Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu khách quan trên toàn cầu, được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện các mục tiêu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo đưa công cuộc CĐS của tỉnh trở thành một cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tác động tích cực mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của đời sống, góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, đời sống nhân dân ngày càng tiến bộ như mục tiêu Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/TU, ngày 15/10/2021 về CĐS trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX đề ra.
Kỳ I: Chủ trương đúng, thể chế kịp thời
So với nhiều địa phương khác trên cả nước, Nam Định có nguồn thu hạn chế. Ngân sách hạn hẹp là một trong những trở ngại không nhỏ cho những nhiệm vụ cần đầu tư lớn như CĐS. Tuy nhiên, tỉnh đã có cách làm riêng khi triển khai thực hiện lộ trình CĐS, vừa khắc phục khó khăn vừa đạt những kết quả rất tích cực ở những chỉ tiêu mà nhiều địa phương trên cả nước đang phấn đấu thực hiện. Đó là kết quả từ chủ trương đúng, thể chế kịp thời, tinh thần quyết liệt, đổi mới sáng tạo; các ngành, các địa phương hưởng ứng tích cực và sự đồng thuận tham gia của nhân dân ngay từ giai đoạn khởi động CĐS.
Người dân đến giao dịch hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. |
Từ chủ trương đúng và trúng
CĐS là một trong những nhiệm vụ toàn khóa được BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX ban hành riêng Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/TU, ngày 15/10/2021 về CĐS trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết xác định CĐS là xu hướng tất yếu, là giải pháp nền tảng, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển của tỉnh cũng như của quốc gia. Nghị quyết xác định rõ 3 trụ cột cần phát triển đồng bộ là: chính quyền số (CQS), kinh tế số (KTS) và xã hội số (XHS) với mục tiêu chung phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành CĐS. Nghị quyết cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó, gồm: Phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng số, xây dựng CQS, KTS, XHS; chọn 5 lĩnh vực ưu tiên và đảm bảo an ninh mạng. Trong đó sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố tiên quyết đảm bảo thắng lợi công cuộc CĐS.
Các chỉ tiêu cụ thể được đề ra đến năm 2025, tỉnh Nam Định đứng trong Top 20 của cả nước về CĐS; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình; hoàn thiện 90% hồ sơ công việc và 90% hệ thống báo cáo trên môi trường mạng; 50% hoạt động kiểm tra trên môi trường mạng; KTS chiếm 20% GRDP; phổ cập sóng 4G/5G, cáp quang tới 80% hộ gia đình; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đứng trong Top 15 của cả nước về CĐS; 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình; hoàn thiện 100% hồ sơ công việc, 100% hệ thống báo cáo trên môi trường mạng; 70% hoạt động kiểm tra trên môi trường mạng; tỷ trọng giá trị KTS chiếm 30% GRDP; phổ cập 4G/5G, cáp quang tới 100% hộ gia đình; 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.
Phương châm triển khai CĐS là chính quyền phải tiên phong; chuyển đổi nhận thức cho toàn dân là yếu tố quyết định. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm; thể chế và công nghệ số là động lực; nền tảng là đột phá và an toàn an ninh thông tin là then chốt. Những mục tiêu giải pháp và phương châm thực hiện Nghị quyết 09 về CĐS thể hiện được tâm huyết và quyết tâm chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh trong việc tạo cơ hội cho Nam Định có bước phát triển đột phá về kinh tế, xây dựng chính quyền vững mạnh, minh bạch, người dân được hạnh phúc hơn. Đây cũng chính là "kim chỉ nam" cho quá trình thực hiện công cuộc CĐS của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, 100% các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc đã ban hành kế hoạch 5 năm và hàng năm về CĐS. Huyện ủy Xuân Trường ban hành Nghị quyết số 43-NQ/HU ngày 7/7/2021 "về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp". Hàng năm, các xã, phường, thị trấn đều xây dựng kế hoạch về CĐS cụ thể để thực hiện. Nhờ đó, tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết và các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của tỉnh về CĐS đã nhanh chóng được quán triệt, lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.
Đến thể chế kịp thời
Về cái khó trước hết khi tỉnh tiến hành công cuộc CĐS, như đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Nam Định là một trong những tỉnh đầu tiên trên toàn quốc ban hành Nghị quyết chuyên đề về CĐS nên chưa có hình mẫu nào đi trước để học tập, rút kinh nghiệm. CĐS lại là nhiệm vụ mới, lớn, lâu dài và cần rất nhiều kinh phí để thực hiện trong khi tỉnh lại hạn chế về nguồn thu. Do đó, để nhanh chóng đưa Nghị quyết về CĐS sớm đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy liên quan làm nền tảng và tạo hành lang pháp lý, động lực cho CĐS. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh đã xây dựng kế hoạch CĐS cho từng giai đoạn, từng nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu các ngành, địa phương gắn mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển CQS, KTS và XHS với việc triển khai các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch phát triển của đơn vị mình. Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng.
Ngay trong các năm 2021, 2022, tỉnh đã ban hành cơ bản đầy đủ hệ thống văn bản để chỉ đạo tập trung tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với quá trình CĐS; giao nhiệm vụ, chỉ tiêu CĐS cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22/10/2021 về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đã định hướng rõ nội hàm 3 trụ cột chính CQS, KTS và XHS với mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số... Điều này giúp các ngành, các địa phương chủ động trong triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của mình để đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra. Tiếp đó UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND, ngày 22/7/2022, về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CĐS trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) phối hợp với Bộ TT và TT tổ chức đồng bộ các hoạt động đào tạo, phổ biến kiến thức về CĐS cho toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân toàn tỉnh. Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 8/5/2022 về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển KTS và XHS giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh... với nội dung tập trung triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Cùng với đó, tỉnh cũng đưa ra các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực CĐS cũng như hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp CĐS toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước và các nguồn lực khác theo đúng quy định để thực hiện thành công các nhiệm vụ CĐS theo định hướng của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực CĐS cũng như hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp CĐS toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước và các nguồn lực khác theo đúng quy định để thực hiện thành công các nhiệm vụ CĐS theo định hướng của tỉnh.
Với quyết tâm đẩy nhanh quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh, đến hết năm 2022, tỉnh đã ban hành cơ bản đầy đủ văn bản CĐS (10/11 chỉ tiêu). Đồng thời hoàn thiện, bổ sung và hướng dẫn các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn và hệ thống chỉ tiêu đánh giá kết quả CĐS cũng như hoàn thiện cơ chế tài chính và đầu tư, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường. Đặc biệt hàng năm, tỉnh đều có văn bản đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh và giám sát việc thực thi các văn bản này. Việc thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về thúc đẩy CĐS, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn đã giúp công cuộc CĐS của tỉnh khắc phục được những khó khăn, hạn chế nội tại, nhanh chóng bứt phá một cách hiệu quả và chắc chắn, tạo ra những chuyển động tích cực từ tỉnh đến các sở, ban, ngành, địa phương và xuống cơ sở.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Kỳ II. Những chuyển động mạnh mẽ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin