Thời gian qua, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Nam Định đã tăng cường đối thoại với các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; kịp thời nắm được những vấn đề mới, nội dung chưa phù hợp thực tiễn để chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Một buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các tổ chức chính trị - xã hội và người dân thành phố Nam Định. |
Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các tổ chức chính trị - xã hội và người dân thành phố Nam Định vào tháng 6/2024 thu hút đông đảo sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Tại hội nghị có 16 ý kiến phát biểu tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn gồm: lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, chính quyền; các vấn đề về kinh tế - xã hội; nhóm các vấn đề về chính sách. Tại hội nghị đối thoại, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ trả lời câu hỏi liên quan đến thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên thành phố nhằm góp phần thiết thực xây dựng tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh…; đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ giải đáp thoả đáng câu hỏi liên quan đến công tác sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính thành phố, nhất là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong tình hình mới. Theo đó, thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc sẽ được sáp nhập, đồng thời sắp xếp lại một số phường, xã trên địa bàn, đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2024. Sau khi sáp nhập, thành phố Nam Định có diện tích tự nhiên 120,90km2 và quy mô dân số là 364.181 người; có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường và 7 xã. Đội ngũ cán bộ thành phố đang được Ban Thường vụ Thành uỷ Nam Định và các địa phương, đơn vị trực thuộc tập hợp, phân loại, sắp xếp phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác hiện tại cũng như lâu dài, nhất là chuẩn bị nguồn nhân sự theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng…
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, để các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các tổ chức chính trị - xã hội và người dân diễn ra thành công theo tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp thực tiễn. Trong đó, yêu cầu các cấp, các ngành bám sát Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quyết định số 1085-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Thành uỷ yêu cầu việc tổ chức đối thoại phải đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền và phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, hiệu quả theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các vấn đề nhân dân, người lao động, cán bộ, đảng viên nêu ra tại hội nghị đối thoại phải được giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật; tạo điều kiện để nhân dân, người lao động, cán bộ, đảng viên được tham gia ý kiến trực tiếp, thẳng thắn, cởi mở đối với cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Không lợi dụng việc đối thoại để làm trái các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc đưa ra những thông tin không có căn cứ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân. Đại diện các cấp, các ngành tham dự đối thoại cần chuẩn bị nội dung giải trình, trả lời và tiếp thu xử lý nhanh, gọn, hiệu quả những phản ánh, băn khoăn, kiến nghị, đề xuất của nhân dân theo tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Trong 3 năm gần đây, thành phố Nam Định đã tổ chức 3 hội nghị đối thoại quy mô lớn giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thành phố với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; tổ chức 75 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các phường, xã với nhân dân. Tại các hội nghị, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp đối thoại, giải đáp 54 ý kiến của các tổ chức, cá nhân; lãnh đạo cấp cơ sở trực tiếp đối thoại, giải đáp 1.125 ý kiến của nhân dân liên quan đến nhiều nội dung từ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các vấn đề về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị, hiến kế xây dựng đô thị Nam Định văn minh, hiện đại… Thông qua các hội nghị đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thành phố đã tăng cường mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân; từ đó tập hợp sức mạnh đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng thành phố Nam Định ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.
Bài và ảnh: Xuân Thu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin