Dạy và học trong mùa dịch COVID-19

07:03, 23/03/2020

Trong hơn 2 tuần qua, các cô giáo Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các phương pháp giảng dạy mới để có thể mang đến cho học sinh những buổi học trực tuyến sinh động, hiệu quả khi phải nghỉ do dịch COVID-19. Điển hình như phương pháp sử dụng phần mềm zoom - một phương pháp dạy và học trực tuyến cho giáo viên và học sinh đang được phần lớn giáo viên của trường sử dụng. Theo đó, bài giảng của giáo viên được thực hiện trên máy tính hoặc điện thoại. Giáo viên và học sinh có thể tương tác trên camera trong quá trình giảng bài, giáo viên phải chuẩn bị chủ đề trước khi lên lớp và cung cấp cho học sinh những lời giải cho vấn đề gặp phải. Toàn bộ thời gian học sẽ dành cho các hoạt động giảng dạy, ứng dụng lý thuyết bài giảng vào giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Quá trình học, giáo viên đóng vai trò là người giảng, là người hỗ trợ, giúp học sinh giải quyết những điểm khó hiểu trong bài học mới. Kết thúc một buổi học của học sinh lớp 9 chuyên Anh, cô giáo Lý Lan Anh nhận xét: “Chất lượng buổi học tương đối tốt, các em hoàn thành tốt mọi yêu cầu của giáo viên”.

Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) hướng dẫn học sinh đeo khẩu trang và sát khuẩn tay đúng cách trước khi vào lớp.
Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) hướng dẫn học sinh đeo khẩu trang và sát khuẩn tay đúng cách trước khi vào lớp.

