Kỳ I: Nhanh chóng đưa Nghị quyết vào đời sống
Kỳ II: Đổi mới tạo nền tảng phát triển bền vững
(Tiếp theo và hết)
Kỳ III: “Bí quyết” đổi mới thành công
Từ việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) của tỉnh theo Nghị quyết 29-NQ/TW, GD và ĐT của tỉnh cho thấy rõ nét những chuyển biến căn bản, toàn diện từ chất lượng, giáo dục, xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất đến chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội; từ giáo dục phổ thông đến giáo dục chuyên nghiệp, đại học. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học dần hoàn thiện, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Giáo dục thường xuyên tạo điều kiện cho mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời mà không bị giới hạn về tuổi tác, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Học sinh Hoàng Tiến Cường, lớp 12 chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (đứng thứ tư từ trái sang) đoạt Huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế 2023 tại Uzbekistan tháng 6-2023. |
Qua thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, một bài học kinh nghiệm lớn rút ra là cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của nhân dân. Với sự chung sức đó, ngành GD và ĐT có điểm tựa và động lực để quyết tâm phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Quá trình thực hiện cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về GD và ĐT; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện; ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, đảm bảo đồng bộ và thống nhất giữa các cấp. Tăng cường công tác truyền thông về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những đổi mới của ngành, tạo sự đồng thuận, đồng lòng ủng hộ của toàn xã hội. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và các văn chỉ đạo của tỉnh một cách đồng bộ, sâu rộng.
Đơn cử, từ thực tiễn kết quả thực hiện Nghị quyết 29 tại xã Hải Xuân (Hải Hậu) đã tạo sự đổi thay cho giáo dục vùng đất có trên 95% người dân theo đạo Công giáo này. Đồng chí Đỗ Thị Tuyết Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Hải Xuân cho biết: Bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đến cơ sở thôn xóm, nhờ làm tốt công tác truyền thông về Nghị quyết, xã đã huy động được sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng chung tay đầu tư cho phát triển giáo dục. Nhờ đó, mạng lưới trường, lớp học, hệ thống trường học các cấp trên địa bàn xã cơ bản được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, trang thiết bị dạy học được bổ sung đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển sâu rộng trên địa bàn, góp phần vào sự nghiệp GD và ĐT của xã. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã cả 3 trường đều đạt chuẩn quốc gia; con em người dân giáo xứ chăm ngoan, học giỏi. Giáo dân rất vui vì chính sách giáo dục đi vào cuộc sống, giúp họ tiếp cận tốt với các hoạt động giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, học tập suốt đời, thực hiện tốt mục tiêu nâng cao nhận thức, trình độ dân trí cho người dân, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống; giáo dục pháp luật, tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân; kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy nghề và dạy người; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện và hiện đại. Việc đầu tư mua sắm bổ sung, sửa chữa, sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được thực hiện một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, cơ cấu, chủng loại, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD và ĐT. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Có cơ chế ưu đãi và khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng các mô hình dạy nghề hiệu quả gắn đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp để đảm bảo nhu cầu có việc làm cho người lao động sau đào tạo cũng như đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển của doanh nghiệp, đem lại hiệu quả cao nhất cho người tham gia học nghề.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc: Nhiều chính sách đã được đề ra đối với nhà giáo, cán bộ quản lý và công tác GD và ĐT hướng tới yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nhưng vẫn chưa được thực hiện thỏa đáng. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương còn chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở thành phố; quy mô đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ; chưa hình thành được những cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đạt đẳng cấp khu vực, quốc tế. Nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách tỉnh đối ứng còn hạn chế, do vậy cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đồng bộ, còn thiếu so với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nhiều trường học còn thiếu phòng thực hành bộ môn, thiết bị đồ dùng dạy học theo chuẩn quốc gia. Nguồn lực đầu tư cho đào tạo ngành nghề trọng điểm đến nay rất hạn chế và nhiều ngành nghề chưa được đầu tư theo đúng quy mô, thế mạnh hoặc có đầu tư nhưng còn hạn chế như: nghề điều dưỡng của Trường Trung cấp Y tế Nam Định; nghề may, điện công nghiệp của Trường Trung cấp Công nghệ số 8. Hoặc có đầu tư nhưng còn hạn chế như nghề công nghệ ô tô, vận hành máy thi công nền của Trường Trung cấp Giao thông Vận tải... Hiệu quả đào tạo một số nghề của trường cao đẳng thuộc bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh rất thấp, chủ yếu là liên kết để đào tạo trình độ trung cấp tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên...
Sản phẩm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật của học sinh khối các trường THCS được trưng bày tại Ngày hội STEM và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2022-2023. |
Từ những khó khăn, vướng mắc đó, để giữ vững chất lượng GD và ĐT và tiếp tục được nâng cao trong thời gian tới, ngành GD và ĐT cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nội dung của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT cũng như các chủ trương, chính sách mới về GD và ĐT; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; từ giáo dục mầm non đến phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề, ứng dụng khoa học công nghệ vào GD và ĐT... tạo chuyển biến nhận thức và sự đồng thuận trong nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp bởi đây là yếu tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Tiếp tục cải thiện, khắc phục những bất cập hiện nay về biên chế, chính sách đãi ngộ (tiền lương, phụ cấp...) để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến tâm huyết với nghề. Nâng cao năng lực, kỹ năng của cán bộ quản lý giáo dục để đảm bảo đoàn kết, kỷ cương; khơi dậy, động viên sự sáng tạo trong toàn ngành, chống bệnh hình thức, thành tích ảo. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho GD và ĐT để nâng cao hiệu quả; khuyến khích thành lập các trường tư thục chất lượng cao đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra GD và ĐT giúp giữ vững và duy trì kỷ cương, trật tự, nền nếp, sự ổn định trong giáo dục, đồng thời phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như gian lận thi cử, dạy thêm, học thêm tràn lan, vi phạm đạo đức lối sống trong đội ngũ giáo viên cũng như học sinh… Kịp thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng tạo động lực tốt cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cũng như học sinh. Giữ vững truyền thống đất học, lấy chất lượng đầu ra của giáo dục với nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, kỹ năng, thể chất đáp ứng yêu cầu sáng tạo và phát triển của tỉnh trong bối cảnh chung của khu vực đồng bằng sông Hồng theo định hướng mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị./.
Bài: Minh Thuận
Ảnh: Minh Thuận, Do cơ sở cung cấp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin