Thú vui thả diều ở Nam Thắng

09:06, 19/06/2010

Biểu diễn thả diều của đội cà kheo xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) tại Hội thi thả diều toàn tỉnh năm 2010. Ảnh: Việt Thắng
Biểu diễn thả diều của đội cà kheo xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) tại Hội thi thả diều toàn tỉnh năm 2010.
                                                                  Ảnh: Việt Thắng
Những chiều hè này, về quê của Trạng nguyên Nguyễn Hiền xã Nam Thắng (Nam Trực) rất dễ nhận thấy giữa khung cảnh làng quê xuất hiện những cánh diều bay, lượn hoà trong tiếng sáo dặt dìu.

Xã Nam Thắng có 8500 dân với 16 xóm, được chia làm 2 khu vực Dương A và Đại An. Khu vực Đại An nằm ở ngoài đê sông Hồng là nơi có nhiều trò chơi dân gian, trong đó có thả diều. Trò chơi thả diều xuất hiện ở Nam Thắng từ lâu đời, gắn liền với sự tích về Trạng nguyên Nguyễn Hiền thủa nhỏ thường chăn trâu, thả diều và từ ngày đó người dân nơi đây thường lấy trò chơi này như một thú chơi tao nhã. Từ chơi diều, nhiều người nơi đây đã trở thành những nghệ nhân như cụ Trần Văn Tín ở khu Đại An, cụ Bạch Quang Bách ở khu Dương A... Năm 2006 những người chơi diều ở khu vực Đại An đã thành lập CLB diều với 20 thành viên là những người quanh năm gắn bó với ruộng, vườn như ông Lâm Văn Huề, hay những người chuyên trồng cây cảnh như anh Phạm Văn Phương, Lâm Văn Tài... Vào những buổi chiều hè, các thành viên CLB thường lên đê sông Đào buông diều thuyền, diều lá theo những cơn gió, thưởng thức tiếng sáo trầm bổng. Thú chơi nào cũng lắm công phu, việc làm ra những con diều cũng không ngoài điều đó. Anh Lâm Văn Tài, chủ nhiệm CLB diều Đại An cho biết: Để làm được một cánh diều chuẩn lên cao, theo kinh nghiệm của các cụ cao tuổi truyền lại phải chọn trong bụi tre những cây tre đực để vót cánh diều. Để cánh diều có độ cứng cáp, bền, trước khi vót phải để tre lên gác bếp hoặc đem luộc, nhúng thùng vôi đang tôi, sau đó đem phơi khô. Trong quá trình vót cánh, người chơi diều phải cẩn thận vót sao cho các cánh diều cân nhau. Sau khi hoàn thành bộ khung, người chơi dùng nilon, vải mềm để tạo thành cánh diều hoàn chỉnh. Với người chơi diều, khó nhất vẫn là công đoạn chế tạo sáo. Sáo diều được làm bằng nhiều chất liệu như tôn, gỗ vàng tâm... Sáo được chia làm 2 loại: Với những cánh diều có chiều dài trên 3m thì sáo là bộ cồng gồm cả sáo mẹ, sáo con; những diều dưới 3m thì sáo là bộ bi với một sáo. Người chơi khéo léo khoét lỗ sáo để khi sáo lên cao, tiếng sáo trong, văng vẳng, tạo âm điệu nhịp nhàng, khoan thai hấp dẫn người nghe.

Thú chơi diều của người dân xã Nam Thắng nổi tiếng từ lâu không chỉ ở trong tỉnh. Năm 2006, các thành viên trong CLB diều Đại An chế tạo ra con diều được công nhận là lớn nhất Việt Nam với chiều dài 9,6m, rộng 2,4m phải 20 người mới có thể thả được. CLB đã nhiều lần được mời tham gia Hội thi thả diều các tỉnh phía Bắc, trong đó lần tham dự hội thi thả diều các tỉnh phía Bắc tại thành phố Nam Định tháng 5-2010, diều của CLB đã đoạt giải Ba. Hiện tại, các hội viên CLB diều của xã đang tích cực tìm nguồn tài trợ để chế tạo chiếc diều khổng lồ được làm theo phương thức truyền thống tham dự Hội thi thả diều chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội./.

Thanh Ngọc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com