Thị trường thịt lợn những tháng cuối năm có nhiều biến động về giá do bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến số lượng lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy lớn đã gây ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung thịt lợn trong nước. Bên cạnh đó, do yêu cầu kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh dẫn đến mất cân đối cung cầu tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ và ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất và giá thành thịt lợn. Từ tháng 7-2019, tại thị trường tiêu dùng trong tỉnh, giá thịt lợn đã tăng dần đều và hiện ở mức tăng 120% so với thời điểm trước khi có dịch bệnh xảy ra.
Người tiêu dùng mua sản phẩm thịt lợn sạch Minh Long (thành phố Nam Định) tại hội chợ giới thiệu nông sản sạch Nam Định. |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn tại hệ thống chợ, siêu thị hiện đang cung ứng khoảng 50 tấn thịt lợn. Trong đó, chuỗi 16 điểm bán hàng của hệ thống Vinmart cung ứng trung bình 200kg thịt lợn sạch mỗi ngày; các cửa hàng của Trung tâm giới thiệu nông sản sạch Nam Định, các siêu thị BigC, Coop Mart cũng thường xuyên cung ứng 300kg thịt lợn hàng ngày phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; phần còn lại tập trung ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn. Tỉnh ta có nguồn cung thịt lợn từ các cơ sở chăn nuôi hàng năm đều cao hơn nhu cầu tiêu dùng nên tuy giá thịt lợn có diễn biến tăng theo thị trường nhưng sẽ không khan hiếm, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện tại lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều nhưng lợn nuôi công nghệ cao tại các trang trại lớn vẫn đảm bảo nguồn cung cho thị trường bán lẻ. Khảo sát tại một số vùng sản xuất và thị trường tiêu dùng trên toàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại, giá lợn đã lên cao tới mức 100 nghìn đồng/kg thịt lợn hơi; tương ứng với đó giá sản phẩm thịt lợn các loại tăng mạnh: mỡ 100 nghìn đồng/kg; thịt ba chỉ, nạc vai, sấn mông, nạc thăn, chân giò… dao động từ 150-185 nghìn/kg… nhưng thịt lợn vẫn được bày bán nhiều, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương. Tại các siêu thị Big C, Coop Mart, chuỗi cửa hàng của Vinmart, Trung tâm giới thiệu nông sản sạch Nam Định trên địa bàn thành phố Nam Định, mặt hàng thịt lợn được bán với giá cao hơn nhưng có nguồn gốc rõ ràng, tươi ngon nên vẫn đắt khách. Cùng với thịt, giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn như giò, chả, xúc xích, giăm bông, ruốc… cũng tăng gấp đôi so với trước đây. Trong đó, chả quế có giá 170 nghìn đồng/kg; giò lụa 190-200 nghìn đồng/kg; xúc xích giá 150 nghìn đồng/kg. Giá lợn hơi cao bất hợp lý lên mức gần 100 nghìn đồng/kg tiếp tục kéo dài sẽ tạo ra những hệ lụy không thể lường trước, đặc biệt nguy cơ việc xâm nhập của thịt lợn “nhập lậu” kéo theo nguy cơ dịch bệnh và rất có thể sẽ thiếu hụt do nhu cầu tiêu dùng cao. Do giá thịt lợn tăng cao nên người tiêu tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu dùng các thực phẩm khác như thịt gà, ngan, vịt, bò, trâu, tôm, cá… để giảm chi phí và tránh những hệ lụy khác do thịt lợn tăng giá. Bác Trần Thị Thanh, phường Văn Miếu (thành phố Nam Định) cho biết: giá thịt lợn tăng quá cao khiến bữa ăn gia đình 6 người nhà tôi đội chi phí lên đáng kể. Trước đây chỉ cần chi 50 nghìn đồng mua thịt đã đủ chế biến món ăn nhưng nay phải hơn 100 nghìn đồng mới mua đủ lượng thịt như trước. Gia đình tôi đã phải chuyển sang những loại khác như gà, vịt, cá, dừa, đậu phụ… Tuy nhiên ngoài nỗi lo chi phí sinh hoạt tăng lên tôi còn lo người nuôi lợn lợi dụng giá tăng nên dùng chất kích thích tăng trưởng nhanh cho lợn hoặc gian thương nhập thịt không rõ nguồn gốc hay là sử dụng các thủ thuật bơm nước vào con lợn để tăng trọng lượng thịt ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước sự tăng tốc “phi mã” của giá thịt lợn, băn khoăn của người dân cũng như những hệ lụy của việc tăng giá thịt kéo dài, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành chức năng, UBND các huyện và thành phố Nam Định tăng cường công tác tuyên truyền nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng các sản phẩm khác thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh nhằm giảm sức ép cho nguồn cung thịt lợn trong nước. Thông tin thường xuyên và đầy đủ về giá cả thị trường cũng như nguồn cung lợn thịt; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết để cùng có trách nhiệm ổn định thị trường, ngành hàng chăn nuôi nói chung, ngành chăn nuôi lợn nói riêng. Đặc biệt tránh tình trạng đẩy giá thịt lợn xuất chuồng lên quá cao; yêu cầu xuất lợn đúng độ tuổi, đúng khối lượng, không đầu cơ găm hàng chờ tăng giá và tuyệt đối không để các cơ sở chăn nuôi lớn trên địa bàn lợi dụng “làm giá”. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, gian lận thương mại đối với mặt hàng thịt lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng đưa vào địa phương tiêu thụ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung mặt hàng thịt lợn trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu chủ cơ sở giết mổ cam kết thực hiện giết mổ lợn khỏe, lợn có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển và có xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương