn Thuyên (đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Phù Nghĩa), Hoàng Văn Thụ, Hàng Đồng, Nguyễn Trãi, Bạch Đằng; xây dựng khu tái định cư phường Lộc Vượng (khu vực Trường Đại học Lương Thế Vinh), xây dựng khu đô thị đường Nguyễn Công Trứ, đường gom Quốc lộ 10 (đoạn từ đường trục Lộc Vượng đến đường Phù Nghĩa)… Cùng với đó, thành phố tiếp tục thi công các công trình đang thực hiện đảm bảo tiến độ: Xây dựng khu đô thị mới phía Nam sông Đào; Cầu qua sông Đào (nối từ đường Song Hào với đường Vũ Hữu Lợi); xây dựng tuyến đường trục phía Nam thành phố (đoạn nối từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); xây dựng Trường Tiểu học tại Khu đô thị mới phía Nam sông Đào; kín hóa tuyến Kênh Gia (đoạn từ đường Phạm Ngũ Lão đến đường Trần Huy Liệu); xây dựng, cải tạo các Trường Tiểu học: Phạm Hồng Thái, Mỹ Xá, Lê Hồng Sơn, Trần Tế Xương, Trần Phú và Trường Trung học Cơ sở Phùng Chí Kiên…
Tại phường Cửa Nam, dự án cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi được khởi công xây dựng tháng 10/2022 và được coi là dự án trọng điểm có tính cấp thiết quan trọng đối với tỉnh Nam Định nói chung và thành phố nói riêng. Công tác triển khai dự án ban đầu gặp rất nhiều khó khăn; tổng số hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án là 97 hộ gia đình cá nhân và 1 tổ chức (với gần 500 nhân khẩu), 100% diện tích đất thu hồi để phục vụ dự án đều là đất ở. Các hộ dân đều nhất trí chủ trương chung của tỉnh, thành phố tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn về giá đất đền bù thấp, giá đất tái định cư cao, vị trí tái định cư không phù hợp, yêu cầu đất đổi đất... Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo GPMB thành phố. Hàng tuần tổ chức họp Ban Chỉ đạo để giải quyết các vấn đề phát sinh. Đồng chí Đỗ Thị Tuyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cửa Nam cho biết: “Đảng ủy phường đã thành lập Ban chỉ đạo GPMB gồm các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy, HĐND, lãnh đạo UBND, trưởng các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí thành viên, thành lập 3 tổ công tác tuyên truyền vận động chia theo từng khu vực trực tiếp tuyên truyền để các hộ dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện công tác GPMB. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, tổ dân phố, ban công tác mặt trận cơ sở tập trung phân tích từng nhóm đối tượng, trước hết chú trọng phát huy vai trò của đảng viên, người cao tuổi, những người có sức ảnh hưởng, có tiếng nói ở khu dân cư để tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân. Qua đó, chủ động nắm chắc và phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh, tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu kiến nghị của nhân dân về chủ trương, cơ chế, chính sách bồi thường, các điều kiện đảm bảo cho tái định cư. Từ đó, Ban Chỉ đạo GPMB của phường phối hợp với Ban quản lý dự án, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố thực hiện tốt trình tự, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định; đảm bảo cho người dân có đất bị thu hồi được thụ hưởng đúng và đầy đủ lợi ích theo chính sách hiện hành, từ đó bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ”… Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ phường, thành viên Ban chỉ đạo GPMB phường Cửa Nam chia sẻ: Với phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà”; “mưa dầm thấm lâu”; “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; “luôn gần dân, trọng dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, giải quyết công việc hài hòa, hợp lý, thấu tình đạt lý” cùng với sự cố gắng nỗ lực, kiên trì của cả hệ thống chính trị, những băn khoăn, vướng mắc của nhân dân dần được tháo gỡ, một số gia đình cán bộ công chức, đảng viên trong chi bộ đã gương mẫu tiên phong nhận tiền bồi thường, tiếp đến một số hộ ngay từ ban đầu đã có ý kiến gay gắt cũng đã nhận tiền bồi thường. Tiêu biểu nhất là đồng chí Nguyễn Xuân Vinh, Chi hội trưởng cựu chiến binh số 4 là người đầu tiên chấp hành phương án đền bù giải phóng mặt bằng đồng thời đồng chí còn rất tích cực tham gia tổ công tác tuyên truyền, vận động hội viên cựu chiến binh cũng như các hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án. Đến 27/10/2023, sau tròn một năm dự án cầu được khởi công, 100% các hộ dân có đất nằm trong phạm vi dự án đã nhận tiền bồi thường GPMB, hoàn thành đảm bảo theo đúng tiến độ thời gian thực hiện dự án, không phải thực hiện quyết định cưỡng chế.
Với kinh nghiệm rút ra từ việc dân vận khéo phục vụ thực hiện các dự án, trong thời gian tới, thành phố Nam Định tiếp tục triển khai nghiêm túc các bước quy trình trong công tác dân vận, đản bảo công khai, minh bạch gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong tất cả các dự án ngay từ đầu. Tăng cường công tác dân vận chính quyền, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trên địa bàn đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng thành phố Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Phạm Thị Lan
(Chuyên viên Ban Dân vận Thành uỷ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin