Thị trường tiêu dùng nội địa luôn được coi là “nền móng” cơ bản cho nhà sản xuất. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19 vừa qua, tiêu dùng nội địa tiếp tục khẳng định là chỗ dựa đáng tin cậy giúp doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khai thác tốt thị trường nội địa để vượt qua khó khăn đang là vấn đề mà các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm thực hiện.
Sản xuất thuốc Nam tiêu dùng nội địa tại Công ty Nam Dược (thành phố Nam Định). |
Vấn đề phát triển, khai thác thị trường nội địa được tỉnh chỉ đạo quyết liệt thông qua việc thực hiện các cơ chế chính sách đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường. UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với Đề án Phát triển thị trường trong nước. Qua khảo sát của Sở Công Thương và báo cáo từ doanh nghiệp, số mặt hàng Việt Nam sản xuất đã chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số mặt hàng kinh doanh tại các siêu thị như Siêu thị Lan Chi (chiếm 92%), Siêu thị BigC (chiếm 80%), siêu thị Coopmart (chiếm 78%), Siêu thị Micom (chiếm 70%). Người tiêu dùng nhận thức ngày một đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với các sản phẩm hàng hoá sản xuất trong nước và những lợi ích mang lại từ thực hiện cuộc vận động, từng bước thay đổi hành vi, ưu tiên mua sắm tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt Nam, coi đó là thể hiện lòng yêu nước; bước đầu hình thành nét đẹp văn hoá tiêu dùng của người dân với hàng hoá do Việt Nam sản xuất. Các doanh nghiệp cũng nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập quốc tế; phát huy tiềm năng thế mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa và từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Đặc biệt vào thời điểm dịch COVID-19 lây lan khiến thị trường trong nước trầm lắng, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, hoạt động xuất khẩu vào nhiều thị trường bị gián đoạn do các biện pháp phòng, chống dịch ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ, mua sắm hàng hóa. Xu hướng tiêu dùng hàng sản xuất trong nước của người dân đã tăng lên đáng kể.
Số liệu của Cục Thống kê tỉnh, 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa tháng 4 chỉ giảm 1,0% so với tháng trước và chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa bình quân 4 tháng đầu năm tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy nhu cầu tiêu dùng và sử dụng nhóm hàng hóa thiết yếu là hàng nội địa tăng đáng kể. Đây thực sự là “cú hích” quan trọng để các doanh nghiệp “lấy lại” khách tiêu dùng nội địa. Việc khai thác tốt thị trường nội địa sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa, Sở Công Thương nỗ lực triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn với các tỉnh, thành phố khác để cùng liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm hàng hóa qua các kênh hội chợ thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm; kêu gọi các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau với mức giá ưu đãi; hỗ trợ cơ chế, kinh phí đầu tư xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn với 100% sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh và trong nước sản xuất; hỗ trợ xây dựng website về kỹ năng kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp thành viên mở thêm gian hàng cung ứng sản phẩm cho người dân. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và cửa hàng phân phối bán lẻ hàng tiêu dùng đã giảm bớt khó khăn, vẫn đảm bảo phát triển trong đại dịch. Ngay trong tháng 5-2020, các ngành chức năng đã hỗ trợ Hiệp hội nông sản sạch tỉnh thành lập Trung tâm Giới thiệu sản phẩm thủy hải sản tươi sống tại thành phố Nam Định để tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội. Tại đó, các sản phẩm thủy sản chất lượng cao trước đây hầu hết chỉ xuất khẩu như cá bống bớp, cua biển, cá song, cá mú đã được giới thiệu và cung ứng cho người tiêu dùng thành phố Nam Định. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh nội địa đã có ý thức hợp tác, liên kết để vươn lên thành lập hệ thống các cửa hàng bán lẻ, thúc đẩy sản xuất phát triển và phục vụ tiêu dùng tại chỗ. Công ty TNHH một thành viên Chế biến nông sản Minh Dương (Minh Dương Foods) đã có 60 nhà phân phối, 280 đại lý bán hàng; 155 siêu thị đã bán sản phẩm của Minh Dương Foods trên khắp cả nước, tập trung ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nam… Riêng tại thành phố Nam Định, Công ty đã mở 2 cửa hàng tiện ích cung ứng sản phẩm của mình và các nông sản uy tín của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Phát triển thị trường nội địa sau dịch là một cơ hội, đồng thời là một thử thách cam go quyết liệt đối với các doanh nghiệp để đón đầu sức mua sắm của người tiêu dùng dự báo sẽ tăng trưởng trở lại vào quý IV, khi kinh tế dần phục hồi và dịp Tết Nguyên đán truyền thống. Do đó các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp. Rà soát, bổ sung các văn bản, ban hành cơ chế chính sách thiết thực, phù hợp để khuyến khích động viên doanh nghiệp mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, không để sản phẩm sản xuất ra tồn đọng, lưu kho nhiều; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp về chất lượng và giá cả sản phẩm để ưu tiên mua hàng tiêu dùng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần ưu tiên sử dụng hàng nội địa khi mua sắm đầu tư công. Các doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh; xây dựng thương hiệu sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành. Đẩy mạnh các hoạt động điều tra khảo sát thị trường, điều tra tâm lý người tiêu dùng, mở rộng mạng lưới phân phối đưa hàng hoá về nông thôn và đến tận tay người tiêu dùng. Có chính sách hậu mãi, bình ổn giá cả đối với người tiêu dùng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, nhất là phục vụ hàng hoá tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm để hướng tới xây dựng một thị trường nội địa phát triển đầy đủ, văn minh và hiện đại./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương