Vị thế mới của Thành Nam anh hùng

07:46, 30/06/2023

Chỉ còn 1 năm nữa, sang năm 2024, sẽ kỷ niệm tròn 70 năm giải phóng thành phố Nam Định khỏi ách đô hộ, chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược. Thành Nam - một đô thị cổ đã có nền móng từ thế kỷ XIII, đơn vị hành chính thành phố Nam Định đã có trên 100 năm tuổi, từng bị tàn phá bởi bom đạn trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; cũng từng là một trong 3 trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Trải qua gần 7 thập kỷ xây dựng, mặc dù có những bước thăng trầm, song đến nay, Thành Nam vẫn từng bước xây dựng và phấn đấu xứng đáng vị thế đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng - một nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị xác định trong một Nghị quyết quan trọng.

Thành phố Nam Định trên đường phát triển.
Ảnh: Viết Dư

Thành phố Nam Định trên đường phát triển.

Ảnh: Viết Dư

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; các nghị quyết chuyên đề toàn khóa và các chương trình, nhiệm vụ chính trị lớn, hướng tới xây dựng thành phố Nam Định thông minh, hiện đại, từng bước trở thành đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và sự phối hợp của các địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực không ngừng, khắc phục những khó khăn chưa từng có tiền lệ (đại dịch COVID-19) để vươn lên. Để tạo bước đột phá, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 21-6-2021 về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 21-6-2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 21-6-2021 về “Nâng cao năng lực quản lý đô thị, trọng tâm là trật tự xây dựng đô thị, kỷ cương và văn minh đô thị thành phố Nam Định, giai đoạn 2021-2025”.

Bằng nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng bộ, thành phố nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Tình hình kinh tế - xã hội của thành phố đã duy trì ổn định và có bước phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. 6 tháng năm 2023, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp. Thành phố ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Giá trị sản xuất công nghiệp thành phố quản lý 6 tháng đạt 16.605 tỷ đồng, tăng 12,84% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 664 triệu USD. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 1.547 tỷ đồng, đạt 69% dự toán tỉnh và thành phố giao và bằng 135% so cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 5.779 tỷ đồng, tăng 8% so cùng kỳ; tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách đạt 140.334 triệu đồng với 3.128 khách hàng có dư nợ. Có 66 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp (CCN) An Xá, tạo việc làm cho hơn 3.400 lao động; tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp trong CCN An Xá đạt 1.550 tỷ đồng; doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.850 tỷ đồng. Thành phố đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở đợt 1 tại các Khu tái định cư Đồng Quýt, Đông Mạc (Nam Bốt đỏ Phù Nghĩa), Đông Đông Mạc, Cửa Nam (vườn hoa Đò Quan), Liên Hà 1 và khu đô thị mới Tây Đông Mạc với 71 thửa, diện tích 5.048,7m2.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; thu hút đầu tư phát triển hệ thống thương mại văn minh, hiện đại, đa dạng và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Chú trọng phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích,... Hiện nay, trên địa bàn thành phố, hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh, ngày càng được nâng cấp về quy mô và chất lượng dịch vụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại thu hút người tiêu dùng: các siêu thị lớn của các tập đoàn, công ty bán lẻ như GO!, Co.opMart, Nguyễn Kim, MediaMart... Một số thương hiệu đã đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi như Vinmart, Thế giới sữa, Minmart, Thành Nam Food. Tập trung xây dựng và phát triển thành phố Nam Định theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Mở rộng địa giới hành chính thành phố; đã hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Nhiều dự án, công trình có tính điểm nhấn về hạ tầng, kiến trúc cảnh quan được đưa vào sử dụng như: Cải tạo, nâng cấp cảnh quan hồ Vị Hoàng; hè đường các tuyến phố nội thành; dự án xây dựng đường trục trung tâm phía nam thành phố Nam Định; dự án xây dựng đường gom Quốc lộ 10; khởi công cầu, đường qua sông Đào; cải tạo quảng trường Hòa Bình; các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư mới: Nguyễn Công Trứ, Lương Thế Vinh; Liên Hà, Lộc Vượng. Đang triển khai thi công các công trình: Cải tạo hè đường Trần Hưng Đạo; xây dựng khu đô thị đường Nguyễn Công Trứ, cải tạo nâng cấp đường Hàn Thuyên; xây dựng khu đô thị mới phía Nam sông Đào giai đoạn 1; xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi... Chuẩn bị đầu tư và đấu thầu các dự án: Cải tạo, nâng cấp đường Trần Nhân Tông và đường Song Hào (đoạn từ đường Trần Nhật Duật đến cầu Song Hào), Khu dân cư tập trung Vạn Diệp (xã Nam Phong), Khu dân cư tập trung Lương Xá (phường Lộc Hòa); xây dựng khu dân cư tập trung Hùng Vương (xã Nam Phong), khu dân cư tập trung phường Lộc Hòa, Lộc Vượng và khu dân cư tập trung Địch Lễ (xã Nam Vân). Thành phố Nam Định là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Nghị quyết số 17 của Chính phủ; hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện ở mức độ 4. Hiện nay, 100% cơ quan Nhà nước thuộc UBND thành phố đều có mạng LAN nội bộ kết nối internet và mạng Truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ, đảm bảo liên thông 4 cấp; 100% văn bản đến, đi được gửi, nhận trên Trục liên thông quốc gia. Bộ phận "một cửa" của thành phố và 25 xã, phường đã triển khai việc thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định cho biết: Năm 2023 và cả nhiệm kỳ, thành phố quyết tâm thực hiện thắng lợi các giải pháp có tính “đột phá” trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế. Làm tốt công tác quy hoạch; công khai và quản lý quy hoạch gắn với quản lý tốt tài nguyên, môi trường. Tổ chức thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan để thực hiện điều chỉnh chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu mở rộng địa giới hành chính, xây dựng thành phố Nam Định trở thành một thành phố xanh, thông minh, thân thiện với môi trường với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Xây dựng thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển. Vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh. Vùng phát triển đô thị về phía tây và tây bắc (Mỹ Lộc), hình thành các khu vực đô thị tổng hợp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và trung chuyển đầu mối giao thông, hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu, cụm công nghiệp. Vùng phát triển đô thị về phía nam và đông nam thành phố, hình thành đô thị dịch vụ, thương mại, phát triển vùng sinh thái nông nghiệp nam sông Đào gắn với khai thác tuyến đường trục vành đai 1, đường trục mới song song Quốc lộ 21B nhằm phát triển đô thị đại học, sản xuất công nghiệp, trung chuyển hàng hóa. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo ra nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị tăng. Đa dạng hóa các ngành dịch vụ thương mại. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh. Cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư các công trình trên địa bàn thành phố theo quy hoạch địa giới hành chính được mở rộng. Thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Tập trung khai thác, huy động mọi nguồn lực từ ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại theo hướng ưu tiên các nguồn vốn cho các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường. Đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật. Thực hiện hiệu quả việc khai thác, huy động nguồn lực từ quỹ đất và các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển. Nâng cao năng lực quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị, từng bước xây dựng thành phố thông minh. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội./.

Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com