Quyển sách này mở ra…

09:06, 17/06/2016

“Cách đây 5 năm, từ khóa luận của một người bạn đại học, tôi đã nghĩ và tự hứa với mình, sẽ viết một cuốn sách giúp các thầy, cô giáo, học sinh dạy và học môn Văn nhàn hơn, ít phải ghi nhớ hơn”. Đây là lý do để Trịnh Văn Quỳnh, giáo viên bộ môn Văn, Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản) viết Sơ đồ tư duy Mind Map, học văn bằng tư duy sơ đồ hình ảnh. Từ sơ đồ này, để học, nắm vững kiến thức của một tác phẩm văn học, học sinh chỉ mất khoảng 1/3 thời gian so với cách học thuộc lòng môn Văn thông thường. 

Đột phá và sáng tạo
 
Ý tưởng dạy Văn học bằng sơ đồ được thầy giáo 8X học tập từ Tony Buzan - người sáng tạo ra phương pháp tư duy Mind Map (bản đồ tư duy). Trước đây và cả hiện nay nhiều học sinh vẫn cho rằng đã học văn là phải “nhọc công” ghi nhớ khối lượng kiến thức rất lớn. Những tác phẩm vốn đã dài khi phân tích lại càng dài hơn. Với hàng trăm tác phẩm trong chương trình THPT, lượng kiến thức mà các em phải nhớ lại càng “đồ sộ”. Nhưng với cách học văn bằng sơ đồ tư duy của thầy Quỳnh thì người học chỉ cần khoảng 1 tiếng để hoàn thành 1 sơ đồ trống đã được vẽ sẵn theo yêu cầu cho bất cứ một tác phẩm nào. Thậm chí, với một tác phẩm có khi phải phân tích dài đến 7, 8 trang giấy, học sinh chỉ cần tóm gọn các ý chính trong 2 trang sơ đồ. “Để điền được sơ đồ, học sinh cần có tư duy hình thành ý, logic và hình ảnh, tránh được việc viết lặp ý, trình bày lan man trong bài làm. Với cách học này, học sinh có thể viết ngắn gọn nhưng vẫn đạt điểm tối đa”, thầy Quỳnh nói. Trên lớp, thầy giáo trẻ chia học sinh thành các nhóm nhỏ, học sinh luyện vẽ sơ đồ tư duy trên giấy. Sau đó, cả lớp sẽ thống nhất để có một sơ đồ tư duy chung. Từ đó, mỗi người bằng năng lực cảm nhận của mình sẽ có những bài văn riêng, đảm bảo có luận điểm, luận cứ phù hợp với đáp án. Sau khi luyện tập vẽ quen bằng tay hoặc máy tính, học sinh sẽ có tư duy trong sáng, mạch lạc, khi vào phòng thi có thể không vẽ sơ đồ hoặc vẽ sơ lược vẫn hoàn thiện bài tốt. “Khi vẽ bản đồ tư duy giúp học sinh có những phân tích, lý luận bám sát vào bài học, đồng thời kích thích học sinh tưởng tượng thêm các hình ảnh mơ mộng”, Quỳnh nói. Là “dân” chuyên Văn Lê Hồng Phong chính hiệu, tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Giáo dục trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, Quỳnh về nhận nhiệm vụ giảng dạy môn Văn học tại Trường THPT Lương Thế Vinh từ năm 2011. Năm học 2014-2015, trước kỳ thi THPT quốc gia, học sinh khối lớp 12 có “yêu cầu” thầy giáo hệ thống toàn bộ các bài đã học. “Sẽ mất rất nhiều thời gian để tôi có thể hệ thống toàn bộ bài học. Hơn nữa, nếu với cách giảng, đọc, chép hiện tại, có khi ôn tập xong, học sinh chưa chắc đã nắm hết được kiến thức. Tôi trăn trở nhiều, quyết tâm viết sơ đồ tư duy Mind Map mà mình ấp ủ bấy lâu. Tôi đơn giản nghĩ, trước hết phục vụ cho mục đích giảng dạy, làm giáo trình”. Để thử nghiệm, thầy giáo trẻ “up” thử phương pháp giảng dạy mới trên facebook cá nhân. Sau đó thầy nhận được “mưa” những comment yêu thích của học sinh. Như được khuyến khích, Quỳnh bắt tay vào thực hiện, liên hệ với các nhà xuất bản để in sách. Cuốn sách đầu tiên dày 100 trang mang tên “Ôn thi THPT quốc gia môn Ngữ văn bằng hình ảnh”, xuất bản năm 2015 nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, giáo viên trên cả nước. Đây cũng là bước “khởi động” đáng giá, quan trọng, là tiền đề để thầy giáo trẻ nghiên cứu và hoàn thiện bộ 3 “Đột phá Mind Map - Rèn luyện tư duy đọc hiểu môn Ngữ văn bằng hình ảnh lớp 10, 11, 12”. Cuốn sách là tuyển tập sơ đồ tư duy từ đơn giản đến phức tạp, rất cụ thể và trực quan cho bất cứ tác phẩm văn học nào được giảng dạy. Từ sơ đồ có sẵn, học sinh sử dụng màu sắc để hình thành sơ đồ, điền vào sơ đồ mang phong cách của chính mình một cách dễ dàng. Các sơ đồ thường thấy trên mạng hay do học sinh tự vẽ thường phát triển theo nhiều hướng, khó đọc, rối mắt, hình vẽ chưa hấp dẫn. Ngược lại sơ đồ của sách chia ý rõ ràng, bố cục cân xứng, dễ đọc, dễ nắm bắt, hình vẽ thu hút. Hình ảnh hấp dẫn thu hút khơi gợi trí tưởng tượng phong phú của người học, phát huy tư duy cả hai bán cầu não bộ. Thậm chí, chỉ cần nhìn hình ảnh là học sinh có thể tự hình thành kiến thức. Nếu ví việc tìm hiểu một tác phẩm văn học giống như vào mê cung mà học sinh đang thiếu sơ đồ hay chỉ dẫn. Vì vậy, bài làm văn của các em dễ bị lạc đường. Nhiều người viết rất dài nhưng lan man, bố cục không rõ ràng, viết xong ý này lại quay lại viết ý trước, tiện suy nghĩ đến đâu viết đến đó nên không đạt điểm cao. Sơ đồ Mind Map giúp học sinh tư duy sắp xếp các ý theo luận điểm, luận cứ, viết hết luận điểm này, các em sẽ viết tiếp luận điểm khác, vì vậy các đoạn văn tách biệt rõ ràng với nội dung không trùng lặp. Bài viết vì thế mạch lạc, trong sáng như một giá sách ngăn nắp, người chấm thi dễ dàng tìm được ý để cho điểm.
 
Thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh, Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản) bên bộ sách “Đột phá Mind Map - Rèn luyện tư duy đọc hiểu môn Ngữ văn bằng hình ảnh lớp 10, 11, 12”.  Ảnh: Do nhân vật cung cấp
Thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh, Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản) bên bộ sách “Đột phá Mind Map - Rèn luyện tư duy đọc hiểu môn Ngữ văn bằng hình ảnh lớp 10, 11, 12”. Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Khuyến khích tự do trong diễn đạt
 
Trong một đề Văn dành cho học sinh lớp 12, thầy Trịnh Quỳnh nêu lên vấn đề an toàn thực phẩm đang được cả xã hội quan tâm. Đề bài rất ngắn gọn: “Trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề VSATTP hiện nay”. Để làm được đề này, học sinh thường xuyên phải cập nhật thông tin thời sự về vấn đề VSATTP, trong đó có những vụ việc bị báo chí phanh phui khiến nhiều người giật mình. Thầy Quỳnh chia sẻ, đề bài đáp ứng được xu hướng tích hợp các môn học, bao gồm Sinh học, Văn học và Giáo dục công dân để giải quyết vấn đề có sẵn trong thực tiễn. Đây là xu thế ra đề hiện nay và cũng là yêu cầu chung trong việc đổi mới thi cử của Bộ GD và ĐT. Hay trong một bài thi khác thầy Trịnh Quỳnh đề cập đến việc coi trọng ngoại hình trong giới trẻ. Đề thi nêu: “Theo kết quả của Cty JFK (Đức): Có tới 38% người Nhật không hài lòng với ngoại hình của mình. Tiếp ngay sau người Nhật là người Anh (20%) rồi đến người Nga và người Hàn Quốc (cùng 19%)... Các chuyên gia của JFK kết luận rằng, các thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 19 thường có thái độ phê phán vẻ ngoài của mình nhiều nhất. Anh/chị có suy nghĩ gì về việc xã hội hiện đại ngày càng coi trọng ngoại hình và số lượng những người không hài lòng về ngoại hình của mình ngày càng tăng lên”. Đề Văn về VSATTP, coi trọng ngoại hình… đều đưa ra những góc nhìn thực tế, kích thích học sinh nêu quan điểm, chính kiến. Cách ra đề của thầy giáo trẻ theo hướng “mở”, giúp học sinh tự do trong diễn đạt, suy nghĩ, nêu cảm nhận. “Hãy là chính mình trong diễn đạt một vấn đề nào đó. Đừng là bản sao của thầy cô trong bất cứ bài làm nào, cho dù đó là bản sao hoàn hảo” là lời khuyên của thầy Quỳnh với học sinh; càng rất ý nghĩa trong điều kiện ngành Giáo dục đang cố gắng đổi mới để bắt kịp xu hướng thế giới hiện nay. Đó cũng là mục tiêu hướng tới của ngành trong việc xây dựng năng lực học tập của học sinh trong tương lai. Học trò Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, họ thường xuyên thích thú với các đề Văn của thầy giáo 8X. 
 
Không chỉ là một người viết sách sáng tạo, có tài, cá tính, Trịnh Quỳnh còn là người “truyền lửa” tình yêu văn học đến với đông đảo học sinh, những người yêu thích văn học trong cả nước. Quỳnh là người sáng lập và phát triển fanpage Học văn - văn học đạt gần 150 nghìn lượt theo dõi, được sự ủng hộ của đông đảo giáo viên và học sinh trên toàn quốc. Những bài giảng tâm huyết của Quỳnh được đăng tải trên fanpage bám sát nội dung thi THPT quốc gia hằng năm được rất nhiều học sinh, giáo viên quan tâm và chia sẻ, là “địa chỉ” tin cậy, đồng hành với nhiều học sinh THPT. 
 
“Tôi tài giỏi và bạn cũng thế”, tác giả Adam Khoo là một trong những cuốn sách yêu thích nhất của thầy giáo Trịnh Quỳnh. “Bởi tôi muốn truyền cảm hứng đến với tất cả học sinh của mình. Chỉ cần có sáng tạo, cuộc sống xung quanh ta sẽ không nhàm chán, chỉ cần có sáng tạo mọi chân trời đều được rộng mở”. Với phương pháp dạy gợi mở, tư duy mới mẻ cùng “cẩm nang” Mind Map mà thầy giáo trẻ viết, hy vọng nhiều chân trời mới sẽ được mở ra với các thế hệ học trò yêu văn học./.  
 
Nguyễn Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com