Người "truyền lửa" cho công tác chỉnh đốn Đảng

08:08, 26/07/2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến của chúng ta không còn nữa, nhưng hình ảnh một nhà lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân mãi mãi in đậm trong trái tim người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Những cống hiến đặc biệt xuất sắc của đồng chí để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, trước hết là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chính ông là người “nhóm lửa, giữ lửa” và “truyền lửa” cho các cấp, các ngành cùng vào cuộc mang lại nhiều kết quả nổi bật.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phat biểu tại phiên họp thứ 16, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ngày 26/7/2019.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phat biểu tại phiên họp thứ 16, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ngày 26/7/2019.

Xây dựng Đảng thực chất là xây dựng con người, một công việc rất khó, rất phức tạp, tinh tế và nhạy cảm. Cho nên, đối với việc gì cũng phải thận trọng, chắc chắn, làm đi làm lại, làm đến nơi đến chốn, tuyệt đối không được phiến diện, chủ quan. Tổng Bí thư nhiều lần nhắc như vậy và là người gắn bó với lĩnh vực này ngay từ khi rời Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1967, về công tác tại Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản.

Quyết liệt mà nhân văn

Tố chất con người ông, lĩnh vực ông gắn bó và những cương vị công tác ông đảm nhiệm đã hòa quyện vào nhau tạo nên một nhân cách lớn ở người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta. Trong cuộc sống đời thường, ông là người giản dị, khiêm nhường, dễ gần, cả khi trở thành Tổng Bí thư cũng vậy. Với công việc, ông rất chuẩn mực, quyết liệt, luôn hướng tới những điều hoàn thiện, tốt đẹp nhất; ghét mọi thói hư, tật xấu. Khi còn công tác ở Tạp chí Cộng sản, ông đã viết nhiều bài theo hướng như vậy. Những vấn đề ông nêu, hiện nay vẫn mang tính thời sự, như các bài "Của công, của riêng", "Móc ngoặc", "Làm xiếc", "Một sự thật nhức nhối",… Gần đây, chúng ta mới nói đến căn bệnh sợ trách nhiệm. Nhưng hơn 50 năm trước, ông đã có bài "Bệnh sợ trách nhiệm", đăng trên Tạp chí Cộng sản số 11/1973. Sự "phác họa" sắc nét chân dung một cán bộ sợ trách nhiệm khi ấy mà nay nhiều người đọc vẫn thấy như đang nói với mình.

Tư tưởng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Tổng Bí thư được hình thành, nuôi dưỡng, bồi đắp từ đó và trở thành máu thịt trong con người ông. Khi được bầu là Tổng Bí thư tại Đại hội XI, năm 2011, một trong những việc đầu tiên ông nghĩ đến là tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ then chốt này. Hội nghị Trung ương 4 đã ban hành Nghị quyết một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Đến khóa XII, Hội nghị Trung ương 4 lại có nghị quyết mới về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Và khóa XIII, Hội nghị Trung ương 4 ra Kết luận số 21 để tiếp tục thực hiện nghị quyết nói trên. Tư tưởng chỉ đạo qua mỗi nhiệm kỳ được bổ sung mang tinh thần quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, phạm vi thực hiện rộng hơn và xử lý cán bộ kiên quyết hơn.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được làm từ lâu, nhưng chưa bao giờ quyết liệt như hiện nay, từng bước đi vào chiều sâu, bài bản, hiệu quả. Con số cán bộ, đảng viên bị xử lý hằng ngày được thông tin công khai kịp thời trên các phương tiện truyền thông. Không phải ai cũng biết rằng, để đưa ra một kết luận như vậy, các cơ quan đã phải cẩn trọng như thế nào, Tổng Bí thư đã phải trăn trở như thế nào. Có như thế mới thực hiện được tinh thần nhiều lần đồng chí cảnh cáo, "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", bất kể người đó là ai. Dù rất đau lòng, nhưng không thể không làm vì sự nghiệp chung; xử lý kỷ luật một vài người để cứu muôn người.

Phương châm mà Tổng Bí thư đưa ra ngày càng được thực hiện đầy đủ. Vi phạm ở mức nào xử lý ở mức đó; khi có vi phạm mà nhận ra khuyết điểm và chưa đến mức kỷ luật, thì giao các cơ quan chức năng xem xét có thể cho thôi việc, từ chức hoặc chuyển công việc khác. Vừa qua, có nhiều trường hợp như thế, nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Cá nhân rút lui, xin từ chức không chỉ bảo toàn uy tín của Đảng mà còn thể hiện danh dự, lòng tự trọng của cá nhân đó. Với những ai bị xử lý hình sự thì phải đúng pháp luật và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Vì thế, nhiều người khi trước tòa đã nhận ra sai phạm của mình, hối hận, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân và đồng chí Tổng Bí thư. "Đánh chuột không để vỡ bình", "để cho người ta một con đường lui", "Quyết liệt mà nhân văn" - đồng chí thường bộc bạch.

Dù đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng những lời nói ấy của Tổng Bí thư còn lắng đọng mãi trong tâm can mỗi người.

"Xây" đi liền với "chống"

Tình trạng cán bộ vi phạm diễn ra từ lâu và nhiều nơi ngày càng phức tạp hơn. Ngay khi là Tổng Bí thư, ông đã đau đáu về việc này; nghị quyết ban hành rồi, mà sao "xem ra thực hiện còn gay trăm bề". Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI, ông đã không cầm được nước mắt khi nói thẳng một số khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư như chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao.

Tuy thế, Tổng Bí thư vẫn luôn chia sẻ, việc kỷ luật nhiều cán bộ vi phạm đâu có tốt, không đừng mới phải làm, đau xót lắm chứ; ai sướng gì khi xử lý đồng chí mình. Mấu chốt là phải ngăn ngừa từ sớm, từ xa, không để xảy ra vi phạm mới là thành công. Muốn thế phải kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa "xây" và "chống".

Gần ba nhiệm kỳ ông làm Tổng Bí thư, quan điểm đó ngày càng được thực hiện nhuần nhuyễn, uyển chuyển hơn. Đó là vừa tích cực xử lý các vụ việc cụ thể một cách kịp thời, vừa tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật, mang tính răn đe và cũng là hành lang pháp lý cho việc thực thi pháp luật. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, hàng trăm cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược bị kỷ luật, cho từ chức hoặc xử lý hình sự. Có trường hợp cả ban thường vụ, nhiều cán bộ các ngành, cấp dưới bị kỷ luật; cả bí thư, phó bí thư thường trực bị khởi tố, bắt giam để điều tra.

Với tư duy vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn dày dặn, với tấm lòng nhiệt huyết cách mạng của một con người hành động, những vấn đề Tổng Bí thư đưa ra đều mang tầm chiến lược trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trước hết là tập trung vào "xây", trong xây phải đặc biệt chú trọng việc xây dựng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nhiều lần người đứng đầu Đảng ta đã phân tích, nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng,…

Vì thế, trong các văn bản của Đảng, trước hết là chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; xây dựng môi trường lành mạnh, tạo mọi điều kiện cho cán bộ cống hiến, trọng dụng người có đức, có tài, đồng thời siết chặt kỷ luật kỷ cương, xử lý nghiêm đối tượng làm trái, cá nhân thực dụng.

Đồng chí Tổng Bí thư kính mến không còn nữa là sự mất mát to lớn của chúng ta. Hy vọng rằng, chính từ trong sự mất mát ấy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân lại càng nhận ra đầy đủ hơn chân dung một con người bình dị, một cán bộ mẫu mực, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách lớn, hết lòng vì Đảng, vì nước, vì nhân dân, để biến tình cảm sâu nặng ấy thành những việc làm thiết thực, đoàn kết một lòng, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Theo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com