Xã luận: Khẳng định vị thế Thành Nam trong vùng đồng bằng sông Hồng

21:04, 30/06/2024

Tròn 70 năm trước, ngày 1-7-1954, từ các cửa ô thành phố, các mũi quân của Trung đoàn 46 hành quân tiến vào với lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng tiếp quản, giải phóng thành phố. Các cơ sở kinh tế quan trọng như Nhà máy Nước, Nhà máy Điện, Nhà máy Dệt… được bảo vệ an toàn, mọi hoạt động sản xuất nhanh chóng trở lại bình thường. Nam Định - Thành phố đầu tiên của miền Bắc được giải phóng trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố.

Một góc thành phố Nam Định.
Một góc thành phố Nam Định. (Ảnh Hoàng Tuấn)

Cuộc sống hòa bình để xây dựng quê hương chưa được bao lâu thì Nam Định lại cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài tới 20 năm. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thành phố Nam Định, nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh tế quan trọng nên là một trong những trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ xâm lược hòng chặn đường tiếp tế, chi viện cho chiến trường lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Quân và dân tỉnh Nam Định nói chung, thành phố Nam Định nói riêng, “mỗi người làm việc bằng hai” với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, cùng với cả nước kịp thời chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Gần hai vạn con em Nam Định lên đường đi chiến đấu, biết bao của cải vật chất đã được cán bộ, nhân dân thành phố cùng đồng bào cả nước dồn cho cuộc kháng chiến cứu nước.

Đất nước hoàn toàn giải phóng, thành phố Nam Định cùng cả nước bước vào công cuộc tái thiết, phát triển kinh tế xã hội từ đống đổ nát trong điều kiện nguồn lực kinh tế vô cùng khó khăn. Vượt lên những khó khăn, phát huy tinh thần quả cảm, cách mạng, sáng tạo, quyết liệt, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, từng bước khôi phục kinh tế xã hội, kiến thiết đô thị.

Trải qua 7 thập kỷ dựng xây, phát triển từ sau ngày giải phóng thành phố, đặc biệt là trong những nhiệm kỳ gần đây, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị; Quyết định số 109/2006/QĐ-TTg, ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng ĐBSH, trong đó đã định hướng quy hoạch, xây dựng phát triển thành phố Nam Định là đô thị trung tâm vùng Nam ĐBSH; các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố; Quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 cùng các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác, không chỉ nền tảng kinh tế xã hội của thành phố có sự tăng trưởng vượt bậc, mà diện mạo Thành Nam ngày càng khởi sắc, khang trang, hiện đại, có bản sắc riêng.

Các khu đô thị mới, các công trình giao thông kết nối liên vùng, công trình hạ tầng, phúc lợi công cộng được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố năng động, sáng tạo, nỗ lực, đồng thuận triển khai thực hiện đã góp phần khắc phục dần những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của thành phố, tạo những điểm nhấn cảnh quan đô thị hiện đại: Khu đô thị Dệt Nam Định, Quảng trường 3-2, Quảng trường Hòa Bình, Khu Trung tâm lễ hội di tích lịch sử văn hóa Trần; các cơ sở văn hóa thể thao hiện đại… Trên dòng sông Đào thơ mộng xưa, con sông từng giúp Thành Nam trở thành trung tâm thương mại, buôn bán giao thương sầm uất từ thời phong kiến; nơi từng chỉ có một cây cầu Treo bé nhỏ, sau này được thay thế bằng cầu Đò Quan, là điểm kết nối giao thông duy nhất bằng cầu cứng của thành phố với toàn bộ các huyện khu vực phía Nam tỉnh, một vùng kinh tế động lực sôi động, sầm uất. Đến nay, trên dòng sông này, ngoài 2 cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu tải trọng lớn đã hoàn thành cùng với cầu Đò Quan đảm bảo giao thông vận tải liên hoàn từ thành phố tới các huyện và kết nối với các tỉnh lân cận, thành phố đang tích cực xây dựng cầu thứ 4. Với cây cầu dây văng này khi hoàn thiện đưa vào khai thác, không chỉ là một điểm nhấn cảnh quan kiến trúc đẹp của thành phố mà còn là nền tảng quan trọng thực hiện định hướng phát triển thành phố về phía bên kia bờ sông Đào, không gian đô thị sinh thái như Quy hoạch tỉnh và các nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đặt ra.

Thành phố Nam Định, nơi phát tích của Vương triều Trần, nơi từng có vị thế như là một trung tâm quyền lực thứ hai của quốc gia Đại Việt, chỉ sau Kinh đô Thăng Long. Trong các giai đoạn lịch sử hiện đại, thành phố Nam Định vẫn luôn được xác định một vị thế quan trọng, một trong các đô thị trọng điểm của miền Bắc dù có lúc nhịp độ, quy mô phát triển của thành phố còn hạn chế. Tiếp theo Nghi quyết số 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vẫn tiếp tục xác định nhiệm vụ, định hướng xây dựng phát triển thành phố Nam Định là đô thị trung tâm vùng Nam ĐBSH cho thấy vị thế, tầm quan trọng của Thành Nam trong quan điểm, nhận thức, tư duy phát triển đất nước.

Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thành phố – một mốc son chói lọi trong lịch sử xây dựng và phát triển thành phố dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; với truyền thống lịch sử cách mạng anh hùng, những giá trị lịch sử văn hóa bền vững quý báu của vùng đất phát vương làm hành trang; có mục tiêu, định hướng phát triển đúng đắn, sự đoàn kết, nhất trí đồng lòng trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân theo phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, quyết tâm, quyết liệt, quyết làm như khí thế “Sát thát” quyết chiến và quyết thắng xưa, kỳ vọng Thành phố Nam Định sẽ đạt được những mục tiêu phát triển đã đề ra, khẳng định vững chắc vị thế đô thị trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng. Đó là mục tiêu phấn đấu, là nhiệm vụ phải quyết làm, là mệnh lệnh từ trái tim và là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, người con quê hương Nam Định!

Vân Thi

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com