Tác phẩm tham dự giải báo chí búa liềm vàng lần thứ VIII-2023: Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững - bệ phóng cho kinh tế - xã hội đột phá - Kỳ I: Phát triển chuỗi đô thị làm trụ cột và động lực 

18:13, 18/07/2023

Kỳ I: Phát triển chuỗi đô thị làm trụ cột và động lực 

Tỉnh Nam Định với nền tảng thành phố Nam Định là đô thị cổ từ cả trăm năm trước đã cho thấy vai trò của hạt nhân đô thị trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng đô thị và khu vực vệ tinh. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng và phát triển, tại các huyện, ngoài thị trấn huyện lỵ thì một số tiểu vùng thị tứ đã được quan tâm phát triển theo hướng đô thị hóa. Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11-11-2022 của Chính phủ và Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 28-4-2022 của Ban TVTU, ngày 31-5-2023 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND nhằm thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị. Theo đó, mục tiêu hướng tới là xây dựng, phát triển hệ thống đô thị tỉnh Nam Định đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Một góc đô thị loại I - thành phố Nam Định hôm nay.
Một góc đô thị loại I - thành phố Nam Định hôm nay.

Quá trình đô thị hóa của tỉnh đã diễn tiến trong thời gian khá dài với sự hình thành của thành phố Nam Định từ cuối thế kỷ 19, có vai trò là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo của tỉnh; có các giá trị văn hóa, lịch sử nổi trội; vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng. Từ năm 2010 đến nay với sự tập trung đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, toàn tỉnh đã phát triển 17 đô thị hạt nhân ở các vùng, miền, địa bàn trong tỉnh, gồm thành phố Nam Định là đô thị loại I và thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là đô thị loại IV, 15 thị trấn là đô thị loại V. Trong các đô thị loại V có 9 thị trấn huyện lỵ của các huyện (Lâm, Nam Giang, Ngô Đồng, Yên Định, Gôi, Liễu Đề, Xuân Trường, Mỹ Lộc, Cổ Lễ) và 6 thị trấn trung tâm, thị tứ tiểu vùng (Quỹ Nhất, Cát Thành, Ninh Cường, Rạng Đông, Quất Lâm, Cồn).

Với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, cùng vị thế về chính trị, kinh tế - xã hội, quá trình thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14-9-2005 và Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28-10-2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020, trong đó có định hướng xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và sự tập trung thực hiện của tỉnh và thành phố, ngày 28-11-2011 thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đến nay, thành phố Nam Định đã vươn mình phát triển mạnh mẽ; diện mạo đô thị không ngừng theo hướng hiện đại, khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và đang hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Thành phố đã đạt tỷ lệ đô thị hóa 90%, tiêu biểu cho diện mạo đô thị của tỉnh, được quy hoạch bài bản; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khá hoàn chỉnh. Riêng giai đoạn 2015-2020, thành phố đã huy động tới hơn 43 nghìn tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng, chỉnh trang đô thị, nhất là hệ thống giao thông qua thành phố đảm bảo kết nối thuận tiện với các tuyến Quốc lộ 10, 21, 21B và tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định khẳng định: Sau 10 năm trở thành đô thị loại I, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đến năm 2020, cơ cấu ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng 99,48%; giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 32.760 tỷ đồng, quy mô gấp 2,5 lần so với năm 2010; tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 21.320 tỷ đồng, tăng bình quân 9%/năm, gấp 3 lần so với năm 2010; giá trị xuất khẩu đạt 1,25 tỷ USD, chiếm 56,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và gấp 13 lần so với năm 2010. Để tiếp tục khẳng định vị thế đô thị loại I - trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của tỉnh và có tầm ảnh hưởng tới cả vùng đồng bằng sông Hồng, trong tương lai, thành phố Nam Định sẽ phát triển theo mô hình đa cực với sông Đào là trục xương sống, phát triển khu vực hai bên bờ sông; lấy đô thị cũ làm trung tâm, tạo các trục kết nối với không gian mở vào trong trung tâm đô thị cũ và trung tâm mới nam sông Đào. Thành phố sẽ hình thành 3 vùng phát triển: Vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh. Vùng phát triển đô thị về phía tây và tây bắc (Mỹ Lộc), hình thành các khu vực đô thị tổng hợp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và trung chuyển đầu mối giao thông, hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu, cụm công nghiệp. Vùng phát triển đô thị về phía nam và đông nam thành phố, hình thành đô thị dịch vụ, thương mại, phát triển vùng sinh thái nông nghiệp nam sông Đào gắn với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ven sông.

Thi công các hạng mục công trình xây dựng khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần tại Nam Định
Thi công các hạng mục công trình xây dựng khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần tại Nam Định.

Với đặc thù là trung tâm hành chính - chính trị của huyện Trực Ninh; đồng thời là điểm đô thị đầu tiên kết nối chuỗi đô thị trên tuyến Quốc lộ 21 của các huyện trọng điểm phía nam tỉnh Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy với thành phố Nam Định nên thị trấn Cổ Lễ được phát triển theo hình thái đô thị vệ tinh vừa có tổ chức không gian đô thị hiện đại, hài hòa với không gian văn hóa truyền thống của nông thôn, cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật liên kết chặt chẽ không gian sống và các khu vực, ngành nghề sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) như mộc, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc… Đô thị thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã được phát triển theo tuyến tính kết hợp hướng tâm, tập trung dọc theo các tuyến giao thông đối ngoại và tại các khu trung tâm. Tận dụng đặc trưng thiên nhiên, khai thác bãi tắm biển nằm dọc phía nam và khu vực phía tây là sông Ninh Cơ với cảnh quan, môi trường trong lành để phục vụ khách du lịch trong cũng như ngoài tỉnh. Cơ cấu lao động của thị trấn đã chuyển dịch linh hoạt theo đặc thù kinh tế của đô thị ven biển, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, chủ yếu làm trong lĩnh vực dịch vụ với đa dạng các ngành nghề như nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng... Thực tiễn phát triển của các xã lân cận các đô thị ở các huyện cho thấy vai trò hạt nhân và hiệu quả thiết thực của việc tập trung phát triển các đô thị, khẳng định sự đúng đắn của định hướng này. Để tháo gỡ khó khăn, tăng cường nguồn vốn đầu tư trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chọn đô thị hóa nông thôn nhằm thu hút các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư là một trong những mũi nhọn đột phá, qua đó còn giúp tỉnh đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu hiện nay. Bằng giải pháp này, tỉnh không chỉ phát triển được các đô thị vốn có mà còn phát triển thêm đô thị mới như thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh) phát triển từ xã Trực Phú; các thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) tích cực chuẩn bị các điều kiện để xây dựng thành thị xã; phía tây tỉnh thì hình thành khu đô thị mới ở địa bàn 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên)…

Hệ thống đô thị đã đóng góp lớn cho sự nghiệp tăng trưởng kinh tế của tỉnh với tỷ trọng đáng kể (chiếm hơn 50%); tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị thường nhanh hơn khu vực nông thôn khoảng 1,92 lần. Nguồn thu của các đô thị, đặc biệt là của thành phố Nam Định, chiếm tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách Nhà nước (trên 20%), giữ vai trò quan trọng và là động lực chủ yếu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế từ mô hình nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ (tốc độ dịch chuyển giai đoạn 2010-2020 là khoảng 3,6%/năm). Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống đô thị của tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao mức sống, dân trí và văn minh xã hội như: Tỷ lệ người nghèo giảm 0,8%; tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2020 chỉ còn 17,4%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2020 giảm còn 10,5%; tuổi thọ trung bình dân số tăng từ 73 (năm 2010) lên 74,5 tuổi (năm 2020). Các điều kiện sinh hoạt, phúc lợi xã hội ở địa bàn nông thôn tăng lên, rút ngắn khoảng cách, tiệm cận với thành thị: sử dụng điện lưới quốc gia, giao thông nông thôn hiện đại, kết nối liên hoàn với các hệ thống giao thông; dịch vụ y tế, giáo dục, viễn thông,... đều phát triển. 

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn chưa có tiền lệ như: đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp gây suy giảm kinh tế toàn cầu tác động đến mọi quốc gia. Tuy nhiên, bằng cách đi hợp lý, tận dụng được các cơ hội, đánh giá đúng và phát huy tốt tiềm năng nội lực, phát triển hợp lý hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo hình ảnh tích cực, tăng sức hấp dẫn thu hút các nguồn lực và cơ hội phát triển về cho tỉnh và các địa phương. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; đặc biệt là tạo được những nền tảng quan trọng để kỳ vọng vào sự bứt phá trong thời gian tới. Trong đó nổi bật là chỉ tiêu tổng sản phẩm GRDP đạt 9,07%, cao nhất từ trước đến nay; 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 8,5%, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 3/11 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com