“Bàn tay nặn bột” là mô hình giáo dục mới có nguồn gốc từ nước ngoài (Hands on - được hiểu là “bắt tay vào hành động”). Chương trình tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh một cách khoa học nhất, giúp học sinh nắm bắt kiến thức bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề. Trong đó, giáo viên sẽ cho học sinh tiếp xúc với hiện tượng, sau đó giúp các em giải thích bằng cách tự mình tiến hành nghiên cứu qua thực nghiệm. Nhờ đó, học sinh sẽ hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ và điều này sẽ góp phần không nhỏ trong sự hình thành tác phong và phương pháp làm việc của các em khi trưởng thành.
Cô và trò Trường Tiểu học Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) trong giờ lên lớp. |
Đối với bậc tiểu học, môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học có khá nhiều tiết học thực hành, thực nghiệm, nhưng ở nhiều trường, việc thực hành, thực nghiệm hiện chưa đạt yêu cầu. Học sinh chỉ được xem thầy cô giáo thí nghiệm, làm theo rập khuôn hướng dẫn trong sách giáo khoa (SGK) hay của giáo viên mà không ghi lại được tiến trình, ít tư duy. Phương pháp giáo dục “Bàn tay nặn bột” dựa trên thí nghiệm, nghiên cứu, trong đó chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng thí nghiệm, tìm tòi nghiên cứu để các em tự tìm ra câu trả lời. Chẳng hạn, học sinh sẽ được tiếp xúc với một bình nước, và nhiệm vụ của các em là mô tả trạng thái và đặc tính của bình nước đó. Với sự hướng dẫn của giáo viên, các em sẽ tự mình tiến hành thực nghiệm và ghi lại kết quả thu được khi đun bình nước lên 50oc, 70oc, 100oc, hoặc khi cho thêm một số hóa chất vào… Nhờ vậy, học sinh không chỉ nhớ lâu, mà còn hiểu rõ câu trả lời mà mình đã tìm được. Từ năm học 2012-2013, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi và Trường Tiểu học Kim Đồng (TP Nam Định) được Sở GD và ĐT chọn tổ chức dạy thí điểm theo phương pháp giáo dục "Bàn tay nặn bột", với 4 lớp và 159 học sinh ở khối lớp 2, lớp 3, lớp 4. Ngay từ trong hè trước năm học, Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT Thành phố Nam Định đã cử cán bộ chuyên môn và 5 giáo viên của hai trường tham gia lớp tập huấn do Bộ GD và ĐT tổ chức. Đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức hội thảo, tập huấn về dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” cho giáo viên cốt cán ở các trường tiểu học của Thành phố Nam Định; chỉ đạo các trường tham gia dạy thí điểm chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học, sắp xếp thời khóa biểu, nhân sự… để việc dạy học theo phương pháp mới đạt hiệu quả. Theo đánh giá của Sở GD và ĐT, qua một năm học thực hiện thí điểm theo phương pháp dạy học mới, đa số học sinh của các lớp tham gia thí điểm đã tích cực, chủ động trong các hoạt động học tập, tự xây dựng kiến thức thông qua khám phá, thử nghiệm, thảo luận, hợp tác với bạn dưới sự định hướng, giúp đỡ của giáo viên. Học sinh nắm vững kiến thức, phát triển các năng lực nhận thức quan sát, thực hành; tư duy sáng tạo; kỹ năng làm việc hợp tác theo nhóm, kỹ năng diễn đạt… góp phần phát triển năng lực tự học, tác phong và thói quen độc lập suy nghĩ, sáng tạo trong hành động, lòng yêu thích và say mê khoa học. Chất lượng dạy học của các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học của các lớp thí điểm áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” cao hơn hẳn so với các lớp khác. Tuy nhiên, theo một số cán bộ và giáo viên trực tiếp tham gia thí điểm thì khi triển khai dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã gặp phải những khó khăn như: cấu trúc chương trình SGK môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3; môn Khoa học lớp 4, lớp 5 hiện nay còn nặng về lý thuyết. Ở một số bài, lượng kiến thức cần cung cấp cho học sinh trong một tiết học tương đối nhiều; nội dung bài học và những thí nghiệm cần tiến hành thường được trình bày ngay trong SGK, do đó ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, khả năng suy nghĩ, đề xuất các thí nghiệm phát hiện kiến thức của học sinh, tạo cho học sinh tâm lý phụ thuộc vào SGK. Mặt khác, hiện nay trang thiết bị phục vụ cho thí nghiệm ở các nhà trường chưa thật đầy đủ, một số thiết bị dạy học chưa bảo đảm tính khoa học, chính xác hoặc khó sử dụng. Việc sáng tạo thiết kế các đồ dùng dạy học cho một số tiết dạy theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” còn gặp nhiều khó khăn với cả giáo viên và học sinh trong khi kinh phí để mua sắm, làm đồ dùng dạy học ở các cơ sở giáo dục hiện tại còn hạn chế. Ở bậc tiểu học còn tư tưởng xem nhẹ môn Khoa học, Tự nhiên và Xã hội hơn các môn học khác, do đó ít được quan tâm đầu tư của các cấp quản lý giáo dục, mặt khác giáo viên phải dạy 2 buổi/ngày, dạy 3 đến 4 môn học trong một buổi nên không có thời gian để chuẩn bị cho các tiết dạy theo phương pháp này. Hiện nay, mỗi tiết học chỉ có 35-40 phút nên các tiết học theo phương pháp mới “Bàn tay nặn bột” rất vội vàng và thường bị kéo dài hơn so với quy định, ảnh hưởng đến các tiết học khác. Vì vậy, áp dụng phương pháp này để đảm bảo một số quy định, giáo viên thường không dành thời gian cho học sinh tự suy nghĩ và thực hành mà gợi ý ngay các thí nghiệm cần làm hoặc làm thay học sinh… Một số giáo viên không được đào tạo chuyên sâu về kiến thức khoa học thường gặp khó khăn khi giải đáp thắc mắc của học sinh nêu ra trong quá trình học…
Tuy nhiên, qua một năm triển khai thực hiện, phương pháp giáo dục “Bàn tay nặn bột” cũng đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong phương pháp giảng dạy ở các nhà trường. Trong thời gian tới, Sở GD và ĐT sẽ tổ chức các lớp tập huấn, các tiết thao giảng, các buổi hội thảo xung quanh phương pháp mới này để cán bộ, giáo viên cùng trao đổi, rút kinh nghiệm, phấn đấu trong năm học mới 2013-2014 cả 291 trường tiểu học trong tỉnh sẽ áp dụng phương pháp giáo dục “Bàn tay nặn bột” vào giảng dạy đạt hiệu quả tốt./.
Bài và ảnh: Hồng Minh