Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở tỉnh ta đã có những bước tiến quan trọng.
Trao tặng học bổng bằng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó năm học 2018-2019. |
Thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ, phong trào xây dựng xã hội học tập ở tỉnh ta đã có bước tiến rõ nét. Các cấp Hội khuyến học đã triển khai mô hình ở tất cả các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh có 5.269 chi hội, 5.793 ban khuyến học, với 519.885 hội viên, bằng 28,1% dân số. Nhiều huyện có tỷ lệ hội viên cao như: Thành phố Nam Định 34,5%, huyện Ý Yên 34,0%, huyện Nam Trực 34%, huyện Trực Ninh 31,1%, huyện Xuân Trường 29,4%. Với phương châm hoạt động “Lấy khuyến học thôn làng làm nền tảng, khuyến học dòng họ là trung tâm, khuyến học gia đình là then chốt”, toàn tỉnh hiện có 344.712 gia đình của tỉnh đăng ký phấn đấu trở thành gia đình học tập; trong đó đã có 301.903 gia đình được công nhận là “Gia đình học tập”, chiếm tỷ lệ 52,58%. Toàn tỉnh cũng đã có 3.398 dòng họ đăng ký trở thành dòng học học tập, trong đó có 3.075 dòng họ được công nhận là “Dòng họ học tập”, đạt 69,1%; có 3.222 thôn, làng, tổ dân phố đăng ký trở thành cộng đồng học tập, trong đó có 2.585 cộng đồng đạt được danh hiệu này. Kết quả trên là do có sự phối hợp của Hội Khuyến học tỉnh với các ngành liên quan. Trong đó, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, kiểm tra đánh giá, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng học học tập”, “Cộng đồng học tập”, đồng thời phối hợp kiểm tra đánh giá hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Đến nay cả 229 trung tâm học tập cộng đồng ở 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh xếp loại hoạt động đạt yêu cầu, trong đó có trên 82,1% trung tâm được xếp loại khá, tốt. Năm 2018, toàn tỉnh đã có 1.131.752 lượt người tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng, trong đó có hơn một nửa số người học nghề, cập nhật kiến thức, tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, số người còn lại học tập các chuyên đề văn hóa, xã hội… Hội Khuyến học tỉnh cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020”, trong đó đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động lao động nông thôn học nghề tại các cơ sở dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên. Năm 2018, toàn tỉnh có 6.296 lao động được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động qua học nghề có việc làm, thu nhập ổn định đạt trên 80%. Các tổ chức khuyến học trong cùng địa bàn dân cư đã liên kết, hỗ trợ nhau hoạt động thường xuyên, liên tục, đồng bộ tạo thành phong trào thi đua chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Hằng năm, các tổ chức Hội Khuyến học tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục đào tạo, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, truyền thống hiếu học của quê hương, những gương sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài… Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc đã cùng với các tổ chức thành viên thường xuyên vận động đoàn viên, hội viên tham gia tích cực hoạt động khuyến học, đẩy mạnh tuyên truyền, giúp đỡ xây dựng tổ chức Hội Khuyến học vững mạnh. Ngoài ra, Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh xây dựng Quỹ học bổng Hoàng Ngân; Hội Cựu chiến binh xây dựng Quỹ khuyến học “Vòng tay đồng đội”, vận động hội viên tham gia phong trào học tập suốt đời, mở hơn 200 lớp học nghề cho hội viên. Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”; đến nay đã có 100% số công nhân lao động tại các khu công nghiệp có trình độ trung học phổ thông hoặc tương đương; ở các ngành nghề mũi nhọn có 70% số công nhân lao động có tay nghề cao.
Với việc triển khai thực hiện các mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vai trò của công tác khuyến học đã nâng lên một bước; thể hiện qua các tiêu chí của “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, tiến tới xây dựng xã hội học tập. Phong trào xây dựng xã hội học tập đã góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.
Bài và ảnh: Hồng Minh