Kỳ I: Sáng tạo hình thức tuyên truyền lịch sử Đảng
(Tiếp theo và hết)
Cùng với việc đa dạng các hình thức tuyên truyền, công tác giáo dục lịch sử Đảng cũng có nhiều đổi mới. Trong đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm, chỉ đạo đưa lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ địa phương vào giảng dạy trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lý luận chính trị trong hệ thống các trường chính trị, các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh.
Cô trò Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thành phố Nam Định) tham quan tư liệu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh. |
Kỳ II: Đổi mới công tác giáo dục lịch sử Đảng
Thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống các trường đại học trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong chương trình của cả hai hệ chuyên và không chuyên lý luận chính trị; các trường cao đẳng, trung cấp nghề đã triển khai giảng dạy nội dung lịch sử Đảng nói riêng, bộ môn Giáo dục chính trị nói chung. Đối với bậc giáo dục phổ thông, giáo dục tiểu học, thực hiện lồng ghép nội dung lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, giáo dục công dân. Đến nay, 100% các địa phương, đơn vị đưa lịch sử đảng bộ địa phương vào chương trình giảng dạy nhằm phát huy tác dụng của các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, góp phần củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Hình thức giáo dục lịch sử Đảng cho thiếu niên, nhi đồng được đổi mới với nhiều phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp tình hình thực tế thu hút trẻ tham gia. Tiêu biểu như cuộc thi: “Tìm hiểu tiểu sử các anh hùng, liệt sĩ ở địa phương” do các nhà trường trên địa bàn tỉnh phát động nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Hội thi “Chúng em hướng về cội nguồn”, kể chuyện “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” do ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh tổ chức… Các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho học sinh học tại thực địa, trải nghiệm các hoạt động về nguồn, tham quan di tích, bảo tàng, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, nói chuyện truyền thống và phối hợp tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”… để học sinh hiểu rõ hơn về các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, những hy sinh và công lao to lớn của các thế hệ đi trước. Các địa phương, đơn vị, các hội, đoàn thể đã phát động các phong trào dọn vệ sinh, thắp hương, dâng hoa vào các ngày lễ, tết… ở các di tích lịch sử đã góp phần giáo dục, tuyên truyền truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của các địa phương, của Đoàn, Hội, Đội, bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tạo niềm hứng thú và say mê của học sinh trong việc nghiên cứu, học tập lịch sử Đảng.
Đồng chí Cao Xuân Hùng, TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Xác định công tác giáo dục truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, rèn luyện toàn diện, nhân cách, phẩm chất của học sinh, sinh viên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ, từ năm học 2022-2023, ngành đã phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả việc giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa với nhiều nội dung thiết thực như: Triển khai mô hình “Câu lạc bộ em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng tỉnh. Cụ thể, các trường học đưa học sinh đến tham quan hoặc đưa các tư liệu, hình ảnh về di sản văn hóa đến giới thiệu tại các trường để các giáo viên hướng dẫn, giảng dạy cho học sinh. Từ năm 2022 đến nay, trên 15 nghìn lượt học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đến tham quan tìm hiểu kiến thức tại Bảo tàng tỉnh. Em Nguyễn Khánh Huyền, lớp 10 chuyên Nga, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: Các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh đã giúp bổ sung kiến thức cho học sinh về lịch sử, văn hóa của quê hương Nam Định giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Em mong muốn sẽ tiếp tục được tham gia nhiều buổi học ngoại khóa tại các di tích lịch sử - văn hóa, các di tích gắn với các danh nhân lịch sử, nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối của tỉnh.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích cách mạng, kháng chiến được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, tạo được sự đồng thuận và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.359 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 307 di tích cấp tỉnh, 4 nhóm bảo vật quốc gia, 9 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt nghi thức “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đã có hàng trăm di tích được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, tư liệu hóa đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy tốt giá trị, thúc đẩy quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người Nam Định đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên lựa chọn các di tích lịch sử là địa điểm để tổ chức các sự kiện quan trọng, các hoạt động kỷ niệm, trải nghiệm, tổ chức lễ kết nạp đội viên, đoàn viên… Qua đó đã khơi dậy niềm tự hào dân dộc, giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử cách mạng, góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, góp phần phát triển du lịch.
Để công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đi vào nền nếp và hiệu quả, thời gian qua, Ban TVTU đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Trong đó, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể được nâng cao. Hiện nay, cấp tỉnh đã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định” đến năm 2005, gồm 2 tập (1930-1975 và 1975-2005) và nhiều công trình, ấn phẩm lịch sử chuyên đề có chất lượng tốt. Tiêu biểu như các công trình, ấn phẩm: “Những người Cộng sản ưu tú trên quê hương Nam Định”, “Đảng bộ tỉnh Nam Định - Những thành tựu nổi bật trong 5 năm 2011-2015”, “Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định”... MTTQ và 100% các đoàn thể chính trị đã xuất bản lịch sử cơ quan, đơn vị. Ở cấp huyện, thành phố và đảng ủy trực thuộc: 100% các huyện, thành phố và đảng ủy trực thuộc đã triển khai biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ đến năm 2000, 2005 và 2020. 100% đơn vị ngành Quân đội và trên 80% đơn vị ngành Công an của các huyện, thành phố trong tỉnh đều đã triển khai tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống của đơn vị mình. Ở cấp xã có 225/226 xã, phường, thị trấn xuất bản lịch sử Đảng bộ. Kết quả từ việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, sách lịch sử truyền thống đã và đang góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và bảo vệ lịch sử Đảng.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, liên tục. Hầu hết mới tập trung vào dịp kỷ niệm các ngày lễ, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của quê hương, đất nước. Kinh phí phục vụ công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng tại một số địa phương, đơn vị, nhất là cấp cơ sở còn khó khăn... Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Ban TVTU tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng để bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử Đảng ở các cấp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng; chú trọng đặc biệt đến thế hệ trẻ. Thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung chương trình, đề cương bài giảng môn lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử địa phương để giảng dạy trong Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện và các trường phổ thông… đảm bảo phù hợp với từng đối tượng trong tình hình mới. Tổ chức tốt các hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa. Từ đó, tạo động lực tinh thần to lớn để cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tạo cơ sở để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước./.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin