Triển khai thí điểm từ năm 2012, đến nay tại nhiều trường tiểu học trong tỉnh, phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” đã góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục, đào tạo. Với những hiệu quả ưu việt, phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã được nhân rộng qua từng năm học.
Đã nhiều năm nay, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Thành phố Nam Định) luôn háo hức mỗi khi đến tiết học môn tự nhiên và xã hội hay môn khoa học. Nhiều tiết học của các môn này, giáo viên sử dụng phương pháp bàn tay nặn bột để giảng dạy. Trong tiết học, học sinh là chủ thể thực hiện các hoạt động giáo dục để khám phá kiến thức. Ví dụ như ở môn Khoa học lớp 4 với tiết dạy “Nước có tính chất gì?”, các em học sinh quan sát hai vật chứa nước cùng tiến hành thí nghiệm và rút ra kết luận. Dạy học theo phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải có sự chuẩn bị công phu cho mỗi giờ học; từ dụng cụ thí nghiệm, trang thiết bị học tập đến các tình huống có thể xảy ra trong quá trình học sinh làm thí nghiệm. Bởi khi bắt tay vào làm thí nghiệm, khi thấy có bất cứ hiện tượng gì xảy ra, các em đều đặt ngay câu hỏi cho giáo viên. Điều này đòi hỏi giáo viên phải vững kiến thức để cùng các em giải đáp các thắc mắc, lý giải các hiện tượng một cách khoa học. Việc áp dụng phương pháp bàn tay nặn bột giúp học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, giáo viên có thể khai thác những kiến thức trong đời sống thực tế của học sinh, từ đó giúp các em tự tìm hiểu và hình thành kiến thức mới của bài học. Tiết học nhờ vậy tạo được sự hứng thú cho học sinh vì bản thân các em tự tìm tòi để rút ra được tri thức; tinh thần làm việc nhóm của học sinh cũng được phát huy tối đa. Với phương pháp này, học sinh mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình, chủ động ghi lại những suy nghĩ, phán đoán, các giải thích, đề xuất…, góp phần rèn luyện kỹ năng diễn đạt, ngôn ngữ nói, viết, vẽ, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, khả năng lập luận để bảo vệ quan điểm của mình, khả năng hợp tác.
Thầy và trò Trường Tiểu học Trực Hưng (Trực Ninh) trong một giờ học theo phương pháp mới. |
Là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm, nghiên cứu,… trong đó chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng thí nghiệm, tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời. Mục tiêu của “Bàn tay nặn bột” là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học của học sinh, đồng thời rèn kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho các em. Quy trình của phương pháp này là học sinh tiếp cận với vấn đề đã được đặt ra, học sinh dự đoán điều gì sẽ xảy ra và phải làm gì để có kết quả, đồng thời ghi vào phiếu học tập của mình. Tiếp theo đó, các em bắt đầu thực nghiệm, thí nghiệm, có bạn quan sát, tham gia và ghi lại cả tiến trình. Sau khi thí nghiệm, các em kiểm chứng, đối chiếu kết quả thu được với dự đoán ban đầu để có thể đưa ra kết luận, khẳng định về hiện tượng, sự vật đó. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, thực hiện thí điểm dạy học theo phương pháp bàn tay nặn bột, đa số học sinh đã tích cực, chủ động trong các hoạt động học tập, tự xây dựng kiến thức thông qua khám phá, thử nghiệm, thảo luận, hợp tác với bạn dưới sự định hướng, giúp đỡ của giáo viên. Học sinh nắm vững kiến thức, phát triển năng lực nhận thức và tư duy sáng tạo; phát triển năng lực quan sát, thực hành; kỹ năng làm việc hợp tác theo nhóm, kỹ năng diễn đạt qua ngôn ngữ nói và viết… góp phần phát triển năng lực tự học, tác phong và thói quen độc lập suy nghĩ, sáng tạo trong hành động, lòng yêu thích và say mê khoa học. Chất lượng dạy học của các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” cao hơn hẳn. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, triển khai dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” cũng gặp phải những khó khăn như: Về chương trình, sách giáo khoa, cấu trúc chương trình sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội lớp 1, 2, 3, môn Khoa học lớp 4, lớp 5 hiện nay còn nặng về lý thuyết. Ở một số bài, lượng kiến thức cần cung cấp cho học sinh trong một tiết học tương đối nhiều. Nội dung bài học và những thí nghiệm cần tiến hành thường được trình bày ngay trong sách giáo khoa, do đó ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, khả năng suy nghĩ, đề xuất các thí nghiệm phát hiện kiến thức của học sinh, từ đó tạo ra cho học sinh tâm lý phụ thuộc vào sách giáo khoa. Mặt khác, hiện nay trang thiết bị phục vụ cho thí nghiệm ở các nhà trường chưa đầy đủ, một số thiết bị dạy học chưa bảo đảm tính khoa học, chính xác hoặc khó sử dụng. Việc sáng tạo các đồ dùng dạy học cho một số tiết dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” còn gặp khó khăn với cả giáo viên và học sinh, trong khi kinh phí để mua sắm, làm đồ dùng dạy học ở các cơ sở giáo dục hiện nay còn hạn chế. Đối với đội ngũ giáo viên, môn Khoa học, Tự nhiên và Xã hội thường được xem nhẹ hơn các môn học khác, do đó ít được đầu tư của các cấp quản lý giáo dục, của giáo viên trực tiếp giảng dạy. Mặt khác giáo viên dạy 2 buổi/ngày, dạy 3 đến 4 môn học trong một buổi, không có nhiều thời gian để chuẩn bị chu đáo cho các tiết dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Thực tế cũng cho thấy, mỗi tiết học chỉ có 35-40 phút nên các tiết dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” rất vội vàng và thường phải kéo dài hơn so với quy định, ảnh hưởng đến các tiết học khác. Vì vậy, khi giảng dạy áp dụng phương pháp này, giáo viên thường không dành thời gian cho học sinh tự suy nghĩ và thực hành mà gợi ý ngay các thí nghiệm cần làm hoặc làm ngay… Một số giáo viên không được đào tạo chuyên sâu về kiến thức khoa học thường gặp khó khăn khi trả lời các câu hỏi cũng như lý giải thắc mắc của học sinh… Theo nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, để tiếp tục phương pháp bàn tay nặn bột có hiệu quả, giáo viên cần lựa chọn bài dạy, nội dung phù hợp để áp dụng, không thực hiện máy móc, hình thức. Bên cạnh đó, giáo viên cần có cách làm khoa học, nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động, chuẩn bị trước các thí nghiệm dự kiến để có kết quả như mong muốn. Sử dụng phương pháp bàn tay nặn bột, giáo viên vất vả hơn, nếu không đam mê và chuẩn bị kỹ, tiết học sẽ không hiệu quả. Các nhà trường cũng cần khích lệ, tạo điều kiện cho giáo viên áp dụng phương pháp bàn tay nặn bột để tạo hiệu quả hơn trong truyền đạt kiến thức đến học sinh./.
Bài và ảnh: Hồng Minh