Những năm qua, Tỉnh ủy Nam Định đã tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo cáo viên và công tác tuyên truyền miệng, phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Các đồng chí báo cáo viên thành phố Nam Định đi thực tế mô hình sản xuất tại Công ty Cổ phần Nam Tiệp (Cụm công nghiệp An Xá). |
Bám sát Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, đưa hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả. Đội ngũ báo cáo viên các cấp của tỉnh được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chú trọng năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, có cơ cấu và số lượng hợp lý, hoạt động nền nếp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu, quản lý, theo dõi, hướng dẫn hoạt động của đội ngũ báo cáo viên và kịp thời tham mưu cho cấp ủy kiện toàn, bổ sung đội ngũ báo cáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đến nay, toàn tỉnh có 452 đồng chí báo cáo viên gồm: 4 đồng chí báo cáo viên Trung ương, 46 đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh, 402 đồng chí báo cáo viên cấp huyện và gần 2.500 tuyên truyền viên cơ sở. Công tác quản lý hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp được chú trọng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên và hoạt động tuyên truyền miệng trong toàn Đảng bộ.
Bên cạnh đó, nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Duy trì tốt việc tổ chức hội nghị báo cáo viên định kỳ hàng tháng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến từ Trung ương đến cấp xã. Hàng năm, toàn ngành tuyên giáo tổ chức 11-12 hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh, khoảng 120 hội nghị báo cáo viên cấp huyện và hơn 1.000 hội nghị báo cáo viên cấp cơ sở. Từ 2007 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 20.792 hội nghị báo cáo viên với khoảng 625.786 lượt người nghe, nội dung tập trung tuyên truyền, giải thích, làm rõ những vấn đề lớn trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế nổi bật được dư luận quan tâm; về tình hình an ninh chính trị, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh. Nhiều báo cáo viên tích cực đổi mới phương pháp tuyên truyền, chuẩn bị bài giảng bằng giáo án điện tử, sử dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, nâng cao chất lượng bài giảng, thu hút sự chú ý của người nghe. Đồng thời lồng ghép nội dung quán triệt, học tập, triển khai các văn bản mới của Trung ương và của tỉnh vào các hội nghị báo cáo viên và được tổ chức trực tuyến đến cấp cơ sở.
Cùng với củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tỉnh tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên. Đặc biệt, trước những vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã chủ động, kịp thời mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan đến trao đổi, cung cấp thông tin, đồng thời định hướng tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên những năm qua là chú trọng đổi mới về phương pháp tuyên truyền theo hướng đa dạng, sinh động, hấp dẫn, thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức của đối tượng tuyên truyền, áp dụng tối đa và nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, thay đổi báo cáo viên theo từng nội dung chuyên đề, chú trọng cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, tình hình biển, đảo, tình hình quốc tế... Trong 2 năm 2020, 2021 và những tháng đầu năm 2022, để thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc tổ chức bằng hình thức trực tuyến đã đem lại hiệu quả rõ rệt, chất lượng thông tin được chuyển tải trực tiếp, kịp thời, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho cơ sở, đảm bảo thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều đơn vị thường xuyên mở điểm cầu đến cấp cơ sở với số lượng điểm cầu lớn, số đại biểu tham dự đông. Nội dung thông tin bảo đảm được tính toàn diện; nâng cao tính thời sự, tính định hướng, tính chiến đấu và thiết thực.
Với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên và công tác tuyên truyền miệng của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Trong hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 75 hội nghị thông tin tình hình thời sự tới 15.969 cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức hàng nghìn lớp quán triệt các nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp cho hàng trăm nghìn lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập; tổ chức quán triệt kịp thời các kết luận, nghị quyết chuyên đề các cấp cho cán bộ, đảng viên; tổ chức hàng nghìn lớp bồi dưỡng chính trị hè cho hàng trăm nghìn lượt cán bộ, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục…
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng trong thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên. Thực hiện tốt phương châm “hướng về cơ sở”, chủ động tiếp nhận thông tin, tăng cường đối thoại, trao đổi, giải đáp những băn khoăn thắc mắc của người nghe, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong nhận thức cũng như trong hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên các cấp; xây dựng đội ngũ báo cáo viên đủ số lượng, đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, sử dụng các phương pháp tuyên truyền miệng phù hợp, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, tạo ra sức mạnh tổng hợp góp phần thực hiện toàn diện nhiệm vụ chính trị, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước./.
Bài và ảnh: Trần Thanh Thuỷ
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin