Luyện nét chữ, rèn nết người

04:06, 11/06/2021

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh, không ít người cho rằng việc viết chữ đẹp hay xấu không còn quan trọng. Thế nhưng đối với nhiều người, luyện chữ đẹp không chỉ để viết đẹp mà còn góp phần rèn cho người viết tính cẩn thận, kiên nhẫn, chăm chỉ và khéo léo... Hơn thế nữa, luyện nét chữ còn góp phần rèn tính cách mỗi con người đúng như người xưa nói “Nét chữ - Nết người”.

Cô giáo Trần Thị Phượng bên bài thi trình bày bảng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Cô giáo Trần Thị Phượng bên bài thi trình bày bảng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Ý thức được việc rèn chữ đẹp cho con trẻ là một phần quan trọng trong quá trình học tập sau này của con, ngay từ những năm tháng đầu tiên con chuẩn bị cắp sách đến trường, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia những buổi rèn chữ viết. Đây là hình thức kết hợp hài hòa, bổ ích giữa “học mà chơi - chơi mà học”. Đối tượng tham gia rèn chữ là học sinh tiền tiểu học, tiểu học. Vốn có đức tính chăm chỉ rèn chữ, viết chữ đẹp ngay từ nhỏ nên cô Trần Thị Phượng mong ước trở thành giáo viên để “mang con chữ” đến với trẻ em. Khi còn là sinh viên ngành Sư phạm tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, cô Phượng đã tham gia viết chữ đẹp và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi nghiệp vụ sư phạm. Năm 2011, cô Phượng được nhận vào công tác tại Trường Tiểu học A Hiển Khánh (Vụ Bản); đến năm 2014, cô chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định). Là một trong những giáo viên tâm huyết rèn học sinh viết chữ đẹp, cô giáo Phượng quan niệm: “Muốn viết chữ đúng, chữ đẹp thì tư thế ngồi, cách cầm bút rất quan trọng. Cách cầm bút đúng là ba ngón tay, cái, trỏ, giữa chụm vào sao cho các đầu ngón tay bằng nhau. Ngón út và áp út đưa vào trong; sau đó, giữ nguyên ngón giữa và ngón cái, mở ngón trỏ ra, đặt bút vào giữa đốt đầu tiên của ngón giữa và phần thịt hõm tay giữa ngón cái và ngón trỏ sao cho bút thăng bằng, không rơi là được. Bao giờ bút cũng đặt vào phần mềm của tay vì như vậy, khi viết sẽ không bị đau tay. Nếu đặt vào các khớp sẽ bị chai tay. Cổ tay và ngón tay đưa ra, đưa vào để viết thì sẽ không bị mỏi tay”. Khi đã có tư thế đúng, các em sẽ được dạy viết từng chữ cái, từng con số, đến lúc thành thạo, đẹp mới chuyển qua ráp vần. Có em chỉ hơn hai tuần luyện tập là có thể viết một bài thơ với nét chữ rất đẹp, đôi khi lại tự sáng tạo ra những nét chữ lạ nhưng có bạn phải rèn mấy tháng mới có thể viết đúng và tương đối đẹp. Cô Phượng chia sẻ thêm: “Nếu yêu cầu viết đẹp và sáng tạo thì phụ thuộc nhiều vào năng khiếu nhưng nếu chỉ cần viết đúng, rõ thì hầu như ai sau quá trình rèn luyện cũng đều đạt được”. Ngoài hỗ trợ học sinh, giáo viên, cô Phượng còn thường xuyên tự rèn giúp nét chữ hoàn thiện và sáng tạo hơn. Sau nhiều năm luyện viết, đến nay chữ viết của cô đã đạt chuẩn theo ý muốn với nét chữ đổi mới mang ý tưởng, sắc thái riêng. Giai đoạn tiểu học là lúc định hình nét chữ của mỗi người. Đôi khi chỉ qua chữ viết của một người, ta có thể nhận ra một vài nét trong tính cách của họ. Chữ viết đúng chính tả, sạch, đẹp, rõ ràng không chỉ giúp dễ hiểu mà còn tạo thiện cảm với người đọc. Chữ viết cũng là biểu hiện của nết người. Dạy học sinh viết đúng, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và lòng tự trọng. Bởi vậy, ngay từ khi các em mới biết cầm bút, giáo viên nên chú trọng hướng dẫn trẻ nắn nót từng nét chữ, giúp trẻ hiểu và hứng thú với việc rèn luyện chữ viết, đồng thời nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức gìn giữ vở sạch, chữ đẹp. Dù tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng từ sự đam mê và trách nhiệm với nghề, cô Phượng đã truyền cảm hứng luyện chữ đẹp cho học sinh và giáo viên trong, ngoài trường. Năm học 2019-2020, 3 học sinh lớp 4A5 do cô chủ nhiệm và lớp 2A7 tham gia viết chữ đúng và đẹp cấp thành phố đều đạt giải. Trong đó 3 học sinh lớp cô tham gia dự thi đều đoạt giải Nhất, 1 học sinh lớp 2A7 đoạt giải Nhì và 1 học sinh lớp 2A7 đoạt giải Ba cấp thành phố. Bên cạnh đó, cô còn đăng kí một khóa luyện chữ đẹp online và tham gia nhiều nhóm chữ trên facebook. Qua đó, cô Phượng cảm nhận tình yêu chữ và được truyền cảm hứng từ những người bạn qua mạng xã hội facebook. Khi giao lưu trong các nhóm chữ đó, cô bắt gặp hình ảnh một anh công nhân lái máy xúc nhưng viết thư pháp vô cùng tài hoa; một chú bộ đội vẽ chân dung tặng bạn bè kèm theo những câu châm ngôn ý nghĩa viết bằng nhiều phông chữ khác nhau; một giáo viên mỹ thuật không ngày nào không viết, quay và đăng bài chữ đẹp lên các nhóm… Tất cả những hình ảnh đó càng thôi thúc cô Phượng rèn luyện để hoàn thiện chữ viết cho chính bản thân. Năm học 2020-2021, 6 học sinh do cô hướng dẫn tham gia viết bài thi chữ đúng và đẹp cấp thành phố, cả 6 em đều đạt giải, trong đó có em Phạm Tường Vi lớp 3A1 xếp thứ hạng đầu tiên trong những học sinh đoạt giải Nhất cấp thành phố và được chọn nộp bài thi cấp tỉnh.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, khi việc đánh máy trên các thiết bị công nghệ “lên ngôi” thì những người tâm huyết với phong trào viết chữ đẹp, những lớp học luyện chữ được thành lập như một nốt trầm lặng lẽ giữa cuộc sống. Tuy nhiên dù ở thời đại nào, nét chữ viết tay vẫn luôn mang một vai trò nhất định mà không một loại máy móc nào có thể thay thế. Thông qua đó, luyện chữ đẹp còn giáo dục tính kiên trì, cẩn thận, tinh thần kỷ luật và óc thẩm mỹ. Ngoài ý nghĩa đó viết chữ đẹp còn nhằm tôn vinh vẻ đẹp của chữ Việt và thể hiện sự gìn giữ giá trị văn hóa Việt./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com