Theo nhận xét của phụ huynh học sinh thì học theo phương pháp này, các em có thể học ở bất cứ đâu nếu có wifi, máy tính, điện thoại thông minh và đỡ mất thời gian đi lại. Ngoài các bài giảng của thầy cô bộ môn trên phần mềm zoom, giáo viên bộ môn khuyến khích học sinh có thể tham khảo phần kiến thức đại trà (lý thuyết) trong bài giảng của các thầy cô giáo cùng khối lớp trên chương trình “Học trên truyền hình” phát trên kênh 1, Đài PT và TH Hà Nội. Phần bài tập thì tham khảo ở cả chương trình thí điểm và sách giáo khoa cũ... Một học sinh lớp 9 chuyên Anh của trường cho biết: “Học online giúp em phát biểu thoải mái cùng các bạn mà không phải giơ tay đứng lên phát biểu như ở lớp. Ngoài ra, nếu bỏ lỡ bài học trên truyền hình vào giờ phát sóng, em có thể xem lại bài giảng trên Youtube, hoặc có thể xem lại bài giảng của thầy, cô để ôn tập, củng cố kiến thức”.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, từ giữa tháng 2, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục chuyển sang hình thức giảng dạy và học tập trực tuyến với nhiều hình thức đa dạng, như: tham khảo các phần mềm: hocmai.vn, cunghoc.vn, youtube.com; áp dụng các phương pháp dạy học trực tuyến qua các phần mềm hoặc mạng xã hội (có sự tương tác của học sinh) như: zoom, facebook, zalo, webinar...; biên soạn bài giảng powerpoint theo hình thức E-learning gửi học sinh… Chị Trần Thị Thuỷ, một phụ huynh có con đang học lớp 9 Trường THCS Trần Đăng Ninh cho biết, năm nay cháu thi chuyển cấp vào lớp 10 nên việc học tập của con bị gián đoạn do phải nghỉ khiến chị rất sốt ruột. Thế nhưng, từ khi biết được chương trình dạy học trên truyền hình, cùng với việc hàng ngày chị nhận các phiếu bài tập giáo viên gửi qua gmail, zalo để chị in ra cho con làm và gửi báo cáo kết quả, thì chị đã yên tâm vì con chị vẫn có thể duy trì việc học ở nhà qua sự hướng dẫn của các thầy cô bộ môn thông qua các phần mềm học online. Lớp học trực tuyến vẫn điểm danh để giáo viên nắm được số học sinh theo dõi bài giảng. Trong giờ học các con tương tác khá tốt, chỗ nào không hiểu có thể inbox riêng cho cô. Chị Thuỷ cũng cho biết thêm: “Qua một thời gian theo dõi, mặc dù không thể bằng học trên lớp, nhưng với cách dạy học, điểm danh mỗi buổi, tôi thấy phương pháp này tương đối hiệu quả giúp con tôi củng cố kiến thức, phấn chấn trong học tập”. Để hỗ trợ học sinh học tập tại nhà, cùng với sự nỗ lực của Sở GD và ĐT, các Phòng GD và ĐT, một số trường học trên địa bàn tỉnh cũng đang tiên phong trong việc áp dụng các hình thức giảng dạy trực tuyến. Nhiều thầy cô giáo tham gia dạy học trực tuyến khẳng định, việc học trực tuyến chỉ thực sự có hiệu quả khi các ứng dụng đảm bảo tương tác tốt với người học để có thể kiểm tra, đánh giá kết quả học chứ không chỉ giao việc một chiều, cập nhật bài giảng điện tử một chiều từ phía giáo viên. Do vậy, bên cạnh việc giáo viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng các bài giảng và những câu hỏi thảo luận có chất lượng để học sinh cùng tương tác thì học sinh cũng cần có thêm nhiều lựa chọn cách tiếp cận, tài liệu học tập, tham khảo phải thật đa dạng, phong phú. Để hướng dẫn, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh các lớp cuối cấp dạy và học thuận lợi, ngày 2-3, Sở GD và ĐT ban hành Công văn 254/SGDĐT-GDTrH gửi Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố; các trường THPT trong toàn tỉnh về việc thông báo chương trình ôn tập cho học sinh lớp 9, 12. Theo đó, bắt đầu từ ngày 3-3, Sở GD và ĐT phối hợp với Đài PT-TH tỉnh và Công ty Truyền thông DQT Hà Nội tổ chức sản xuất chương trình ôn tập các môn học năm học 2019-2020 dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Chương trình ôn tập cho học sinh lớp 9 THCS được phát hàng ngày theo các khung giờ quy định gồm các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Chương trình ôn tập cho học sinh lớp 12 THPT được đăng tải trên youtube. Tuy nhiên, Sở GD và ĐT cũng khuyến cáo, để việc học tập đạt hiệu quả cao, ngoài các bài giảng phát trên Đài PT-TH Nam Định, học sinh có thể theo dõi thêm chương trình dạy học cùng khối lớp trên Đài PT-TH Hà Nội. Các học sinh cũng có thể tham khảo chương trình “Lớp học không khoảng cách” của Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC phát sóng bắt đầu từ ngày 6-3-2020. Trong thời gian tạm nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, Sở GD và ĐT cũng thường xuyên có văn bản chỉ đạo việc giúp học sinh ôn tập, hệ thống các kiến thức trọng tâm của các môn học trong năm học 2019-2020.

Bên cạnh những mặt tích cực thì theo phản hồi của giáo viên và học sinh, việc dạy và học trực tuyến cũng có những hạn chế nhất định như: Quá trình học còn phụ thuộc vào chất lượng đường truyền internet tốt hay xấu; những học sinh không có phòng độc lập dễ bị yếu tố môi trường xung quanh tác động đến sự tập trung; học trực tuyến đòi hỏi tinh thần tự giác cao của mỗi học sinh… Để chuẩn bị cho các buổi học hiệu quả, học sinh cần có máy tính, điện thoại kết nối internet chất lượng cao, không gian yên tĩnh, nên dùng headphone và tránh mở loa rời. Học sinh cũng nên có mặt trước 10-15 phút để điểm danh và chuẩn bị các điều kiện khác cho buổi học. Phụ huynh học sinh thường xuyên chủ động kiểm tra email, zalo, messenger để theo dõi các phản hồi, các thông báo mới nhất của giáo viên để khắc phục những khó khăn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong giảng dạy và học tập./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com