Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù địch xây dựng hệ thống phòng ngự liên kết nhiều cứ điểm và cụm cứ điểm trên một không gian tương đối rộng, tập trung binh lực và hỏa lực mạnh, được tổ chức chỉ huy chặt chẽ, có công sự vững chắc và vật cản phức tạp, song thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc", ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực trong từng trận đánh, chủ động lựa chọn mục tiêu, thời gian, phát huy cao độ mặt mạnh, khoét sâu điểm yếu của địch, giành thắng lợi trong từng trận, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về chiến thuật của Quân đội ta.
Bộ đội nhồi bộc phá chuẩn bị cho trận đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh tư liệu |
Sự phát triển nhảy vọt của chiến thuật thể hiện trước hết ở các trận công kiên. Các trận Him Lam (ngày 13-3-1954), Độc Lập (đêm 14 rạng 15-3-1954) đều là các trận quy mô đại đoàn, hiệp đồng binh chủng, tiến công cụm cứ điểm nằm trong hệ thống phòng ngự liên hoàn của địch. Đây là hai trận đầu đánh vào một tập đoàn cứ điểm, là hai trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, là hai trận đánh theo lối chính quy.
Những trận công kiên Him Lam, Độc Lập, đồi A1, đồi C1... trong Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ lớn về quy mô mà đã có nội dung của những trận chiến đấu hiện đại. Trong các trận đánh này, ta đã xây dựng trận địa xuất phát tiến công vững chắc, tạo điều kiện cho bộ binh triển khai và vận động dưới hỏa lực rất mạnh của địch. Đây cũng là lần đầu tiên ta sử dụng các loại pháo lớn bố trí ở những trận địa kiên cố, chi viện trực tiếp và chế áp các trận địa pháo binh địch, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong. Lần đầu tiên ta sử dụng pháo cao xạ hiệp đồng tác chiến cùng bộ binh. Sự hiệp đồng nhịp nhàng, ăn khớp giữa các lực lượng trong một trận đánh quy mô lớn thực sự là bước tiến nhảy vọt của bộ đội ta trong chiến đấu công kiên.
Bước phát triển nhảy vọt của chiến thuật còn thể hiện ở sự xuất hiện các trận chiến đấu phòng ngự trận địa. Các trận phòng ngự ở đồi C1, A1, sân bay Mường Thanh... là những trận chiến đấu phòng ngự có tính chất trận địa đầu tiên trong lịch sử chiến đấu của Quân đội ta. Trận đồi C1, Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) đã chiến đấu liên tục 32 ngày đêm, từ tiến công chuyển sang đánh địch phản kích, rồi tổ chức phòng ngự giằng co với địch và cuối cùng tiến hành tiến công tiêu diệt toàn bộ cứ điểm. Trận đồi A1, sau 3 lần tiến công, ta chỉ chiếm được 1/3 đồi. Từ ngày 4-4 đến 6-5-1954, Trung đoàn 174 đã tổ chức phòng ngự đánh bại các đợt nống ra của địch, tạo điều kiện cho trung đoàn chuyển sang tiến công tiêu diệt hoàn toàn lực lượng địch ở đồi A1 vào đêm 6-5...
Trong các trận phòng ngự ở Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã triệt để tận dụng địa hình, tích cực cải tạo trận địa cũ của địch để xây dựng trận địa phòng ngự; tổ chức lực lượng theo nguyên tắc binh lực ít, hỏa lực nhiều, lực lượng tung thâm ít nhưng lực lượng dự bị cơ động ở bên ngoài nhiều; phán đoán chính xác các hướng tiến công của địch, có kế hoạch đánh địch trên từng hướng, hiệp đồng chặt chẽ với pháo binh cấp trên và đơn vị bạn đánh địch từ xa... nên đạt hiệu quả chiến đấu cao, giữ vững trận địa, tạo thế vây ép địch.
Bước phát triển nhảy vọt còn thể hiện ở sự ra đời hình thức chiến thuật "đánh lấn". "Đánh lấn" được khởi đầu từ khi ta đánh các cứ điểm 106, 105 và được hoàn thiện trong trận diệt cứ điểm 206. Trong trận đánh này, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) đã xây dựng trận địa bao vây, từng bước tiếp cận, chia cắt địch, kết hợp với bắn tỉa, đánh địch ra phá lấp trận địa và sử dụng các phân đội nhỏ thường xuyên hoạt động đánh lấn, vây hãm làm cho địch luôn ở trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và dần đi đến suy sụp. Khi thời cơ đến, Trung đoàn chỉ sử dụng một lực lượng ngang địch tiến công tiêu diệt toàn bộ cứ điểm, giành thắng lợi trọn vẹn. "Đánh lấn" là sự vận dụng sáng tạo cách đánh nhỏ truyền thống, đánh được nhiều địch, hạn chế được thương vong.
Bước phát triển nhảy vọt của chiến thuật trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là thành quả của những tích lũy trong chiến đấu của quân dân ta suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Nếu bộ đội ta không được rèn luyện liên tiếp trong những trận vận động và công kiên từ năm 1947 thì sẽ không có thành công trong trận công kiên lớn nhất ở Điện Biên Phủ, và trong vận động đánh địch trên nhiều chiến trường Đông Xuân 1953-1954. Bước phát triển nhảy vọt của chiến thuật còn có sự chỉ đạo đúng đắn về chiến lược và nghệ thuật chiến dịch; là kết quả của quá trình tăng cường vũ khí, trang bị, hoàn thiện biên chế tổ chức, huấn luyện bộ đội; là kết quả của sức dẻo dai, bền bỉ, sự giác ngộ giai cấp sau chỉnh quân và chỉnh huấn cũng như tinh thần quật khởi của nhân dân ta. Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về chiến thuật của Quân đội ta. Đó là quá trình rèn luyện, trải qua thực tiễn chiến đấu trong chống thực dân Pháp xâm lược./.
Theo QĐND
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin