Theo báo cáo, hiện nay toàn tỉnh có trên 108 nghìn trẻ em được chăm sóc, giáo dục trong 231 trường mầm non (228 trường công lập, 3 trường tư thục) và 81 cơ sở mầm non ngoài công lập. Ở lứa tuổi mầm non, trẻ hiếu động, thích tự khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh trong khi khả năng ứng phó để tự bảo vệ bản thân còn hạn chế nên tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ bất cứ lúc nào. Xác định đảm bảo an toàn cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, ngành GD và ÐT đã quan tâm chỉ đạo thực hiện việc đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất cũng như tinh thần cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN).
Cô và trò Trường Mầm non Mỹ Tân (Mỹ Lộc) trong một giờ học. |
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Bộ GD và ÐT, Sở GD và ÐT chỉ đạo phòng GD và ÐT các huyện, thành phố tham mưu UBND các cấp ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý để đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ, thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương. Các phòng GD và ÐT phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở GDMN để nhắc nhở, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở GDMN thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn cho trẻ, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Sở GD và ÐT phối hợp các ngành liên quan bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và cốt cán về các nội dung đảm bảo an toàn cho trẻ như: Chăm sóc nuôi dưỡng, kỹ năng xử lý các tình huống sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng tránh một số bệnh thường gặp đối với trẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Sau đó Phòng GD và ÐT các huyện, thành phố triển khai tập huấn các nội dung trên tới 100% cán bộ, giáo viên các cơ sở GDMN. Vào cuối mỗi năm học, UBND các huyện, thành phố cấp giấy chứng nhận “Trường học an toàn” cho các trường mầm non có đủ điều kiện theo quy định. “An toàn trường học” được đưa vào tiêu chuẩn để công nhận trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn với các tiêu chí cụ thể được quy định tại Ðiều 7, Quyết định số 94/QÐ-SGDÐT ngày 22-2-2019 của Sở GD và ÐT về cơ sở vật chất hạ tầng, thiết kế lắp đặt chương trình hoạt động, sử dụng khai thác… Thực hiện các quy định của ngành hầu hết các cơ sở GDMN đã chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được đầu tư đồng bộ, phù hợp độ tuổi, thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động tại trường, lớp. Giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, phát huy tính tích cực của trẻ, không gây áp lực đối với trẻ. Ða số các cơ sở GDMN thực hiện hợp đồng mua thực phẩm với những đơn vị cung ứng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Các bếp ăn được bố trí theo nguyên tắc “một chiều”, đảm bảo chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Trong thời gian qua chưa xảy ra tình trạng mất an toàn hoặc ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở GDMN. Ðặc biệt, trong thời gian trẻ nghỉ phòng, chống dịch COVID-19, các cơ sở GDMN đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức các hoạt động vui chơi tại nhà cho trẻ; nắm bắt tình hình, chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ em. Nhiều đơn vị đã sáng tạo trong việc xây dựng và chia sẻ các video với các cách làm, các giải pháp hay về đảm bảo an toàn cho trẻ, tư vấn dinh dưỡng, giáo dục thể chất, kỹ năng sống cho trẻ, phối hợp với cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ. Tiêu biểu như các đơn vị giáo dục: Thành phố Nam Ðịnh, các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số trường mầm non thiếu diện tích, khuôn viên nhỏ hẹp đặc biệt ở khu vực thành phố. Một số trường xây dựng đã lâu năm nên cơ sở vật chất xuống cấp, ảnh hưởng đến việc xây dựng môi trường học tập của trẻ. Sĩ số trẻ trong lớp đông, trong khi số giáo viên chưa đủ so với quy định nên khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Cùng với việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện để đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ thì cần kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm và thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tại các cơ sở GDMN. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tình yêu thương trẻ trong đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; có biện pháp giảm áp lực làm việc cho giáo viên. Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ./.
Bài và ảnh: Minh Thuận