Đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, đến nay, Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh do Sở Công Thương quản lý, khai thác đã thu hút hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của địa phương đăng ký thành viên tham gia với hàng trăm sản phẩm được đăng tải, quảng bá. Đây là kênh thương mại điện tử hữu ích đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh.
Sản phẩm máy nông nghiệp của làng nghề cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) được quảng bá, giao dịch trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Nam Định. |
Với mục tiêu xây dựng hạ tầng cơ bản và triển khai những giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT, đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh đi vào hoạt động không chỉ là kênh quảng bá sản phẩm mà còn góp phần hình thành cơ sở dữ liệu thương mại của ngành Công Thương hướng tới việc liên kết với hệ thống Sàn giao dịch TMĐT trên toàn quốc. Với yêu cầu đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tiến hành xây dựng giao diện Sàn giao dịch TMĐT thân thiện, dễ sử dụng với các tính năng cung cấp thông tin mua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng và có tích hợp chức năng hoàn thiện hợp đồng và thanh toán. Sở Công Thương đã tiến hành điều tra, khảo sát thu thập thông tin, nhu cầu của doanh nghiệp về giao dịch TMĐT để tổng hợp xây dựng định hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh trực tuyến. Hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký tham gia thành viên Sàn giao dịch TMĐT và tổ chức hội nghị tập huấn cho các cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thi hành pháp luật về TMĐT; đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Do đó, ngay khi đi vào hoạt động, Sàn giao dịch TMĐT đã thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia như: Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH một thành viên Minh Dương, Công ty TNHH một thành viên Chế biến thủy hải sản Hùng Vương, Hiệp hội nông sản sạch Nam Định; Công ty CP Muối và thương mại Nam Định… Tham gia Sàn giao dịch TMĐT, các doanh nghiệp được hỗ trợ đăng ký thành viên miễn phí trên Sàn, cập nhật thông tin về sản phẩm; hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật xử lý hình ảnh, đăng tải thông tin sản phẩm, hỗ trợ xây dựng website TMĐT mới cho các doanh nghiệp thành viên. Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội nông sản sạch tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân cho biết: Sàn giao dịch TMĐT Nam Định đi vào hoạt động là cơ hội cho hàng hóa sản xuất trong tỉnh nói chung và của các doanh nghiệp trong Hiệp hội nói riêng giảm tối đa chi phí quảng cáo, đầu tư hoặc thuê cửa hàng, mặt bằng, kho chứa, nhân viên phục vụ... Thêm vào đó, do giao dịch trực tuyến nên các doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin, bảng báo giá nhanh chóng cho khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng mua hàng trực tuyến. Do đó, không riêng gì sản phẩm gạo sạch Toản Xuân mà tất cả thành viên tham gia Sàn giao dịch TMĐT đều thấy sản phẩm của đơn vị mình được thị trường đón nhận tích cực hơn, đối tác cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể. Cách làm này đặc biệt có ý nghĩa khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Với những ưu thế nổi bật như nhanh, tiện dụng, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, TMĐT đã trở thành công cụ quan trọng mang lại hiệu quả tích cực với nhiều ngành hàng. 3 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, giảm sút, nhưng số lượng giao dịch trên sàn Sàn giao dịch TMĐT vẫn duy trì ổn định và có phần sôi động hơn rất nhiều.
Đồng chí Đặng Ngọc Rung, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc đưa Sàn giao dịch TMĐT vào hoạt động là một bước đi quan trọng, đúng với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và xu thế thị trường nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, giúp doanh nghiệp có cơ hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận khách hàng nhanh chóng và hiệu quả, từng bước đưa hoạt động TMĐT của tỉnh hội nhập với thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng dễ dàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm khi cần. Tuy nhiên, vấn đề phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp không ít khó khăn, thách thức bởi đây là một lĩnh vực còn khá mới, phát triển nhanh và khó quản lý trong khi nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách TMĐT còn thiếu. Hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên chưa mạnh dạn đầu tư đúng mức cho ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp có ứng dụng TMĐT chủ yếu là làm dịch vụ, cung cấp sản phẩm với quy mô nhỏ lẻ, nhân lực về công nghệ thông tin chưa đáp ứng. Một số doanh nghiệp đã có website riêng nhưng chỉ mới dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin cơ bản chứ chưa tích hợp được các dịch vụ tiện ích khác như tạo hợp đồng, thanh toán trực tuyến… cho một quy trình giao dịch TMĐT khép kín. Bên cạnh đó, phương thức giao dịch truyền thống hiện vẫn đang là chủ yếu, một số doanh nghiệp và người dân chưa có sự tin tưởng vào hệ thống thanh toán và giao dịch TMĐT cũng là rào cản lớn trong việc thúc đẩy phát triển TMĐT... Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tập trung và đầu tư sâu vào việc xây dựng và phát triển nội dung Sàn giao dịch TMĐT ngày càng phong phú, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nhiều doanh nghiệp và người dân biết đến hoạt động của Sàn. Đồng thời, lựa chọn các doanh nghiệp uy tín tham gia Sàn giao dịch cũng như hướng dẫn cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm bán hàng trực tuyến thuongmainamdinh.vn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương