Trưng bày tư liệu, hiện vật về giáo dục, thi cử dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, diễn ra từ ngày 27-2 đến 1-3, tại Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút đông đảo công chúng và du khách đến tham quan, thưởng lãm.
250 hình ảnh, tài liệu, hiện vật gốc tiêu biểu, có nội dung sâu sắc, được bài trí trình tự, khoa học đã khái quát cơ bản lịch sử hình thành nền giáo dục Nho học Việt Nam và những kết quả đạt được về giáo dục khoa cử của tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ phong kiến. Vĩnh Phúc là vùng đất phên dậu của kinh thành Thăng Long xưa, là địa bàn sinh tụ của người Việt cổ. Trong chặng đường hơn tám thế kỷ của nền giáo dục và Nho học, người Vĩnh Phúc đã tạo lập truyền thống khoa bảng phong phú với 388 người đỗ khoa trường, trong đó có 86 vị đỗ hàng đại khoa, 302 vị đỗ hàng trung khoa. Trưng bày giúp công chúng có cách nhìn trân trọng đối với vấn đề khoa cử, học vấn dưới thời quân chủ; đồng thời cổ vũ giới trẻ phát huy truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, noi gương tiền nhân để thành người tài đức và có ích cho quê hương, đất nước.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng ngày 8-3
Trong hai ngày 7 và 8-3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH, TT và DL), Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 với chủ đề “Cho dù có đi nơi đâu”.
Chương trình sẽ chia làm 2 phần: Phần 1 mang tên “Lòng mẹ” với những ca khúc chọn lọc hay nhất về chủ đề mẹ như: Mẹ yêu con, Mẹ, Mẹ con đã về, Gặp mẹ trong mơ, Mẹ - trở về, Trở về đất mẹ. Phần 2 mang tên “Khát vọng tình yêu” với những ca khúc hay nhất về tình yêu, về người phụ nữ, về tình vợ chồng như: Mưa rơi, Tình em, Khát vọng tình yêu, Mùa chim én bay, Đâu phải bởi mùa thu, Nơi gặp gỡ tình yêu, Chỉ mình em thôi, Điều giản dị, Hoa cúc vàng, Tâm hồn, Em nghĩ gì khi mùa xuân đến, Chiếc khăn piêu…
Nhạc sĩ Tuấn Phương, Tổng đạo diễn chương trình cho biết, khác với các chương trình nghệ thuật từ trước đến nay được tổ chức vào dịp này chỉ ca ngợi tình yêu, người phụ nữ, thì “Cho dù có đi nơi đâu” còn ca ngợi người mẹ, đặc biệt là đề cập đến mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu.
Theo đó, chương trình sẽ có những ca khúc, thơ, nhạc ca ngợi tình yêu, người mẹ, người phụ nữ và tình cảm mẹ chồng, nàng dâu. Với những hoạt cảnh minh họa sống động, sâu sắc, các tiết mục sẽ chạm đến trái tim của những người phụ nữ cho dù trong vai trò người vợ hay người mẹ. Đồng thời, qua chương trình, những người đàn ông sẽ thấu hiểu hơn nỗi niềm của những người phụ nữ trong cuộc đời họ: mẹ và vợ.
Ngày hội Hoa hồng Bun-ga-ri và bạn bè năm 2018
“Ngày hội Hoa hồng Bun-ga-ri và bạn bè” năm 2018 sẽ được tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây từ ngày 8 đến 11-3-2018.
Nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Bun-ga-ri ngày 3-3-2018 và kỷ niệm 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Bun-ga-ri, lần thứ hai tại Việt Nam, Đại Sứ quán nước Cộng hòa Bun-ga-ri phối hợp với Cty cổ phần Chăm sóc sức khỏe Việt Nam (Vietmedicare) cùng một số đơn vị khác tổ chức tại Thủ đô Hà Nội chương trình “Ngày hội Hoa hồng Bun-ga-ri và bạn bè”. Ngày hội với hơn 1.000 cây của hơn 100 giống hồng Bun-ga-ri khác nhau được nhập về và đang được chăm sóc, hãm để nở đúng dịp lễ hội tháng 3 này. Ngoài các cây hồng đến từ Bun-ga-ri, những gốc hồng cổ của Việt Nam có độ tuổi từ vài chục năm trở lên, các cây hồng ngoại, hồng bonsai cũng được dịp khoe sắc trong suốt 4 ngày diễn ra lễ hội. Trong 4 ngày diễn ra lễ hội, sẽ có nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc như bình chọn nữ hoàng hoa hồng; trình diễn thời trang áo dài, thời trang dân tộc Bun-ga-ri; chương trình Bông hoa hồng nhí; nụ hôn lãng mạn nhất (Kiss of rose); bình chọn cây hồng đẹp nhất; vũ điệu hoa hồng; hoài niệm Bun-ga-ri dành cho những người đã từng một thời làm việc, học tập và sinh sống tại đây cùng các tiết mục biểu diễn âm nhạc đường phố, ảo thuật…
Điều khác biệt trong lễ hội năm nay, các cây hồng được các nhà thiết kế cảnh quan trưng bày thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như phố hoa hồng, ngôi nhà hoa hồng, khu vườn châu Âu...
PV (tổng hợp)