Biết dở sửa ngay

06:05, 10/05/2013

Đái Doanh Chi làm quan đại phu nước Tống, nói chuyện với thầy Mạnh Tử rằng:

“Cứ như cổ chế, thì ruộng đánh thuế theo phép tỉnh điền, chợ và cửa ải chỉ xét hỏi không mà thôi. Như thế thực là hay, song ta chưa làm ngay được. Bây giờ ta hãy đánh nhẹ bớt thuế đi, đợi đến sang năm mới bãi hẳn thì nhà thầy nghĩ thế nào?”.

Thầy Mạnh Tử nói: Nay có người mỗi ngày ăn trộm một con gà của hàng xóm. Có kẻ bảo anh ta: “Làm thế không phải là cách của con người lương thiện”. Anh ta đáp: “Ông nói phải lắm, nhưng tôi chưa thể chừa ngay được. Xin để chừa dần, từ nay mỗi tháng tôi ăn trộm một con thôi, đợi đến sang năm tôi sẽ chừa hẳn”. Phỏng nói như thế thì có nghe được không?

Phàm làm việc gì cũng vậy, chưa biết là phi nghĩa thì thôi, chớ đã biết là phi nghĩa thì phải bỏ cho mau cho chóng, sao lại còn đợi đến sang năm?

Mạnh Tử

Lời bàn: Phàm nghĩa với lợi không cùng đi được với nhau. Nếu làm nghĩa mà còn tính lợi, cứ tìm cách trì hoãn lại thì biết đến bao giờ mới nên? Cho nên việc đã trót làm, biết là dở chẳng những không sửa được, lại còn e mỗi ngày một to thêm mãi ra, nhỏ thì hại việc tu thân, tề gia, lớn thì hại đến việc trị quốc, bình thiên hạ. Câu nói: “Cái gì làm được hôm nay chớ để đến ngày mai”, ta nên ghi nhớ lấy./.

Theo Cổ học tinh hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com