Ngày 1-6, tại Trung tâm triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (Hà Nội) khai mạc Triển lãm tranh lần thứ 5 của nhóm họa sĩ “Sơn ta Việt Nam”. Thông qua tác phẩm trưng bày tại đây, nhóm nghệ sĩ cho thấy mức độ biểu đạt của chất liệu sơn ta (sơn mài) có thể đáp ứng bất kỳ phong cách hội hoạ nào. Triển lãm lần này có sự tham gia của 18 họa sĩ thuộc nhóm “Sơn ta Việt Nam”, những người đang tìm kiếm, khai phá sức biểu đạt bằng chất liệu sơn ta trong khi vẫn bảo toàn tiêu chí: Bóng, nhẵn, sâu của tranh sơn mài. Các họa sĩ nhóm Sơn ta Việt Nam đã cố gắng vượt ra khỏi những khuôn khổ để làm mới mình và đem đến những ấn tượng thị giác mới lạ, hiện đại hơn cho tranh sơn mài.
Tác phẩm "Sen II" - tác giả Đỗ Đức Khải. |
Trong triển lãm lần này, có một điểm thú vị là các họa sĩ đã tận dụng hiệu ứng sâu thăm thẳm của tranh sơn mài để gửi gắm nội tâm cùng nhiều chủ đề tư tưởng, tạo nên một vệt tranh biểu tượng bên cạnh loạt tác phẩm đặc tả thiên nhiên, thiếu nữ… Ngoài ra, triển lãm còn có thêm nhiều tác phẩm với những bước đột phá trong cách vẽ sơn mài, điển hình là bộ tác phẩm Giếng trăng và Giếng nào có trăng của tác giả Phùng Văn Huy - một họa sĩ trẻ, có nhiều nghiên cứu về sơn ta. Tác phẩm tạo nên sự thích thú cho khán giả khi ngắm những giọt sơn ta được đắp nổi, miệng giếng nổi lên trên bề mặt tranh từ quá trình sáng tác rất kỳ công bằng sơn mài của tác giả. Triển lãm kéo dài tới hết ngày 8-6-2020.
Phát hành bộ tem “Trò chơi dân gian”
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem “Trò chơi dân gian” gồm 4 mẫu tem và 1 blốc nhằm góp phần quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa của trò chơi dân gian Việt Nam. Cụ thể, 4 mẫu tem thể hiện 4 trò chơi dân gian phổ biến của nước ta là ô ăn quan, nhảy dây, rồng rắn lên mây và bịt mắt bắt dê. Trên blốc là trò chơi kéo co. Dựa trên phong cách tranh dân gian Hàng Trống, họa sĩ thiết kế tem Tô Minh Trang (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) đã dùng những nét vẽ to khỏe để vẽ viền các khối hình họa nhân vật trẻ em. Biểu cảm, nét mặt các nhân vật tạo nên những dấu ấn thị giác về một thế giới tuổi thơ trong mỗi người. Những chỗ hở của nền giữa nét viền và hình trẻ em đã tạo nên một không gian ước lệ mang tính dân gian... Nét nổi bật trong bộ tem là màu sắc sinh động, bắt mắt. Những hình khối ngộ nghĩnh, đáng yêu thu hút mọi đối tượng, lứa tuổi. Khi được đặt cạnh nhau, hình ảnh của cả bộ tem như tái hiện thời kỳ thơ ấu của nhiều người. Đó là những giây phút vui vẻ, chơi đùa bên bạn bè, tuổi học trò hồn nhiên trong sáng... Bộ tem “Trò chơi dân gian” được thiết kế tràn lề với khuôn khổ 43x32mm, phát hành ngày 1-6-2020 và cung ứng trên mạng lưới bưu chính công cộng đến ngày 31-12-2021.
Ra mắt chùm truyện thiếu nhi
Nhà sách Nhã Nam đã giới thiệu nhiều đầu sách mới dành cho các em nhỏ, trong đó có những ấn bản được làm mới của những bộ sách cũ, và cũng có những bộ sách thú vị vừa ra mắt trong mùa hè này. “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” được làm lại với phiên bản bìa cứng, có hình chân dung Luis Sepúlveda do họa sĩ Nhã Nam vẽ dưới hình thức kỷ niệm chương, dán ngoài bìa áo, để tưởng nhớ tới tác giả tài hoa. Một bộ sách khác được giới thiệu là “Critical thinking”, sách phát triển kỹ năng tư duy phản biện do Evan Moor, NXB Giáo dục uy tín hàng đầu thế giới biên soạn. Bộ sách gồm tám cấp bậc khác nhau, được đánh giá là một trong những ấn phẩm tốt nhất của NXB này. Bộ sách đưa ra những trò chơi thú vị, dẫn dắt trẻ sử dụng khả năng tư duy phản biện, giúp trẻ chủ động, tự tin trong việc giải quyết các rắc rối mình phải đối diện trong cuộc sống. Bộ sách hướng trẻ tới việc xây dựng một nền tảng vững chắc để hình thành phản xạ tự động tư duy, suy nghĩ, phản biện và giải quyết những vấn đề nan giải trong cuộc sống sau này. Dành cho trẻ mầm non và tiểu học, bộ ba cuốn sách “Lật giở song ngữ” giúp cho trẻ nhỏ làm quen với việc đọc sách cũng như tìm hiểu thêm về tiếng Anh. Bộ sách gồm ba cuốn “Đoán xem ai?”, “Đoán xem là gì?”, “Đoán xem ở đâu?”. Ngoài ra, các bé ở tuổi mầm non và tiểu học còn có bộ “Bé nhận thức thế giới” gồm bốn cuốn, và “Thỏ bé bồng bông” giúp các bé khám phá sự vật, sự việc. Đặc biệt bộ sách dễ thương “Thỏ bé bồng bông” được trao giải thưởng Caldecott Honor năm 2005./.
PV (tổng hợp)