Kỳ I: Nhanh chóng đưa Nghị quyết vào đời sống
Ngày 4-11-2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29). Nghị quyết đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD và ĐT. Trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành trên địa bàn toàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng về GD và ĐT, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một giờ học ở Trường THCS Hải Xuân (Hải Hậu). |
Là tỉnh có truyền thống giáo dục, dạy tốt học tốt với bề dày thành tích luôn đứng trong tốp đầu toàn quốc về kết quả GD và ĐT hàng năm, tỉnh đã có một nền tảng vững chắc để triển khai các chủ trương của Đảng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Để đưa Nghị quyết 29 nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngày 25-11-2013 Ban TVTU đã ban hành Kế hoạch số 84-KH/TU để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 22-8-2014 về thực hiện Nghị quyết 29; đồng thời chỉ đạo các cấp xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đảm bảo phù hợp tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. 100% các huyện, thành phố đều ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 29 và Kết luận số 51-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29.
Cùng với việc học tập và quán triệt, công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 29 đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thông qua các hội nghị giao ban, hội nghị báo cáo viên; đăng tải nội dung Nghị quyết trên Bản tin Thông tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trên Website của các địa phương, đơn vị. Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở các chuyên trang, chuyên mục với hàng nghìn tin, bài tuyên truyền về nội dung Nghị quyết cũng như việc triển khai ở các địa phương, đơn vị, các cấp, các ngành trong tỉnh. Ngành GD và ĐT tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, thường xuyên đăng tải, cập nhật tin, bài, những mô hình, điển hình, phản ánh kịp thời, đậm nét kết quả thực hiện Nghị quyết trên địa bàn toàn tỉnh... Nhờ đó, công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT của tỉnh đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, đổi mới công tác GD và ĐT. Xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn cơ chế, chính sách để đổi mới GD và ĐT; nghiên cứu đề xuất các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, cơ chế, chính sách tổng thể, liên ngành để huy động nguồn lực xã hội đầu tư thực hiện hiệu quả công tác đổi mới GD và ĐT. Tiêu biểu như: Huyện Xuân Trường ban hành Nghị quyết số 42-NQ/HU về “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển GD và ĐT trong tình hình mới”; BCH Đảng bộ huyện Nam Trực ban hành Nghị quyết số 17-NQ/HU về phát triển sự nghiệp GD và ĐT huyện Nam Trực; huyện Trực Ninh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả GD và ĐT giai đoạn 2020-2025”; huyện Ý Yên ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về “Phát triển sự nghiệp GD và ĐT huyện Ý Yên giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”...
Từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết 29, xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, đem lại những thành tựu nổi bật trên các mặt GD và ĐT ở địa phương. Tại huyện Hải Hậu, thực hiện Nghị quyết 29 và các kế hoạch chỉ đạo của tỉnh, của huyện, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và ngành GD và ĐT huyện đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, huy động sự vào cuộc của các tổ chức xã hội và nhân dân trong phát triển sự nghiệp GD và ĐT; coi “GD và ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đội ngũ nhà giáo, học sinh và nhân dân về vị trí, vai trò của GD và ĐT trong sự nghiệp đổi mới. Huyện triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; các xã, thị trấn ưu tiên xây dựng quy hoạch đất cho các trường học đảm bảo theo quy định; quan tâm dành nguồn lực ngân sách và đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị và xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn... Đến nay, toàn huyện đã huy động được trên 1.500 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy và học để đạt chuẩn, trong đó xây dựng được 504 phòng học mới, 262 phòng học bộ môn mới, 27 nhà đa năng xây dựng mới, 216 phòng học được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hệ thống cây bóng mát, cảnh quan nhà trường... Số lượng các trường đạt chuẩn quốc gia, chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, chuẩn về kiểm định chất lượng giáo dục không ngừng tăng nhanh, dẫn đầu tỉnh. 100% xã, thị trấn đều có 3 cấp học đạt chuẩn quốc gia lần đầu, 100% các trường đạt chuẩn quốc gia lần đầu trong đó có 73 trường chuẩn quốc gia mức độ II. Công tác xây dựng trường chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn có 102/103 trường đạt (tỷ lệ 99,1%). Công tác đào tạo nghề, dạy nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được chú trọng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%...
Tại huyện Vụ Bản, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 29 đã huy động được sự “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp người dân. Ngành GD và ĐT huyện đã tích cực chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng hiện đại. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện linh hoạt căn cứ thực tiễn từng nhà trường, đã phát huy hiệu quả trong các cơ sở giáo dục. Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn huyện biết ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng; 100% trường tiểu học, THCS, THPT có phòng học Tin học được trang bị từ 20-25 máy vi tính đảm bảo phục vụ cho hoạt động dạy học, có phòng học tiếng Anh chuyên dụng; các trường đều có ti-vi kết nối wifi đến các lớp học, có đủ thiết bị âm thanh phục vụ dạy học. 100% học sinh tiểu học được học tiếng Anh theo chương trình thí điểm, 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 được học chương trình Tin học. Đặc biệt, chính quyền các cấp trên địa bàn đã tăng cường các nguồn lực, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học theo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Toàn huyện đã có 35/55 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, cấp độ 3 (65,5%); 100% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 48/55 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Nhờ có sự quan tâm toàn diện, huyện Vụ Bản đã xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, tạo cảm hứng học tập cho cả thầy và trò. Phong trào thi đua dạy tốt - học tốt tiếp tục đi vào thực chất và phát huy hiệu quả, hàng năm, trên 99% học sinh tiểu học hoàn thành các môn học trở lên; 99% học sinh THCS xếp loại học lực từ trung bình trở lên, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt trên 99%, tốt nghiệp THPT từ 98% trở lên. Học sinh thi vào lớp 10 THPT nhiều năm liên tục xếp ở top đầu toàn tỉnh. Chất lượng học sinh tham gia đạt giải các cuộc thi cấp tỉnh ngày càng được nâng lên, có từ 70-75% học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng mỗi năm. Trong đó, Trường THPT Hoàng Văn Thụ dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục toàn diện, Trường THCS Trần Huy Liệu là trung tâm giáo dục chất lượng cao của huyện.
Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết 29 trên toàn tỉnh được triển khai thường xuyên, nghiêm túc. Các địa phương, ngành chức năng đã đưa nội dung kiểm tra, giám sát Nghị quyết 29 vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp ủy, chính quyền, ngành GD và ĐT, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh. Giai đoạn 2013-2022, Sở GD và ĐT đã thanh tra, kiểm tra với nhiều nội dung khác nhau theo yêu cầu cụ thể của từng năm, từng năm học, gắn với việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT tại 297 cơ sở giáo dục và 10 phòng GD và ĐT huyện, thành phố. Năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2022. Kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và sự tham gia hưởng ứng của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cho thấy sự kịp thời, đúng đắn của chủ trương đổi mới toàn diện GD và ĐT trước yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin