Cùng với việc dạy văn hóa, những năm qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Qua đó, đã giúp học sinh có kiến thức cơ bản về pháp luật, biết tự bảo vệ, xử lý tình huống liên quan đến pháp luật.
Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Yên Ninh (Ý Yên) tìm hiểu các tín hiệu biển báo giao thông. |
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh được ngành Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình chính khóa ở cả ba cấp học. Ngoài lồng ghép vào một số bộ môn, các nội dung liên quan đến pháp luật được thể hiện rõ ở 2 môn Đạo đức và Giáo dục công dân. Riêng các trường tiểu học triển khai mô hình “trường học mới”, học sinh còn được tiếp cận với các vấn đề pháp luật thông qua môn Giáo dục lối sống. Với học sinh bậc trung học phổ thông, các kiến thức pháp luật quan trọng, gần gũi với cuộc sống được đưa vào chương trình bộ môn Giáo dục công dân lớp 12. Qua đó, giúp các em hiểu và nhận thức rõ về pháp luật và đời sống, pháp luật với sự phát triển của đất nước, công dân với các quyền tự do cơ bản,... Đặc biệt, từ năm học 2016-2017, bộ môn Giáo dục công dân được đưa vào tổ hợp môn xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong học đường. Bên cạnh đó, ở hầu hết các trường học, việc giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực trong trường học, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh đã được lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp và ở một số môn học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, các trường học còn phối hợp với Đoàn Thanh niên, Công an địa phương giáo dục cho học sinh những kiến thức pháp luật cần thiết, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Với những hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật trong học sinh như: Tọa đàm, trao đổi, phát hành tờ rơi, tổ chức hội thảo, sinh hoạt lớp theo chủ đề, ngoại khóa giáo dục pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các tổ chức Đoàn, Đội trong các nhà trường thường xuyên hướng các em đọc những câu chuyện ngụ ngôn, đạo đức, những tác phẩm văn học mang tính nhân văn; tăng cường các trò chơi vận động ngoài trời giúp các em rút ra các bài học, khả năng ứng xử thân thiện trong mọi tình huống, giải quyết hợp lý các mâu thuẫn trong cuộc sống... Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng tùy theo hoàn cảnh thực tế để các nhà trường triển khai có hiệu quả; trong đó học sinh thành phố tập trung vào các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội, trò chơi điện tử bạo lực hay tệ nạn ma túy, cờ bạc, khả năng ứng xử thân thiện, khả năng làm việc theo nhóm, khả năng hoạt động xã hội… Bên cạnh đó, các trường quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, giáo viên, học sinh qua các buổi sinh hoạt, tiết chào cờ đầu giờ; xây dựng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở phù hợp với tình hình của địa phương, củng cố và xây dựng tủ sách pháp luật tại thư viện nhà trường. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Giao thông đường bộ để nâng cao tính tự giác của học sinh khi tham gia giao thông, không bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Bên cạnh việc phổ biến luật, các trường còn vận động học sinh xây dựng “Văn hoá giao thông”, học tập các nội dung về phòng, chống tội phạm, AIDS, ma tuý, mại dâm và phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; tổ chức cho học sinh kí cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực học đường; quản lý giáo dục học sinh hư, chậm tiến, vi phạm pháp luật để các em dần thay đổi nhận thức và hành vi. Việc cung cấp thêm thông tin về pháp luật giúp học sinh hiểu rõ hơn về pháp luật, có cách cư xử đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật cho phép. Để các kiến thức pháp luật trở nên sinh động và gần gũi hơn với học sinh, nhiều cuộc thi được tổ chức như: “Chúng em tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ”, thi vẽ tranh “Chúng em với an toàn giao thông”, phát động cuộc thi “Giao thông thông minh” đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở… Trong tháng 2-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông tỉnh và Công ty Toyota Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn dành cho giáo viên và học sinh cấp tiểu học, với các nội dung: tìm hiểu kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn; vẽ tranh tập thể theo đề tài an toàn giao thông; trình diễn, thể hiện năng khiếu thơ ca, hò vè về chủ đề an toàn giao thông. Tại chương trình giao lưu, các giáo viên đến từ các trường tiểu học đã tham gia các nội dung: thực hành 1 bài dạy về giáo dục an toàn giao thông và tham gia hội thảo, tham luận về “Đổi mới phương pháp giáo dục an toàn giao thông trong trường tiểu học”. Với nhiều hoạt động sôi động, phong phú, chương trình giao lưu đã giúp học sinh được học hỏi, tuyên truyền kỹ năng tham gia giao thông an toàn, từng bước xây dựng văn hóa giao thông góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Với sự phối hợp hiệu quả giữa ngành Giáo dục và Đào tạo và Đoàn Thanh niên, đến nay, tổ chức Đoàn các cấp, trong đó có tổ chức Đoàn trong các nhà trường đã xây dựng, duy trì hoạt động được trên 735 câu lạc bộ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên; 785 đội thanh niên xung kích, 542 đội thanh niên tự quản, thiếu niên sao đỏ; tổ chức cho 100% đoàn viên, thanh niên khối trường học ký các cam kết: không vi phạm pháp luật, không sử dụng ma túy, tích cực tham gia phát hiện tố giác tội phạm; phòng chống ma túy, bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật khác… Đẩy mạnh công tác phòng chống bạo lực học đường, ma túy trong học sinh, sinh viên, tổ chức Đoàn, lực lượng Công an và ngành Giáo dục kết hợp kịp thời trong công tác nắm tình hình, điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến học sinh, sinh viên; cung cấp, trao đổi thông tin về các trường hợp học sinh cá biệt có biểu hiện vi phạm pháp luật để phối hợp quản lý, giáo dục. Thực tế ý thức tuân thủ pháp luật của học sinh đã được nâng lên, các vụ việc nổi cộm về tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh không còn xảy ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp trong trường học vẫn còn khó khăn. Hiện tại, kinh phí để tổ chức cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa thường xuyên; vai trò của các đoàn thể đối với việc tham gia tuyên truyền pháp luật cho học sinh, sinh viên chưa cao. Nội dung bài giảng bộ môn giáo dục pháp luật ở nhà trường khô khan, biên soạn trên cơ sở bám sát văn bản pháp quy, không truyền cảm đối với cả người dạy và người học. Mặt khác một số thầy, cô giáo chưa qua đào tạo môn Giáo dục công dân nhưng vẫn được phân công để dạy nên chất lượng tiết học không cao. Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường, thời gian tới rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành; sự nhìn nhận đúng đắn về lợi ích của việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên, từ đó đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền mới, đa dạng, hiệu quả hơn./.
Bài và ảnh: Hồng Minh