Là vùng đất cổ với nhiều lễ hội truyền thống nổi tiếng, hàng năm, tỉnh ta đón hàng vạn lượt khách tới tham quan, trẩy hội khai xuân. Năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã quyết định dừng tổ chức các lễ hội chợ Viềng Xuân và lễ hội Khai ấn Đền Trần để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai phương án chấn chỉnh kịp thời những hoạt động lợi dụng lễ hội kinh doanh hàng giả, hàng nhái; gian lận thương mại, bắt chẹt giá dịch vụ...
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên khu vực huyện Nam Trực. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, năm nay, các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc, thành phố Nam Định không tổ chức hội chợ Viềng Xuân và lễ Khai ấn Đền Trần. Riêng đối với Lễ Khai ấn Đến Trần chỉ tiến hành các thủ tục phần lễ theo nghi thức truyền thống, dâng hương, cúng tế các Vua Trần, không tổ chức cho nhân dân và du khách thập phương tham gia các nghi lễ khai ấn; cũng không tổ chức các hoạt động phần hội như mọi năm. Nhà đền vẫn chuẩn bị tờ lộc ấn cho người dân có nhu cầu nhưng không phát tập trung tại khu nhà đền mà sẽ chuyển phát qua đường bưu điện đến địa chỉ người nhận. Tuy nhiên do yếu tố tâm linh của lễ hội đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt bao thế hệ nên không loại trừ việc người dân vẫn đi hành lễ đơn lẻ… đến các lễ hội có sức thu hút khách lớn của tỉnh như chợ Viềng Xuân, hội Phủ Dầy ở các huyện (Vụ Bản, Nam Trực), Lễ Khai ấn Đền Trần… Đối với người dân sinh sống ở các khu vực di tích vẫn tổ chức buôn bán, kinh doanh, dịch vụ để vớt vát khoản thu đầu năm. Ngoài 2 lễ hội lớn, trên địa bàn tỉnh ta vào dịp đầu xuân còn rất nhiều lễ hội địa phương, thu hút không ít người dân trong vùng tham gia theo tục lệ, tập quán khiến cho công tác quản lý thị trường mùa lễ hội càng thêm khó khăn. Từ những đánh giá trên, để quản lý tốt trật tự thị trường, bảo đảm an toàn chống dịch, các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc, Ban Quản lý các khu di tích (Sở VH, TT và DL) tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; dựng bảng thông báo việc không tổ chức lễ hội chợ Viềng Xuân, Khai ấn đầu năm ngay trước cửa đền để người dân biết tránh tập trung đông người, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh... Kiên quyết không cho các tiểu thương dựng lều quán, bán hàng, du khách tập trung đông người trong khu vực lễ hội. Lực lượng Quản lý thị trường đã lồng ghép kiểm tra, kiểm soát thị trường mùa lễ hội vào đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết. Theo đó, lực lượng đã đồng loạt ra quân chú trọng kiểm soát các kênh phân phối hàng hóa, thực hiện niêm yết giá, nhất là những mặt hàng phải kê khai giá...; rà soát và cập nhật danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tại địa phương để theo dõi, quản lý. Đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng (094.513.1911) để tiếp nhận thông tin tố giác về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Đồng thời bố trí lực lượng phản ứng nhanh để sẵn sàng xử lý tình huống cả trong và ngoài giờ hành chính. Từ đầu đợt cao điểm đến nay, toàn lực lượng đã xử lý kiểm tra 92 vụ việc, phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa trị giá trên 1 tỷ đồng. Trong đó đã phát hiện nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán vi phạm điều kiện lưu thông như: Thuốc lá nhập lậu, trên 100kg bánh kẹo, mứt hoa quả; đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ… Bên cạnh đó, lực lượng tổ chức kiểm soát việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết; tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm các dịch vụ ăn uống; hàng lưu niệm, dược phẩm, văn hóa phẩm và giá dịch vụ trông, giữ xe ở khu vực lễ hội; hạn chế kinh doanh mặt hàng vàng mã, thực phẩm tươi sống; các loại trò chơi có thưởng biến tướng sang cờ bạc trá hình; đồng thời tập trung xử lý dứt điểm dịch vụ đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ trong các lễ hội. Chị Trần Thị Hoa, kinh doanh đồ lưu niệm tại khu vực Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) cho biết: Với người địa phương, thu nhập mùa lễ hội thông thường chiếm đến hơn 50% doanh thu của cả năm nên việc dừng kinh doanh để phòng chống dịch cũng ảnh hưởng đến thu nhập người dân. Tuy nhiên, với trách nhiệm vì sự an toàn chung sau khi được chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh và phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi vui vẻ chấp hành quy định của chính quyền địa phương.
Với những biện pháp đồng bộ đó, ngay trong những ngày đầu năm 2021, lực lượng chức năng đã hoàn tất việc tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán, kinh doanh tại các hội chợ xuân, lễ hội đầu năm và tập trung kiểm soát hoạt động kinh doanh quanh Khu di tích lịch sử văn hóa Trần (thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc); Khu di tích Phủ Dầy, Lễ hội chợ Viềng Xuân ở các huyện Vụ Bản, Nam Trực. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và chỉ ra những vi phạm pháp luật của các hộ kinh doanh như: thiếu giấy phép kinh doanh; chưa công khai về hàng hóa dịch vụ, không niêm yết giá các loại hình dịch vụ cũng như sản phẩm hàng hóa; trà trộn hàng hóa kém chất lượng; không ban hành nội quy, quy chế tại các cơ sở dịch vụ lưu trú và còn nhiều vi phạm trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Qua đó hàng trăm cân bánh kẹo, mứt hoa quả, thuốc lá, văn hóa phẩm không đảm bảo điều kiện lưu hành đã được lực lượng chức năng thu giữ, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi, an toàn sức khỏe cho người dân vui xuân./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương